Rác thải “bủa vây” môi trường biển

VH- Tình trạng rác thải “bủa vây” trên các bãi biển ở tỉnh Khánh Hòa đang là vấn đề nhức nhối đối với cộng đồng xã hội. Rác thải không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn gây hệ lụy đến phát triển du lịch biển, đảo và tạo ra không ít khó khăn đối với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có giải pháp để giải quyết triệt để.

Rác thải “bủa vây” môi trường biển - Anh 1

Rác thải trên bãi biển ở Vạn Ninh

Đến nhiều vùng ven biển, chúng tôi chứng kiến tình trạng rác “bủa vây” mặt biển. Tại các khu vực dân phố ở phường Cam Linh, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) rác thải vứt tràn lan ở khu vực nuôi trồng thủy sản và khu vực neo đậu tàu thuyền. Nhiều nơi rác đã phân hủy và bốc mùi hôi nồng nặc. Rời TP Cam Ranh đến các khu dân cư ven biển, gần cảng Cửa Bé (thuộc phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang) tình trạng rác thải gây ô nhiễm cũng không kém. Người dân xả rác ra bãi cát tràn lan, phủ khắp mặt biển. Những túi rác xanh, đỏ các loại vây kín ghe tàu neo đậu ở mép biển, rác tạo thành lớp dày trên bờ cát. Không chỉ ở Cam Ranh, Nha Trang mà dọc các bãi biển Vạn Hưng, Vạn Thạnh huyện Vạn Ninh, đâu đâu cũng thấy đủ loại rác thải được sóng biển tấp vào bờ.

Chẳng khác các khu ven bờ là mấy, các khu vực đảo, hoạt động du lịch khá sôi động như Bình Ba, Trí Nguyên, Điệp Sơn… dưới nước, trên bờ rác thải vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều du khách. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Cam Linh thừa nhận: “Tình trạng rác thải sinh hoạt đã tồn tại từ lâu ở các tổ dân phố của địa phương. Địa phương thường xuyên phát động các đợt thu gom rác thải để xử lý. Tuy nhiên, một thời gian sau lại tái diễn. Chỉ số ít hộ dân thực hiện gom rác, số hộ còn lại né đóng phí thu gom rác thải, cứ “vô tư” vứt thẳng xuống biển. Việc vận động người dân gom rác theo quy định rất khó khăn, người dân vẫn chưa có ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường”. “Các anh thấy đấy, mùi hôi thối nồng nặc trên bãi biển là bắt nguồn từ rác thải nổi lềnh bềnh kín mặt nước và từ các nhà vệ sinh dạng cầu tõm của cư dân”, bà Thảo giải thích.

Rác thải “bủa vây” môi trường biển - Anh 2

Rác tại cụm đảo Điệp Sơn

Trong khi đó, bà Lê Thị Hương tại thị trấn TP Cam Ranh (Khánh Hòa) đại diện một nhóm dân cho rằng, “do dịch vụ chở rác ở địa phương còn chậm, nên rác sinh hoạt hay bị ứ, tấp đống. Người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được địa phương giải quyết. Nhiều hộ dân xả thẳng ra mặt biển cho nhanh. Cứ thế thành thói quen, rác ngập bãi biển là một thực tế”. “Một phần rác nhiều như vậy là do từ các bè nuôi hải sản ngoài khơi dạt vào, người nuôi hải sản ngoài biển biết vứt rác đi đâu, vứt xuống biển là nhanh nhất. Không chỉ rác, trên các vùng nuôi hải sản người dân còn làm nhà vệ sinh xả thẳng ra biển”, bà Hương khẳng định.

Đại diện lãnh đạo Viện Hải dương học Nha Trang cho biết: “Những hoạt động như xả rác thải của con người, xả thải của nhà máy, khu công nghiệp, du lịch… góp tới 85% cho việc ô nhiễm môi trường biển, suy thoái hệ sinh thái”.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa khẳng định: “Rác thải ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đặc biệt là môi trường du lịch biển đảo tại địa phương. Để giảm bớt lượng rác thải, vừa qua Sở Du lịch đã phát động phong trào gom rác trên các bãi biển nhằm giảm ảnh hưởng xấu của rác đối với ngành du lịch”.

Để hạn chế rác, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các ngành triển khai chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường. Trong đó, bảo vệ môi trường ven biển, hải đảo và quản lý tài nguyên biển đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Song song với việc thực hiện đề án quản lý tổng hợp vùng bờ thành phố Nha Trang, áp dụng các biện pháp tích cực phòng chống nguy cơ ô nhiễm biển từ các hoạt động ở đất liền. Tuy nhiên, vấn đề rác thải tại các bãi biển là vấn đề nhức nhối, chưa được xử lý một cách triệt để, đang gây ra các hệ lụy kéo dài.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc