Tạo sinh kế cho đồng bào thiểu số bằng trồng dược liệu

VHO - Nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão, được xem là “thủ phủ” cây dược liệu của tỉnh Bình Định, với nhiều loại cây thuốc quý như: ba kích tím, hà thủ ô đỏ, đảng sâm, chè dây... Nhờ bảo tồn, phát huy giá trị cây bản địa, những năm qua đã mở ra hy vọng giúp các hộ dân, đặc biệt bà con Bana “cổng trời” nơi đây có cuộc sống ấm no, bền vững hơn.

Trong thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, để bà con trồng được dược liệu, góp phần bảo tồn cũng như phát huy nguồn gen dược liệu và làm cho kho tàng bài thuốc dân gian của Việt Nam phong phú hơn, từ đó chữa lành các căn bệnh trong cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, tạo ra sinh kế bền vững hơn cho đồng bào thiểu số Bana và H’rê ở đây. Hiện nay, tất cả các thành viên trong HTX cũng đang cố gắng xây dựng mô hình thương mại hai chiều, với mục đích tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho các xã viên tại địa phương.

Tạo sinh kế cho đồng bào thiểu số bằng trồng dược liệu - Anh 1

HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn chuyển giao cây giống dược liệu cho bà con

Về thăm “cổng trời” An Toàn những ngày, với không khí sương mù, se lạnh, chúng tôi nhìn thấy những cánh rừng dược liệu xanh ngắt, lúc ẩn lúc hiện thấp thoáng dưới tán rừng đặc dụng. Theo HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn, khí hậu và điều kiện tự nhiên tại An Toàn giúp cho các loại cây dược liệu tích được nhiều hoạt chất quý, đây là điều kiện tiên quyết để thu hút các nhà sản xuất, bà con cùng bảo tồn cũng như tạo ra những loại thuốc nam dược và thực phẩm chức năng chất lượng.

Tại vùng rừng núi An Toàn có một số loài cây dược liệu bản địa đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Nếu khai thác tiềm năng, lợi thế về đặc điểm đất đai và thời tiết khí hậu của địa phương thì cây dược liệu sẽ mở ra hướng sản xuất mới, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con đồng bào nơi đây.

Theo thống kê, toàn xã An Toàn hiện có trên 240 hộ, với gần 1.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào Bana và H’rê chiếm phần lớn. Trong nhưng năm qua, sinh kế của các hộ liên kết còn phụ thuộc nhiều vào khai thác mật ong rừng, sim rừng, rau rừng, chè dây, cá suối, trồng lúa rẫy, cam, quế và một số loại củ quả giá trị kinh tế thấp như khoai mì, dứa... thường bị thương lái ép giá. Đồng thời, với kỹ thuật canh tác thô sơ, sản lượng trồng trọt các loại nông sản trên vẫn còn thấp và chất lượng thiếu ổn định. Tuy nhiên, dự án trồng cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO của HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn triển khai tại An Toàn đã mở hướng tạo sinh kế mới cho người dân ở đây.

Tạo sinh kế cho đồng bào thiểu số bằng trồng dược liệu - Anh 2

Đồng bào Bana An Toàn giờ đã biết quy trình trồng, chăm sóc các cây dược liệu khác theo hướng hữu cơ

Hiện 4 loại dược liệu trồng đã đạt chứng nhận GACP-WHO gồm: Đương quy, chè dây, thìa canh và cà gai leo. Anh Đinh Văn Lương, người dân tại xã An Toàn chia sẻ: Nhờ các thành viên HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn, bà con được chỉ dẫn nên hiểu được phần nào chăm sóc. Hiện nay, đồng bào đã biết quy trình trồng, chăm sóc chè dây và các cây dược liệu khác theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, HTX còn cung cấp giống, phân bón, giải pháp kỹ thuật, phòng chống và khắc phục sâu bệnh cho các hộ thành viên và hộ liên kết. Đó là chưa kể, HTX còn cho bà con thuê hoặc mượn các thiết bị nông nghiệp, chế biến như máy cắt cỏ, máy xới đất, máy cô cao... Nhưng điều ước quan trọng nhất, đó là sau này bà con sẽ có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình khấm khá hơn trước.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc