Thoát nghèo trên mảnh đất quê hương

NHƯ ĐỒNG

VHO - Con đường dẫn đến khu vườn đồi của gia đình ông Đinh Văn Xuân (61 tuổi) nằm dưới chân đèo Chim Hút rợp một màu xanh cây quả. Từng là hộ cận nghèo có cuộc sống khó khăn, thế nhưng nhờ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hơn hết bản thân ông cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Thoát nghèo trên mảnh đất quê hương - ảnh 1
Ông Đinh Văn Xuân (phải), gương vượt khó vươn lên thoát nghèo trong đồng bào Hre ở xã Hành Dũng

 Nỗ lực vươn lên

Ông Đinh Văn Xuân là người dân tộc Hre ở xóm Đèo, thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Nhà ông Xuân ở giữa xóm, gần trường mẫu giáo. Còn khu vườn đồi làm kinh tế của ông cách nhà chừng 100m, nằm dưới chân đèo Chim Hút.

Cùng tham quan quanh khu vườn đồi rộng 1,3 ha ông Xuân kể câu chuyện của gia đình mình: “Trước kia, nhà tôi nghèo lắm! Phải lo cái ăn hằng ngày, nhà cửa thì lụp xụp, con thì còn nhỏ, khó khăn chồng chất khó khăn và có lúc tự nghĩ có lẽ mình sẽ nghèo mãi không thoát ra được. Thế nhưng được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành để phát triển kinh tế, chính quyền xã cho tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật phát triển trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống giờ đỡ hơn rất nhiều, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Thoát nghèo trên mảnh đất quê hương - ảnh 2
Ông Xuân tận dụng nguồn nước suối để nuôi cá tăng thu nhập cho gia đình

Theo ông Xuân, đồng bào dân tộc Hre ở xóm Đèo trước đây sống du canh, du cư trên núi Kỳ Lân. Sau ngày đất nước thống nhất, theo sự vận động của chính quyền địa phương, người dân chuyển xuống định cư ở vùng đầu con suối chảy ra hố Bà Năm, rồi chuyển đến vị trí của làng bây giờ. Cái khổ, cái nghèo đeo bám nên ông Xuân và người dân ở xóm Đèo luôn khát khao về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thoát nghèo trên mảnh đất quê hương - ảnh 3
Ông Xuân đang chăm sóc bò

Từ khi được Nhà nước đầu tư các dự án, chương trình hỗ trợ, người dân ở xóm Đèo phát triển chăn nuôi, xây dựng nhà ở... Con đường bắt đầu từ đường liên huyện Nghĩa Hành - Tư Nghĩa băng qua xóm Đèo về các xã Nghĩa Thọ, Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) được Nhà nước đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Nhưng để có cuộc sống khá dần lên một cách bền vững đòi hỏi người dân phải nỗ lực nhiều năm liền.

Thoát nghèo trên mảnh đất quê hương - ảnh 4
Ông Xuân trồng xen canh các loại cây trong vườn

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào dân tộc Hre trên núi Kỳ Lân hạ sơn chỉ có 7 hộ với chừng 27 nhân khẩu. Bây giờ, xóm Đèo có 48 hộ dân, tất cả đều là người dân tộc Hre. “Người dân bây giờ đã biết sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo đã biết cách làm ăn, thành công trên chính vùng đất quê hương mình, vươn lên thoát nghèo”, ông Xuân cho hay.

Thoát nghèo trên mảnh đất quê hương - ảnh 5
Dừa xiêm bén duyên trên vùng đất ở xóm Đèo, thôn Trung Mỹ

Kết quả từ sự thay đổi cách nghĩ, cách làm

 Ông Xuân có nhiều đóng góp xây dựng quê hương nên được các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Nhờ sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền của ông Đinh Văn Xuân nên những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc Hre ở xóm Đèo nhanh chóng hơn. Gia đình ông là một trong những điển hình trong việc vượt qua đói ng­hèo không ngừng nỗ lực phấn đấu giúp gia đình, con cái có một cuộc sống tốt đẹp hơn, qua đó còn góp sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Đồng thời, ông Xuân đã chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi gần gũi với bà con, nhất là người nghèo có kiến thức làm ăn.

(Chủ tịch UBND xã Hành Dũng TRẦN VĂN THIỆN)

Cách đây 8 năm, từ diện tích trồng keo, ông Đinh Văn Xuân đã chuyển qua trồng căn ăn quả, chăn nuôi. Hiện tại, trong vườn ông có 500 cây cau, xen kẽ với mít, bưởi, khóm, dừa xiêm và chè… Cùng với đó, ông có 2 hồ nuôi cá diện tích 50m2 và nuôi bò, lợn, gà… ngoài ra còn trồng 3 ha keo. “Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên gia đình tôi có thu nhập ổn định, lấy ngắn nuôi dài trồng xen canh các loại cây trong vườn. Gia đình tôi thoát hộ cận nghèo năm 2023. Theo tính toán khoảng một năm tới gia đình tôi sẽ thu nhập có dư sau khi trừ chi phí từ cây trồng, vật nuôi trong vườn”, ông Xuân nói.

Với vai trò là trưởng xóm Đèo, tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành tại thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng ông Xuân luôn nỗ lực và nêu gương để xóm Đèo hết heo hút, trở thành nơi đất lành chim đậu, làng quê yên bình. “Bà con ở đây chịu khó, chăm chỉ chăn nuôi trâu, lo làm kinh tế, nên có cuộc sống ổn định hơn. Chăm chỉ làm lụng, từ một hộ thuộc diện cận nghèo trong xóm, giờ gia đình ông Xuân đã thuộc hộ khá. Từ tấm gương của vợ chồng ông, nhiều hộ đồng bào Hre đã noi theo đầu tư sản xuất, nuôi con ăn học góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng gia đình ngày càng no ấm, văn minh”, bà Đinh Thị Bốn, xóm Đèo chia sẻ.

Thoát nghèo trên mảnh đất quê hương - ảnh 6
Người dân đồng bào Hre ở xóm Đèo biết chăn nuôi, trồng trọt, đời sống ngày càng phát triển
Thoát nghèo trên mảnh đất quê hương - ảnh 7
Tuyến đường liên huyện được Nhà nước đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại

Ở xóm Đèo ai cũng khen vợ chồng ông Xuân không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn nuôi dạy con cái chăm ngoan, ăn học đến nơi đến chốn. Vợ chồng ông Xuân có 4 người con. Trong đó, có hai người là giáo viên dạy mầm non, tiểu học, một người làm Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Dũng và một con trai làm công nhân kỹ thuật điện ở huyện Minh Long. “Ngày xưa khổ mình học ít, thiếu chữ làm gì cũng khó nên mình cố gắng cho con ăn học. Vợ chồng tôi phải cố gắng làm lụng, vay mượn để các con có tiền học hành”, ông Xuân bộc bạch. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc