Thanh Hóa sơ tán khẩn cấp hàng nghìn hộ dân
VHO - Mưa lớn liên tục nhiều ngày qua khiến nước lũ đổ về đã làm ngập, sạt lở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gây thiệt hại về nhà ở, đường giao thông, công trình thủy lợi và cây trồng... Chính quyền địa phương đã khẩn cấp di dời gần 3.000 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, ngập lụt đến nơi tránh trú an toàn, trong đó nhiều nơi ở các huyện miền núi tạm thời bị cô lập.
Theo thống kê sơ bộ, đến ngày 24.9, các huyện thị, thành phố tại Thanh Hóa đã sơ tán 2.873 hộ dân với 11.759 nhân khẩu sinh sống dọc các vùng ven sông, suối có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. 169 nhà dân ở các huyện miền núi bị đất đá sạt lở gây hư hại. Hàng nghìn ha lúa, hoa màu, cây trồng lâu năm, nuôi trồng thủy sản... bị ngập úng, thiệt hại. 10 điểm trường bị ảnh hưởng do sạt lở phải sơ tán học sinh. Hàng loạt tuyến quốc lộ 15C, 16 đi huyện Mường Lát, đường 217 đi Quan Sơn đã bị sạt lở một số điểm gây cô lập, chia cắt nhiều thôn bản. Điện lưới tại các xã, phường bị ngập lụt đã bị cắt.
Tại xã Mường Chanh (huyện Mường Lát), mưa lũ lớn tràn về đã khiến nước suối Sim dâng cao ngập tỉnh lộ 521E, chia cắt xã này với trung tâm huyện. Mưa lũ đã khiến 9 bản của xã Mường Chanh tạm thời bị cô lập. Toàn bộ 4 cầu tràn đi các khu dân cư bị ngập sâu hơn 1m, có những điểm nước chảy xiết, dâng cao so với bề mặt của đập tràn gần 2m. Lực lượng bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương đã sơ tán khẩn cấp 18 hộ dân sống dọc suối Sim đến hội trường UBND xã và nhà văn hóa thôn bản. Hiện nay, các lực lượng cũng đang vận động, tổ chức sơ tán tiếp 30 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét đến trú tránh tại nơi an toàn. Ngoài ra, UBND xã Mường Chanh cũng đang duy trì 100% quân số thường trực, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống xấu. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị thông tin liên lạc, lương thực, thực phẩm sẵn sàng ứng phó với mưa lũ.
Lũ từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn khiến mực nước sông Bưởi tại Kim Tân, huyện Thạch Thành vượt báo động 3; các sông Mã, sông Càu Chày, sông Chu đã qua báo động hai và chưa có dấu hiệu rút. Người dân các vùng hạ du được nhà chức trách khuyến cáo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sẵn sàng di tản đến nơi an toàn. Tại TP Thanh Hóa, lực lượng chức năng liên tục phát đi cảnh báo, kêu gọi người dân vùng ngoài đê sông Mã thuộc các phường Thiệu Dương, Nam Ngạn, Đông Hải, Hoằng Quang, xã Thiệu Khánh di dời trẻ em, người cao tuổi đến nơi an toàn. Hàng trăm gia đình sinh sống ở vùng trũng thấp đã bị lũ dâng cao gây ngập lụt 0,5-2m, chia cắt cục bộ. Tại huyện Thường Xuân, nước sông Chu lên cao cũng đã khiến nhiều nơi trên địa bàn huyện bị chia cắt, cô lập, trong đó có bản Mạ - bản du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Thanh Hóa với trên 50 hộ dân.
Hiện nay một số huyện tại Thanh Hóa đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Ngành giáo dục ghi nhận một số trường học tại Mường Lát, Như Xuân, Lang Chánh đã bị sạt lở gây hư hỏng. Lũ tại Thanh Hóa đã khiến một số ô tô, xe máy và người dân bị cuốn trôi. Hơn 6h ngày 23.9, một nam thanh niên chở người thân bằng xe máy băng qua đập tràn suối Thành, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân đã bị lũ cuốn tử vong. Bé gái đi cùng may mắn được cứu sống. Thi thể nạn nhân đã được tìm thấy sau khoảng hai tiếng, bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Kiểm tra tình hình ứng phó và khắc phục thiệt hại sau mưa lũ tại các huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên, cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình và trẻ nhỏ tại điểm sơ tán của 24 hộ dân thôn Kéo Té tại điểm trường Kéo Té, Trường mầm non Nhi Sơn, xã Nhi Sơn (Mường Lát); kiểm tra điểm sạt lở tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý; Công trình Trường THCS xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh; các điểm sạt lở trên quốc lộ 15C đoạn qua các huyện Mường Lát, Quan Hóa. Tại đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên đề nghị huyện Mường Lát tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết để kịp thời tổ chức sơ tán người và di dời tài sản của nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm theo phương án đã được phê duyệt; hỗ trợ người dân các điều kiện sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe cho người già và trẻ nhỏ; khẩn trương báo cáo UBND tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp để sớm đầu tư xây dựng công trình bán trú, ổn định nơi ở và học tập cho học sinh. Đối với sự cố sạt lở tại Trường THCS xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị huyện Lang Chánh, xã Lâm Phú và nhà trường phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trong trường; đồng thời tính toán phương án xây mới hoặc di chuyển phù hợp.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng hoan nghênh các địa phương đã phối hợp, báo cáo kịp thời với tỉnh và Sở Giao thông vận tải để có phương án đảm bảo an toàn giao thông, sạt đến đâu xử lý kịp thời đến đó để đảm bảo giao thông thông suốt.