Sống thấp thỏm trong khu vực nguy cơ sạt lở
VHO - Nhiều khu vực tại các địa phương vùng núi của tỉnh Thừa Thiên Huế đang đối mặt với nguy cơ sạt trượt đất đá. Khi mùa mưa bão đang cận kề, người dân sinh sống trong những vùng này càng thấp thỏm, lo lắng, mong muốn sớm được di dời tái định cư.
Nỗi lo mùa mưa bão
Ngôi nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Liễu, thôn Phú Thành, xã Phú Vinh (huyện A Lưới) nằm sát ngay dưới chân khu vực núi đã từng xảy ra sạt trượt. Mới mấy trận mưa giông cuối mùa, bà Liễu đã thấp thỏm lo lắng, không biết đến mùa mưa bão năm nay sẽ như thế nào.
Ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Liễu nằm cạnh dưới chân núi đã từng xảy ra sạt trượt đất
Bà Nguyễn Thị Liễu kể rằng: gia đình bà đến đây sinh sống từ năm 1991, thời gian gần đây tình trạng sạt trượt núi diễn biến phức tạp hơn. Mấy năm qua, mỗi lần có mưa gió lớn là gia đình phải khăn gói di dời đến nơi khác trú ngụ. Biết là ngôi nhà, đồ đạc, tài sản mồ hôi nước mắt ở đây cả nhưng phải đi chứ không thể đánh liều tính mạng. Vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng từ năm 2020 là bài học kinh nghiệm rồi, mình mà ở trong nhà đêm hôm mà lỡ có sự cố núi sạt, đất sập xuống thì còn chi nữa.
Không riêng gì bà Liễu, nhiều hộ dân sống phía sau chợ Bốt Đỏ, xã Phú Vinh cũng nằm trong khu vực xung yếu về sạt lở núi. Gia đình chị Phạm Thị Thủy mới xây nhà hơn 4 năm trước, sau khi có nhà mới thì phát hiện có hiện tượng sạt trượt núi và khu vực nhà chị nằm trong vùng ảnh hưởng. Mỗi lần nghe đài báo có mưa gió lớn là gần như thức trắng đêm, không dám chợp mắt. “Hai vợ chồng tự nói với nhau, lỡ mà có sự cố gì thì mỗi người bồng một đứa con mà chạy về phía chợ Bốt Đỏ (mới xây dựng) cho an toàn”- chị Thủy nói.
Theo ghi nhận, tại huyện miền núi A Lưới có các khu vực xung yếu, đối mặt với nguy cơ sạt lở núi bất cứ lúc nào. Đó là khu vực sạt trượt đã diễn ra hơn 2 năm ở phía sau chợ Bốt Đỏ (xã Phú Vinh), khu vực phía sau trụ sở xã UBND Hồng Quảng cũ (nay là xã Quảng Nhâm), các điểm sạt trượt dọc Quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh… Ngoài ra, tại khu vực núi Tru Phỉ, xã Hồng Thủy đã xảy ra hiện tượng nứt núi đe dọa trực tiếp đến 36 hộ dân và nguy cơ ảnh hưởng đến 105 hộ dân.
Núi Tru Phỉ (xã Hồng Thủy) xuất hiện các vết vứt hơn 2 năm qua đe dọa trực tiếp đến 36 hộ dân
Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, hiện nay các khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở, ngập úng trên địa bàn huyện ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của bà con, có khoảng 200 hộ dân cần di dời tái định cư để đảm bảo an toàn, ổn định đời sống. Huyện A Lưới đã có báo cáo đến các Sở, ngành liên quan và UBND tỉnh về việc xem xét phương án di dời tái định cư cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở núi, ngập lụt nhưng đến nay vì khó khăn về kinh phí nên chưa được phê duyệt, triển khai.
Theo lãnh đạo huyện A Lưới, khoảng 2 năm trở lại đây, địa phương đã ghi nhận tình trạng nứt núi ở Tru Phỉ, xã Hồng Thủy với các vết nứt rộng 1-1,5m, có nơi sâu 3-4m, tổng chiều dài các vết nứt gần 300m. Huyện đã xây dựng phương án quy hoạch để tái định cư cho khoảng 105 hộ ở đây nhưng khó khăn về kinh phí, quỹ đất nên chưa triển khai được. Thời gian qua, địa phương thường xuyên tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để bà con sinh sống trong khu vực nắm rõ các thông tin nhằm phòng, tránh một cách chủ động.
