Quyết tâm hình thành bằng được thói quen tham gia giao thông văn minh, hiện đại của nhân dân
VHO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21.4.2025 về tăng cường triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 27.6.2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025 với nhiều nội dung mới.
Qua 3 tháng triển khai thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đạt được kết quả tích cực, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đã được kiềm chế; ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là ở các thành phố lớn đã được nâng cao, bước đầu hình thành văn hóa tham gia giao thông văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu áp dụng, triển khai Luật, bên cạnh sự đồng tình của nhân dân với việc siết chặt kỷ cương, pháp luật về an toàn giao thông, vẫn còn một số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị thông tin sai sự thật về các quy định của Luật, tạo dư luận trái chiều về các quy định trong Luật như: Quy định về thời gian lái xe liên tục, cấp đổi giấy phép lái xe; tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với một số hành vi được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông...; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Với mục tiêu, yêu cầu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành văn hóa giao thông văn minh, hiện đại trong nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ nội dung, nhiệm vụ tại Chỉ thị ban hành kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương; phân công rõ trách nhiệm của sở, ngành chức năng.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương mình nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện mạnh mẽ, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nói chung và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành nói riêng, chú trọng tuyên truyền trên các trang thông tin báo chí, mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư, tổ dân phố...;
Nội dung tuyên truyền phải có chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến tâm lý, ý thức, thói quen của người tham gia giao thông, quyết tâm hình thành bằng được thói quen tham gia giao thông văn minh, hiện đại của nhân dân.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; rà soát, hoàn thiện hạ tầng giao thông theo thẩm quyền, trong đó tập trung: Rà soát, khắc phục, tổ chức các hệ thống báo hiệu đường bộ hợp lý (bổ sung biển báo hướng dẫn;
Kẻ vạch phân chia làn đường, phần đường..., sửa chữa, khắc phục hệ thống đèn tín hiệu giao thông); tổ chức phân luồng giao thông tổng thể thành phố, đô thị lớn, không để tình trạng “giải quyết điểm này, phát sinh điểm khác”; xử lý trật tự đô thị, lấn chiếm lòng, lề đường, trông giữ xe trái phép gây cản trở, ùn tắc giao thông;
Triển khai nhiệm vụ quy định thời gian, phạm vi hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ và hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ tại địa phương.
Cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh, triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến giao thông huyết mạch và vị trí cửa ngõ ra vào các địa phương, kết nối với Trung tâm chỉ huy giao thông của Bộ Công an để phục vụ có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.