Sự tử tế
VHO- “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, người ta sinh ra vốn đã mang trong mình lòng tốt và sự tử tế. Theo thời gian, gánh lo toan chất nặng dần trên vai, cũng là lúc lòng tốt và sự tử tế đôi khi bị mai một dần… “Tử tế” là từ ghép cổ, mang nghĩa “cẩn thận, tỉ mỉ từ những điều nhỏ bé, tầm thường nhất”. Hóa ra, “tử tế” không phải điều gì to tát, mà bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, bất kể việc gì, chỉ cần làm đúng, làm chuẩn thì chúng ta đã là người tốt. Ở bất kỳ đâu, dù hoàn cảnh nào, mang danh phận nào, chỉ cần chúng ta làm đủ, làm đúng, làm tròn việc của mình, ngay từ những điều nhỏ bé, bình thường nhất, là chúng ta đã thành một người tử tế.
Dù “tử tế” là bản chất vốn có “cha sinh mẹ đẻ”, nhưng thực hiện được sự “tử tế” thì rất cần bản lĩnh. Tùy lúc, tùy nơi mà bản lĩnh đó cần nhiều hay ít. Bản lĩnh của sự tử tế không phải thứ hữu hình để có thể định lượng, nhưng nó mang sức nặng ngàn cân mỗi khi phần “con” lấn át phần “người”. Một mình, đứng trước nguy nan và đứng trước cám dỗ, không phải “gồng lên” để thể hiện cho ai thấy, ai biết, đó là lúc ta minh định được sự tử tế của chính mình.
Cuộc sống ngày nay có thế giới thực và thế giới ảo. Trước kia, “trăm nghe không bằng một thấy”, nghĩa là, chỉ cần “một thấy” đã có thể xác tín; nhưng giờ, nghe, thấy, sờ, thử… vẫn là chưa đủ, nghe vậy mà không phải vậy, thấy vậy mà có phải vậy đâu! Lật giở những đại án “kinh thiên động địa”, mới thấy triết lý “lòng tốt và sự tử tế là nhân quả” của Phật giáo là không thể nghĩ bàn. Có kẻ hôm trước còn tự cho mình là người tử tế, hôm sau đã sa chân vào chốn lao tù!
Nhưng, bên cạnh những kẻ “ngụy quân tử”, giả “tử tế”, ở phía tích cực ngoài kia, chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp những tấm lòng nhân hậu, những nghĩa cử cao đẹp, lấp lánh nhân văn. Đơn cử như câu chuyện làm ấm lòng dư luận mới đây, ngày 12.10, hai nữ lao công là chị Vũ Thị Thu và Khiếu Nữ Thị Thanh Chúc, nhân viên Công ty cổ phận dịch vụ đô thị Đà Lạt đã nhặt được tư trang và tiền mặt trị giá hàng trăm triệu đồng của du khách. Các chị không chút đắn đo, lập tức mang giao nộp cho công an để trao trả lại cho người mất. Điều đáng nói, nhìn các chị qua ảnh, chúng ta đều cảm nhận được rằng, cuộc sống của họ cũng chẳng mấy dễ dàng, thể hiện trên khuôn mặt khắc khổ, cười mà vẫn hằn rõ nét lo toan...
Và còn nữa, trên mạng xã hội, ta cũng thường xuyên bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ tử tế chung tay “nấu cơm cho em”, chia sẻ từng bữa “cơm có thịt” cho học sinh miền núi, vận động hiến máu cứu người... Người tử tế còn là cụ bà U90 ở Thường Xuân, Thanh Hóa, nhiều lần viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, nhất định không chịu nhận trợ cấp, nhất định nhường quyền lợi cho người khó khăn hơn. Người tử tế còn là những cô bé nhịn ăn sáng để quyên tiền gửi đồng bào lũ lụt, là cậu bé cõng bạn đến trường suốt chục năm ròng...; và vô vàn con người nhỏ bé khác đang ngày đêm thầm lặng làm việc tử tế, như những chú ong cần mẫn góp mật xây đời. Những câu chuyện như vậy vẫn liên tục được phản ánh qua phương tiện thông tin đại chúng, góp phần cổ vũ, củng cố niềm tin vào lòng tốt và sự tử tế vẫn đang nảy nở, sinh sôi và lan tỏa trong đời sống hôm nay.
Bàn thêm về lòng tốt và sự tử tế, tưởng không có định nghĩa nào giản dị, dễ hiểu hơn câu nói của đại văn hào Mark Twain: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể nhìn”, để thấy rằng, sự tử tế chính là sức mạnh gắn kết chúng ta thành một khối thống nhất, yêu thương, tin tưởng, sẻ chia để giúp nhau cùng phát triển. Và chắc chắn, lòng tốt, sự tử tế có thể làm thay đổi bộ mặt xã hội ta trở nên văn minh, tiến bộ, là tiền đề để đưa đất nước ta phát triển, hướng tới tương lai vững mạnh, hùng cường.
ĐỖ CAO HUYỀN