Thả hơn 1 triệu con cá giống xuống sông Hậu tái tạo nguồn lợi thủy sản
VHO - Bộ NN&PTNT phối hợp UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức Lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang – Cần Thơ – Đồng Tháp năm 2023 trên sông Hậu. Hơn 1 triệu con cá giống các loại được thả xuống sông Hậu, tương đương khối lượng hơn 11 tấn.
Các đại biểu thả cá qua máng trượt
Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang – Cần Thơ – Đồng Tháp được tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy hoạt động thả cá trở thành phong trào toàn dân tham gia công tác phục hồi, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về tình yêu thiên nhiên, về ý thức trách nhiệm đối với môi trường. Trong đó, đặc biệt nghiêm cấm khai thác thủy sản bằng xung điện, chất độc, chất nổ, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định.
Với mục tiêu phục hồi, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Sau lễ phát động, hơn 1 triệu con cá giống các loại được thả xuống sông Hậu, tương đương khối lượng hơn 11 tấn. Trong đó, có nhiều loài thủy sản bản địa quý hiếm được thả về với thiên nhiên như cá bông lau, cá cóc, cá rô đồng, cá trê vàng, cá hô, cá chạch lấu, lươn, cá mè hôi, cá lăng nha, cá mè vinh, cá hường, cá linh, tôm càng xanh, cá sặc rằn,… với tổng số tiền đợt thả cá lần này hơn 660 triệu đồng.
Quang cảnh thả cá trên sông Hậu
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ: “Lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa quan trọng, thiết thực nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Sự kiện này là nét văn hóa của 3 địa phương, TP Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp và sẽ tạo nên hiệu ứng có sức lan tỏa trong toàn xã hội”.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, tại vùng ĐBSCL, nhiều loài thủy sản nằm trong danh mục nguy cấp, quý, hiếm như cá tra dầu, cá trà sóc, cá còm, cá he vàng, cá ét mọi, cá hô, cá thát lát cườm. Hoạt động này sẽ góp phần phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản tại vùng ĐBSCL, tạo sinh kế cho ngư dân, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới tất cả các tầng lớp nhân dân tại các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL nói riêng và trên cả nước nói chung. Song song với việc thả cá tái tạo nguồn lực thủy sản là tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra kiểm soát, vận động người dân không sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt thủy sản, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Hoạt động thả cá được các địa phương tổ chức thường niên và đã trở thành phong trào toàn dân tham gia công tác phục hồi, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trên địa bàn Cần Thơ năm 2011 có 120 loài cá và 8 loài tôm, đây là nguồn lợi thủy sản tự nhiên vô cùng phong phú và đa dạng có tiềm năng rất lớn để khai thác phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra, có một số loài thủy sinh đang được khai thác phục vụ du lịch như cá lóc bay, cá bú bình, cá trê vượt cạn đã thu hút sự quan tâm và hứng thú từ du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay một số tác động tiêu cực đã làm ảnh hưởng tới môi trường thủy sinh tự nhiên, đặc biệt đối với lĩnh vực thủy sản như ô nhiễm môi trường, hiện tượng khai thác thủy sản bằng xung điện, chất độc, sử dụng kích thước mắt lưới nhỏ vẫn còn xảy ra đã làm cho đa dạng thành phần loài thủy sản và nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm.
Công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản được các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc khôi phục lại nguồn lợi thủy sản, gia tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, đặc biệt là phục hồi và tái tạo các loài thủy sản quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
T.TRANG