Nông dân châu Âu vật lộn giữa mùa xuân khô hạn nhất thế kỷ

N.THANH

VHO - Thời tiết cực đoan đang khiến Liên minh châu Âu (EU) thiệt hại khoảng 28,3 tỷ euro mỗi năm vì mất mùa và thiệt hại vật nuôi, trong đó hơn một nửa bắt nguồn từ hạn hán, theo The Guardian.

Nông dân châu Âu vật lộn giữa mùa xuân khô hạn nhất thế kỷ - ảnh 1
Nông dân khắp Tây Bắc Âu đang chờ đợi những cơn mưa mới. Ảnh: AP

Nông dân châu Âu điêu đứng vì hạn hán

Tại trang trại của Hendrik Jan ten Cate ở Hà Lan, hạn hán nghiêm trọng năm 2018 đã khiến sản lượng hành tây giảm chỉ còn 10% so với bình thường. Khi đó, ông phải nhiều ngày liền hút nước từ kênh đào để tưới cây, đến mức một lần kiệt sức ngã xuống kênh và gãy tay.

Năm nay, hạn hán lại quay trở lại khi cây trồng đã bén rễ nhưng thiếu nước nuôi dưỡng. “Đây là giai đoạn then chốt”, Ten Cate nói. “Từ tháng 4 đến giờ, cây đã được gieo trồng và bắt đầu phát triển. Giờ chúng tôi cần nước mỗi tuần”.

Ten Cate canh tác khoai tây, hành, ngũ cốc, cà rốt và củ cải đường trên diện tích 100 ha. Giống như ông, hàng ngàn nông dân trên khắp Tây Bắc Âu đang hồi hộp chờ mưa trong bối cảnh mùa xuân khô hạn nhất trong một thế kỷ qua.

Kể cả ở những nơi vốn nổi tiếng mưa nhiều như Anh, Bỉ, Hà Lan và Đức. Một đợt mưa nhẹ được dự báo vào cuối tuần, song không đủ để giải cơn khát kéo dài.

Tại Đức, ông Sven Borchert – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nnông dân vùng Saxony-Anhalt – người điều hành một trang trại rộng 1.700 ha, cho biết: “Chúng tôi là những người kiên cường… nhưng hạn hán luôn là một thách thức lớn”.

Trang trại của ông Borchert được hưởng lợi từ loại đất giữ nước tốt, song năm nay chỉ nhận được một nửa lượng mưa so với thông thường. Ông hy vọng sẽ vượt qua được tháng này mà không gặp vấn đề gì, nhưng lo rằng lượng mưa tháng 6 có thể đến quá muộn với nhiều trang trại khác.

“Có những câu hỏi, chẳng hạn như làm sao trả nợ ngân hàng khiến người ta trằn trọc cả đêm”, ông nói.

Tác động toàn diện và ứng phó trước rủi ro khí hậu

Theo phân tích của công ty bảo hiểm Howden, thời tiết khắc nghiệt gây thiệt hại cho Liên minh châu Âu khoảng 28,3 tỷ euro mỗi năm trong lĩnh vực cây trồng và chăn nuôi, tương đương khoảng 6% tổng sản lượng lương thực của khối.

Trong khi đó, một nghiên cứu do Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) thực hiện chỉ ra rằng hơn một nửa số tổn thất này bắt nguồn từ hạn hán, và chỉ khoảng 20–30% thiệt hại được bảo hiểm.

“Rủi ro khí hậu đang trở thành mối bất ổn ngày càng lớn đối với an ninh lương thực”, Phó Chủ tịch EIB Gelsomina Vigliotti nói. “Việc giảm thiểu rủi ro qua cơ chế bảo hiểm và các biện pháp phòng ngừa là điều thiết yếu để bảo vệ đầu tư của nông dân”.

Ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch được dự đoán sẽ khiến tình trạng khô hạn thêm trầm trọng ở nhiều nơi tại châu Âu, đặc biệt là vùng Địa Trung Hải.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), phần lớn châu Âu sẽ hứng chịu thiệt hại đáng kể về sản lượng nông nghiệp trong thế kỷ này, dù Bắc Âu có thể thấy một số lợi ích nhất định.

Ông Ten Cate cho biết nông dân trong vùng ngày càng đối mặt với các kiểu thời tiết cực đoan hơn: “Mưa lớn, dồn dập hơn; hạn hán kéo dài và khắc nghiệt hơn; nhiệt độ cũng cao hơn khiến cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Để thích ứng, nông dân đang thử nhiều giải pháp: cải thiện độ mùn của đất, chuyển sang giống cây chịu hạn, đầu tư hệ thống lưu trữ nước mưa, tưới nhỏ giọt và áp dụng kỹ thuật canh tác chính xác. Sau trận hạn hán năm 2018, nhiều người đã mua thiết bị cơ giới để hút nước từ kênh đào tưới cho đồng ruộng.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, họ vẫn chỉ còn biết trông chờ vào mưa. Theo Đài quan sát hạn hán châu Âu, đến cuối tháng 4, gần một phần ba lục địa đang trong tình trạng cảnh báo hạn mức cam, và 0,7% ở mức báo động đỏ nghiêm trọng.

Tại bang Schleswig-Holstein (Đức), ông Peter Boysen, một nông dân canh tác hữu cơ, cho biết cỏ trên trang trại của ông gần như không mọc được. Ông chỉ còn đủ thức ăn cho đàn gia súc trong vài tuần nữa.

“Thật khó để định lượng thiệt hại kinh tế vào lúc này”, ông nói. “Nếu mưa đến kịp, có thể tổn thất 20–30%. Còn nếu không, hậu quả sẽ tồi tệ hơn rất nhiều”.