Thiêng liêng Lễ chào cờ đón chào năm mới tại Quảng Ngãi

VHO - Sáng 1.1, tại Trạm đèn biển Ba Làng An, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Bình Sơn, Công ty bảo đảm an toàn Hàng hải Trung Bộ tổ chức Lễ chào cờ đầu năm mới 2024.

Thiêng liêng Lễ chào cờ đón chào năm mới tại Quảng Ngãi - Anh 1

Thiêng liêng Lễ chào cờ đầu năm mới 2024

Đúng 8 giờ, Thượng tá Lê Mỹ Sơn, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, điều hành Lễ chào cờ, hát Quốc ca và nghi lễ thượng cờ tại Trạm đèn biển Ba Làng An.
Dưới cờ Tổ quốc, bài Quốc ca được lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân đồng thanh hát vang. Giai điệu hào hùng của bài Quốc ca tại Trạm đèn biển Ba Làng An nơi hướng ra vùng biển, vùng trời, hải đảo làm cho Lễ chào cờ đầu tiên của năm mới linh thiêng, hùng tráng và tự hào. 

Lễ chào cờ đón chào năm mới 2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tự chủ của cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên và Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, hướng về biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa, vùng trời thiêng liêng Tổ Quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, Lễ chào cờ đón chào năm mới là hoạt động góp phần lan tỏa hình ảnh văn hóa, du lịch của quê hương Quảng Ngãi, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng của vùng đất mũi Ba Làng An, xã Bình Châu.
Đất mũi Ba Làng An vùng đất này được hình thành từ 3 ngôi làng là An Hải, An Vĩnh, An Kỳ, theo các tài liệu chính sử ghi nhận, chính cư dân vùng Ba Làng An là người đã khai phá và hình thành nên lớp cư dân Việt đầu trên trên đảo Lý Sơn. Các địa danh An Hải, An Vĩnh, An Bình trên đảo Lý Sơn chính là xuất phát từ địa danh của mũi Ba Làng An. Dấu tích của đội Hoàng Sa tại mũi đất này là địa danh Vườn Đồn (thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi), nơi xuất quân của đội Hoàng Sa. Vườn đồn nay là Đồn Biên phòng Sa Kỳ đóng chân. Cách đó vài trăm mét là dấu tích của miếu Hoàng Sa, nơi đội Hoàng Sa làm lễ tế thần Nam Hải trước khi ra khơi.
Các đợt khai quật khảo cổ năm 1978, 2002, tại đây đã phát hiện dấu tích quan trọng về lớp cư dân tiền Sa Huỳnh cư trú, vùng biển Bình Châu còn chứa đựng nhiều con tàu cổ đắm dưới lòng biển sâu.

Thiêng liêng Lễ chào cờ đón chào năm mới tại Quảng Ngãi - Anh 2

Thực hiện nghi lễ chào cờ

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nguyễn Tiến Dũng cho biết, mũi Ba Làng An được thiên nhiên ban tặng với bãi biển cát trắng tuyệt đẹp, làn nước trong xanh, có miệng núi lửa cổ đã ngưng hoạt động khoảng 30m2, thắng cảnh Hòn Nhàn là đảo đá trầm tích được tạo ra từ hoạt động phun trào và kiến tạo của vùng trầm tích núi lửa. Nhiều vách đá trầm tích và rạn san hô, rong biển. Có ngọn hải đăng tuyệt đẹp cao 36,4m, 80 bậc thang có vai trò quan trọng trong kiểm soát biển và cứu hộ hàng hải, đồng thời là điểm đất liền gần nhất đến quần đảo Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc.

Thượng úy Hoàng Đan, Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi xúc động chia sẻ: “Bản thân tôi rất vinh dự, tự hào khi được chọn là người ôm cờ và thực hiện nghi thức chào cờ đầu năm mới. Là chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh tôi xin hứa quyết tâm thực hiện bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển”.

Anh Mai Trường Giang, Bí thư Đoàn thanh niên xã Bình Châu bày tỏ: “Với vai trò xung kích, tình nguyện, tiên phong cùng với sức mạnh của trí tuệ và công nghệ mới, thế hệ trẻ chúng tôi sẽ vượt qua mọi thử thách, khó khăn, phấn đấu xây dựng bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, duy trì môi trường biển trong sạch góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển”. 

Thiêng liêng Lễ chào cờ đón chào năm mới tại Quảng Ngãi - Anh 3

Chương trình nghệ thuật chào đón năm mới với các tiết mục mừng Đảng, mừng Xuân và biển đảo Tổ quốc

Dịp này, lãnh đạo, cán bộ Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi đã dâng hương tại di tích lịch sử quốc gia địa đạo Đám Toái. Nơi đây từng là Trạm phẫu thuật tiền phương trong kháng chiến và cũng là nơi 66 liệt sĩ, thầy thuốc bị địch sát hại trong khi đang làm nhiệm vụ. 
Trong giai đoạn 1962 -1965, tình hình chiến sự tại các xã khu đông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) diễn ra hết sức ác liệt. Quân và dân trong huyện cùng bộ đội chủ lực đã kiên cường chiến đấu với kẻ thù. Để bảo đảm việc chữa trị kịp thời cho thương, bệnh binh trên chiến trường đông bắc Quảng Ngãi, một trạm phẫu thuật tiền phương đã được lập nên trong lòng địa đạo tại khu vực Đám Toái.

Thiêng liêng Lễ chào cờ đón chào năm mới tại Quảng Ngãi - Anh 4

Lãnh đạo, cán bộ Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi dâng hương tại di tích lịch sử quốc gia địa đạo Đám Toái

Suốt một thời gian dài, đây là nơi chữa trị cho rất nhiều thương bệnh binh trên chiến trường, phục vụ đắc lực trong công tác tác chiến. Và cũng chính tại nơi đây, vào tháng 9.1965, trong một đợt đổ bộ, lính Mỹ đã phát hiện ra miệng địa đạo và đã cho quân đẩy thuốc nổ xuống miệng hầm để đánh sập. Hành động này đã khiến 66 bác sĩ, y tá, hộ lý và thương bệnh binh đang điều trị tại đây hy sinh, bị chôn vùi trong lòng địa đạo.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện trùng tu, tôn tạo và khai thác di tích lịch sử quốc gia một cách hiệu quả nhất, đồng thời nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc