Thu hái lộc rừng, mở hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

VHO - Mùa thu hoạch bo bo đang bước vào chính vụ, vào tháng 8, người dân cùng thi nhau “đi thu hái lộc rừng”. Không chỉ có tác dụng bảo vệ rừng, làm tăng độ che phủ của rừng, đặc biệt là khu rừng phòng hộ, cây bo bo còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An.

Nhộn nhịp mùa hái bo bo
Từ sáng sớm, gia đình anh Mùa Bá Chấu, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn đã chuẩn bị các dụng cụ bao tải, gùi, dao và gậy để lên rừng hái bo bo. Mỗi năm khi mùa bo bo đến độ thu hoạch, gia đình anh làm cật lực cả ngày và đêm để kiếm thêm thu nhập. Anh Mùa Bá Chấu phấn khởi cho biết: Cây bo bo năm nay khá cao lớn, cho nhiều quả, gia đình phải huy động tất cả thành viên bóc vỏ quả bo bo. Những ngày nghỉ hè, con cái cũng được bổ sung vào "lực lượng" này. Trước đây chúng tôi chủ yếu hái giống quả này mọc tự nhiên trong rừng. Sau khi biết được giá trị kinh tế mà cây bo bo, bà con trong vùng đã tận dụng những khoảnh đất dưới tán rừng hoặc đất đồi trọc để trồng và chăm sóc. Từ lúc trồng cây giống đến khi ra trái mất từ 2-3 năm, hết mùa thu hoạch cây già sẽ khô và chồi non phát triển, vòng đời khoảng 6-7 năm. Năm nay được mùa, một ha đạt năng suất 30 tạ quả tươi, dự kiến cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. 

Thu hái lộc rừng, mở hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 1

Quả bo bo tươi 

Ông Hờ Bá Rùa, Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Trong khu rừng rộng hàng chục ha ở xã Huồi Tụ có nhiều cây bo bo mọc dưới tán cây lấy gỗ. Cây cao khoảng 2m, lá dài 10-40cm, khi hái phải dùng gậy hoặc dao có mỏ neo ngoắc vào cành kéo xuống, chặt lấy đoạn có quả. Quả bo bo tròn, đường kính khoảng 2-3cm. Người dân thường tách quả ngay rồi bỏ vào gùi tre mang về. Trung bình một ngày, mỗi người hái được 20-30kg. Hái bo bo trên cây đơn giản, nhưng khi gùi về nhà vất vả, bởi đường rừng núi dốc và phải di chuyển qua nhiều khe suối rất vất vả và nguy hiểm. Năm 2023 diện tích cây bo bo có khoảng 20ha, phân bố chủ yếu ở các bản có địa hình cao như Huồi Lê, Huồi Mũ và dọc các sườn núi. Diện tích bo bo ở Huồi Tụ cũng chủ yếu nằm dưới tán rừng được khoanh nuôi, bảo vệ. Với giá trị kinh tế khá cao, cây bo bo được người dân nơi đây coi là cây xóa đói, giảm nghèo. 

Thu hái lộc rừng, mở hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 2

Bà con dân tộc Mông xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn thu hoạch quả bo bo. Ảnh: Lữ Phú

