Thổi bừng sức sống không gian công cộng

TRUNG NGHĨA

VHO - Nhiều không gian công cộng ở Việt Nam hiện đang tồn tại hạn chế như thiếu tính thẩm mỹ, không có hoạt động cộng đồng dẫn đến sự tẻ nhạt, thiếu kết nối giữa con người với môi trường xung quanh… Trước thực trạng đó, nghệ thuật được xem như giải pháp để biến không gian chung vốn tẻ nhạt trở thành điểm đến thu hút du khách và người dân địa phương.

 Thổi bừng sức sống không gian công cộng - ảnh 1

 Làng Nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, Quảng Nam

Thay đổi diện mạo không gian sống

Không gian công cộng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng, là nơi kết nối mọi người, khơi gợi cảm hứng và góp phần tạo dựng diện mạo cho thành phố cũng như vùng quê. Trên thế giới, xu hướng đưa nghệ thuật vào không gian công cộng ngày càng được quan tâm và phát triển rộng rãi. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang dần được chú ý trong thời gian gần đây. Một số tỉnh, thành đã bắt đầu triển khai các dự án cải thiện diện mạo đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đã phối hợp với các đơn vị tổ chức khai mạc Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân và Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Nằm trong Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, qua thực tế khảo sát với nhu cầu sử dụng theo đúng công năng, UBND quận đã phối hợp với các nghệ sĩ lên ý tưởng biến cây cầu đi bộ qua phố Trần Nhật Duật kết nối Khu phố cổ và khu vực phường Phúc Tân trở nên sinh động, cuốn hút hơn, được thắp sáng bởi các tác phẩm sắp đặt. Sau hơn 4 tháng triển khai, với sự sáng tạo khéo léo của các nghệ sĩ, cây cầu đã biến hóa thành một bộ sưu tập tác phẩm sắp đặt ánh sáng.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án này, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Chúng tôi quan sát thấy đa phần người sử dụng cầu đi bộ là các bác lớn tuổi, người bán hàng gánh rong và học sinh đi học, cụ thể là các em Trường Tiểu học Trần Nhật Duật. Buổi tối ánh sáng chưa đủ nên mặt cầu khá tối. Từ những khảo sát này, chúng tôi lên ý tưởng biến cây cầu đi bộ trở nên vui tươi, sinh động hơn, được thắp sáng lung linh vào buổi tối nhờ các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng, một phần được sử dụng từ vật liệu tái chế”.

Trước đó, tại Hà Nội, Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng đã biến con phố cũ kỹ trở thành không gian độc đáo với những tác phẩm đầy sắc màu, tái hiện lịch sử và văn hóa Hà Nội xưa; Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân cũng được hoàn thành vào năm 2020, biến bãi rác thải ngập ngụa ven sông Hồng thành không gian tươi mới, truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…

Tại Quảng Nam, từ năm 2017, Làng Nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh ra đời với các tác phẩm bích họa đầy màu sắc. Và tháng 5 này, khoảng 120 họa sĩ tình nguyện từ các tỉnh, thành trong cả nước cùng người dân địa phương đã đến Làng để sáng tác tranh bích họa, tranh vẽ trên vật dụng điêu khắc, sắp đặt, trưng bày…

Cùng với đó, các loại hình nghệ thuật biểu diễn như Tuồng, Chèo, Hát bội, Xiếc, âm nhạc hiện đại… cũng được nhiều tỉnh, thành đưa xuống đường phố biểu diễn, mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng và phục vụ du khách.

Nghệ thuật “phủ sóng” không gian công cộng

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cho biết: “Nhận thấy sự cần thiết về tái thiết không gian công cộng, quận đã linh hoạt, sáng tạo trong công tác tổ chức, tạo điểm tĩnh kết hợp không gian công cộng với sự cởi mở, thiên về các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh đó, quận cũng luôn ủng hộ những ý tưởng nghệ thuật và văn hóa mới, tạo nên hình ảnh văn minh cho đô thị. Các không gian sáng tạo mang ý nghĩa vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân, vừa phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo dấu ấn trong xây dựng không gian sáng tạo của Hà Nội”.

Thực tế, các tác phẩm nghệ thuật trong không gian công cộng không chỉ tạo cơ hội giao lưu và kết nối cộng đồng mà còn có thể truyền tải thông điệp về các vấn đề xã hội, môi trường, giáo dục... một cách sinh động và hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng. Nghệ thuật còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi địa phương; tạo sự thu hút và hấp dẫn du khách, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tạo ra nguồn thu cho địa phương…

Theo ông Phạm Tuấn Long, khi triển khai các dự án như vậy, bản thân người dân trong khu vực có các không gian nghệ thuật đã ý thức hơn, thay đổi thói quen của mình để giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Cộng đồng đã biết tự chăm lo không gian sống của mình. Sắp tới quận Hoàn Kiếm sẽ từng bước rà soát và triển khai các dự án tương tự…

Đưa nghệ thuật vào không gian công cộng cũng tạo cơ hội cho nghệ sĩ sáng tạo. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận định: Trong bối cảnh những người thực hành nghệ thuật đương đại đang rất thiếu không gian triển lãm cũng như thỏa sức thể hiện những thử nghiệm của mình, không gian công cộng có tiềm năng rất tốt.

Tuy nhiên, để nghệ thuật “phủ sóng” rộng rãi và tái thiết các không gian này, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền các địa phương cần có chính sách hỗ trợ nghệ sĩ sáng tác và giới thiệu tác phẩm; có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, nghệ sĩ, các tổ chức, cộng đồng để triển khai dự án nghệ thuật. Với sự đầu tư và nỗ lực đúng đắn, nghệ thuật có thể góp phần biến đổi các không gian chung tại Việt Nam trở thành những điểm đến lý tưởng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc