Thanh Hoá công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất nhiều nơi

NGUYỄN LINH

VHO - Ngày 23.9, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở đất, đá tại các khu vực: Kênh Chính hệ thống thủy lợi Cửa Đạt (đoạn từ K6+300-K6+500), thôn Hợp Thành, xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc; Trường THCS&THPT Như Xuân, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân; Trường THCS Lâm Phú, huyện Lang Chánh và thôn Khung, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước.

Thanh Hoá công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất nhiều nơi - ảnh 1
Khối lượng lớn đất, đá trên đồi đổ ập vào ngôi trường đang xây tại xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh

Cụ thể, tại thôn Hợp Thành, xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc do ảnh hưởng mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày gây sạt lở đất mái taluy dương bờ hữu kênh Chính hệ thống thủy lợi Cửa Đạt đoạn từ K6+300-K6+500; chiều dài cung sạt lở đất khoảng 150 m, rộng khoảng 100 m; sạt lở đất từ cao trình (+95.00) m vùi lấp đất đá xuống lòng kênh Chính (cao trình bờ kênh +37.00 m), khối lượng đất đá sạt lở khoảng trên 150.000 m3, hiện đã lấp kín và gây ách tắc lòng kênh đi qua vị trí này.

Vị trí sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống tại thôn Hợp Thành, xã Phùng Giáo, đặc biệt là 4 hộ dân/19 nhân khẩu sinh sống ngay bên bờ tả kênh (đối diện với cung sạt trượt) và người dân, phương tiện khi tham gia giao thông dọc tuyến kênh.

Do mưa lớn kéo dài, gây ra sự cố sạt lở đồi đất phía sau Trường THCS&THPT Như Xuân, huyện Như Xuân làm tường chắn đất mái taluy bị trượt, đứt gãy khoảng 50m, đất đá sạt lở đã chạm chân tường phía sau nhà đa năng và nhà lớp học 2 tầng.

Ngoài ảnh hưởng đến hạng mục công trình nêu trên, sự cố sạt lở đất còn có nguy cơ gây thiệt hại cho các hạng mục, công trình hiện hữu khác của Trường THCS&THPT Như Xuân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng và việc dạy và học của trường. Hiện nay, đang là thời kỳ cao điểm của mùa mưa, sạt lở có nguy cơ tiếp tục phát triển và diễn biến phức tạp, khó lường.

Thanh Hoá công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất nhiều nơi - ảnh 2
Sạt lở đất tại huyện Như Xuân

Tại Trường THCS Lâm Phú, huyện Lang Chánh, sạt lở đồi đất phía sau trường làm sập đổ hoàn toàn khu nhà vệ sinh, tràn vào tầng một và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạng mục công trình Nhà lớp học 2 tầng 8 phòng (cột bị nghiêng, gãy, bong lộ cốt thép; nứt móng, tường; có nguy cơ cao bị sập đổ).

Ngoài ảnh hưởng đến công trình nêu trên, sự cố sạt lở đất còn có nguy cơ gây thiệt hại cho các hạng mục, công trình hiện hữu khác của Trường THCS Lâm Phú, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học của trường.

Mưa lớn kéo dài cũng gây ra sự cố sạt trượt đồi Lung Đạc tại thôn Khung, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước với chiều rộng cung sạt lở khoảng 120,5m và chiều sâu khoảng 114m, trong phạm vi cung trượt có nhiều vết nứt, lún.

Vị trí sạt trượt này có khối lượng rất lớn và nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa, tài sản, tính mạng của 4 hộ dân trong phạm vi cung trượt và 3 hộ 2 dân lân cận, đồng thời có nguy cơ vùi lấp đoạn đường Quốc lộ 217 gây ách tắc giao thông và đất nông nghiệp của người dân thôn Khung.

Quyết định nêu rõ, UBND các huyện: Như Xuân, Ngọc lặc, Bá Thước, Lang Chánh theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.

Thực hiện rào chắn, cắm mốc quan trắc và biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở, đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; không cho người và phương tiện đi vào khu vực sạt lở và có nguy cơ bị ảnh hưởng của sạt lở, nhất là khi xảy ra mưa lớn.

Triển khai ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của sạt lở.

Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai sạt lở đồi đất tại Kênh Chính hệ thống thủy lợi Cửa Đạt (đoạn từ K6+300-K6+500), thôn Hợp Thành, xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc; Trường THCS&THPT Như Xuân, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân;

Trường THCS Lâm Phú, huyện Lang Chánh và thôn Khung, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhất là chủ động sơ tán/di dời người và tài sản có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra mưa lớn và các tình huống nguy hiểm.