Cần nguồn lực để sớm di dời tái định cư cho người dân
Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm nói rằng: A Lưới là huyện vùng núi, biên giới, công tác phòng chống thiên tai rất được chú trọng và xây dựng kế hoạch chi tiết. Mỗi lần trời mưa lớn khoảng 2-3 ngày là các xã, thôn đã có lực lượng vận động di dời bà con trong vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở núi di dời đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân.
Ông Trần Lý Sơn, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh thông tin rằng, trước mắt huyện đã bố trí gần 500 triệu đồng để địa phương khẩn trương triển khai san gạt, khắc phục tạm thời khu vực sạt lở ở phía sau chợ Bốt Đỏ kịp trước mùa mưa bão năm 2023 này. Chiều dài khu vực đất sạt trượt cần san gạt là hơn 181m, dự kiến sẽ di dời gần 7.900 m3 đất đi nơi khác. Đây chỉ là bước xử lý bên ngoài, tạm thời để tránh hưởng đến những hộ dân sinh sống trong khu vực; để khắc phục tình trạng sạt trượt núi từ bên trong thì phải có nguồn kinh phí khá lớn, cần có sự hỗ trợ của các chương trình từ trung ương và tỉnh cũng như triển khai việc di dời tái định cư.
Hàng chục hộ dân phía sau chợ Bốt Đỏ đang đối mặt nguy cơ sạt lở đất đá
“Hiện nay, xã đang lấy ý kiến của bà con dân cư sinh sống ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi sạt lở và nguy cơ sạt lở để nắm bắt tình hình, nguyện vọng. Huyện đang có kế hoạch xây dựng khu quy hoạch tại xã Quảng Nhâm để tái định cư cho bà con bị ảnh hưởng. Những hộ dân ở phía sau chợ Bốt Đỏ là dân cư đã sinh sống lâu năm ở đây, còn tình trạng sạt lở đất chỉ mới xuất hiện khoảng 2 năm nay nên cần có các chính sách phù hợp để đảm bảo an toàn cho bà con”- ông Trần Lý Sơn chia sẻ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện toàn tỉnh có hơn 70 điểm nguy cơ sạt trượt đất, lũ quét, ảnh hưởng đến khoảng 5.000 hộ dân. Trong đó, các địa phương có nguy cơ cao về sạt lở núi gồm huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Hương Trà… Ngoài các điểm nguy cơ cao ở huyện miền núi A Lưới nói trên, tại huyện miền núi Nam Đông có các điểm nguy cơ như: khu vực dân cư đoạn tổ dân phố 1, 2 thị trấn Khe Tre dọc đường cao tốc La Sơn- Túy Loan; thôn 2 xã Thượng Nhật ảnh hưởng đến 89 hộ dân; thôn 1 xã Hương Lộc ảnh hưởng 75 hộ…Tại huyện Phong Điền, tuyến đường 71 xã Phong Xuân và các khu vực thủy điện Rào Trăng 3, 4; tại huyện Phú Lộc, khu vực ven chân đèo Phú Gia có nguy cơ sạt lở đe dọa trực tiếp 14 hộ dân, ngoài ra tuyến đường vào khu du lịch Laguna ở xã Lộc Vĩnh cũng là khu vực xung yếu về sạt trượt đất đá, gây chia cắt đi lại…
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: Hiện nay, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về các điểm nguy cơ cao sạt lở núi để khi có mưa gió, thiên tai người dân hạn chế đi lại; đồng thời theo dõi tình hình mưa bão để có phương án di dời dân cư ở phía chân núi, đồi, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực này. Các địa phương cấp xã, thôn đều có xây dựng phương án chi tiết về di dời dân cư khi có thiên tai, đặc biệt với các vùng nguy cơ sạt lở thì càng chú trọng công tác này.
Để ứng phó thiên tai, tỉnh giao ngành NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan rà soát các khu vực có nguy cơ cao sạt lở và lên phương án di dời; phối hợp với các địa phương chuẩn bị nguồn đất để có kế hoạch tái định cư về lâu dài.
Bài, ảnh: SƠN THÙY