Trong những ngày này gia đình ông Vừ Bá Mà, bản Huồi Sơn, xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương cũng đã huy động các thành viên trong gia đình lên rừng, lên rẫy hái quả bo bo. Theo ông Vừ Bá Mà, thời điểm hiện tại quả bo bo tươi được thương lái thu mua từ 5 - 7 nghìn đồng/kg tuỳ vào chất lượng quả non hay già. Còn giá hạt bo bo đã sấy, phơi khô dao động khoảng 40 - 42 nghìn đồng/kg. Cứ 10kg quả bo bo tươi sau khi bóc tách, phơi khô được khoảng 3 - 4kg hạt bo bo khô. Vì vậy người dân thường tranh thủ chế biến hạt khô để bán. Theo báo cáo của UBND xã, do những năm trước, cây bo bo mọc tự nhiên trong rừng, nên bà con lên rừng hái, không biết chăm sóc bảo quản nên được một thời gian, cây bo bo chết dần chết mòn, diện tích bị thu hẹp. Nhận thấy đây là cây tự nhiên, là thế mạnh của người dân nên chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân rồi, phân chia từng vùng, từng thôn, bản khai thác và chăm sóc. Hiện trên địa bàn có khoảng 30ha cây bo bo, trong đó 15 ha do nằm trong vùng rừng được khoanh nuôi, bảo vệ, còn lại 15ha người dân trồng dưới tán rừng theo dự án hỗ trợ của huyện. 
Cây dược liệu mang giá trị kinh tế gắn với bảo vệ rừng
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết, cây bo bo phân bố nhiều ở các xã có địa hình cao như Na Ngoi, Tây Sơn, Nậm Càn, Huồi Tụ… Toàn huyện có khoảng 1.121 ha cây bo bo. Trong đó, diện tích khoanh nuôi bảo vệ khoảng 672 ha, diện tích do người dân nhân rộng khoảng 257 ha. Dự kiến thời gian tới, với việc được mùa được giá như năm nay, dự báo ở Kỳ Sơn người dân sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây bo bo thêm khoảng 240 ha. Năm 2022, tổng sản lượng thu hoạch hạt bo bo ở Kỳ Sơn đạt khoảng 722 tấn, đã mang lại cho người dân Kỳ Sơn khoản thu nhập khá. Năm 2023 dự kiến sản lượng thu hoạch bo bo ở Kỳ Sơn sẽ cao hơn năm ngoái, giá bán cũng cao hơn từ 2- 4 ngàn đồng/kg. 

Thu hái lộc rừng, mở hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 3

Bà con xã Tam Hợp, huyện Tương Dương bóc vỏ quả bo bo

Theo tài liệu nghiên cứu, cây Bo Bo còn được gọi là cây Mạc Cà, Cọ Cà, Sẹ tía, Sa nhân tím, có tên khoa học là Alpinia Bractea là loài cây hoang dã tự nhiên, một loài Lâm sản ngoài gỗ, mọc phổ biến ở nhiều nơi thuộc miền núi tỉnh Nghệ An, phát triển tốt dưới tán rừng tự nhiên. Bo Bo là loài cây đa tác dụng, theo dân gian truyền miệng đồng bào dân tộc Thái thì hạt được sử dụng làm thuốc chữa bệnh (thấp khớp, đau lưng, đau dạ dày), lá non được sử dụng chế biến các món ăn. Hạt Bo Bo là nguồn dược liệu có giá trị xuất khẩu cao. Một ha cây Bo Bo sau khi trồng ba năm với mật độ 800 cây/ ha có thể mang lại thu nhập 10 đến 15 triệu đồng/ năm (nguồn báo cáo Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP- GEF SGP). Từ năm 2015 đến nay với sự hỗ trợ của Dự án  UNDP- GEF SGP, cây Bo Bo đã được gây trồng thành công với mô hình 86 ha với 84 hộ gia đình tham gia  tại các xã Nậm Nhóong, Châu Thôn, huyện Quế Phong. Năm 2016 Dự án rừng và đồng bằng (VFD) đã tổ chức các đợt tập huấn cho 268 hộ gia đình của 5  bản thuộc xã Nậm Giải, huyện Quế Phong về việc bảo tồn và phát triển loài cây này. Ngoài các địa phương trên, hiện nay có khá nhiều địa phương ở trong tỉnh như xã Tây Sơn, xã Huồi Tụ huyện Kỳ Sơn, Xã Yên Na huyện Tương Dương… hàng trăm hộ dân đã từng bước khoanh nuôi phục hồi, gây trồng cây Bo Bo để khai thác Hạt nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo.
Quả bo bo tươi đang mang lại lợi ích kinh tế gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ rừng nên nhiều hộ đồng bào dân tộc ở Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương... đã biết tự bảo vệ, phát triển cây bo bo trên đất vườn, đất rừng khoán cho các hộ dân theo Nghị định 163 của Chính phủ (gọi tắt là đất 163). UBND tỉnh Nghệ An đã đưa cây bo bo vào danh mục quy hoạch trồng, bảo tồn các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được xem là cây xóa đói giảm nghèo của người dân vùng cao Nghệ An.

                                                                                                 PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc