Quảng Ngãi: Truyền dạy đánh chiêng Ba và dân vũ truyền thống đồng bào Hrê

VHO - Chiều 28.10, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) tổ chức tổng kết lớp truyền dạy đánh chiêng Ba và dân vũ truyền thống đồng bào Hrê ở xóm Đèo, thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng.

Quảng Ngãi: Truyền dạy đánh chiêng Ba và dân vũ truyền thống đồng bào Hrê - Anh 1

Tiết mục múa dân vũ truyền thống đồng bào Hrê

Lớp truyền dạy được tổ chức dạy từ ngày 14 - 23.10, thu hút 25 người dân địa phương tham gia đăng ký học, gồm 14 nữ và 11 nam. Báo cáo viên của lớp học là nghệ nhân ưu tú đánh chiêng Ba Phạm Văn Sây, nghệ sỹ múa dân tộc Y Minh Trang.

Sau 10 ngày truyền dạy và học các bài chiêng Ba và bài dân vũ truyền thống, dưới sự hướng dẫn tận tình của nghệ nhân, học viên đã nắm bắt được các động tác cơ bản, các bài Chiêng, bài dân vũ truyền thống của người đồng bào Hrê.

Bao gồm 3 bài chiêng và 2 bài múa: Hoàn thành cơ bản tổ hợp động tác múa dân gian dân tộc Hrê - Múa Chiêng gọi hội làng Hrê; các giai điệu Túc Chinh Hrê, tấu Túc Chiêng Ba, vui hội Làng Hrê; hoàn thành nội dung cơ bản tổ hợp động tác múa dân gian dân tộc Hrê kết hợp đạo cụ múa Cánh đồng sau cơn mưa.       

Quảng Ngãi: Truyền dạy đánh chiêng Ba và dân vũ truyền thống đồng bào Hrê - Anh 2

Trình diễn đánh chiêng Ba

Bà Vũ Thị Kim Loan, Trưởng Phòng VHTT huyện Nghĩa Hành cho biết, lớp truyền dạy đánh chiêng Ba và dân vũ truyền thống đồng bào Hrê góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê trên địa bàn huyện Nghĩa Hành nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung, xây dựng môi trường sống văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao huyện Nghĩa Hành trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
“Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê, Phòng VHTT huyện ngoài việc tổ chức lớp truyền dạy cho bà con nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ là người dân tộc thiểu số để có cơ hội được trao đổi, học hỏi trong thể hiện tiếng nói, giọng hát cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, còn mua cấp cho địa phương bộ đạo cụ: 1 bộ chiêng Ba gồm 3 chiếc và trang phục, 18 bộ gồm: 12 bộ nữ và 6 bộ nam để tập luyện và biểu diễn”, bà Loan cho biết thêm.

Quảng Ngãi: Truyền dạy đánh chiêng Ba và dân vũ truyền thống đồng bào Hrê - Anh 3

 Trao Giấy chứng nhận cho các học viên lớp học

Đây là một hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng, nâng cao ý thức, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong thanh thiếu nhi. Đồng thời là nguồn tài nguyên quý giá để khai thác phục vụ du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc