Niềm hy vọng mới của nữ sinh viên sau 5 ngày được ghép phổi
VHO - Sau 5 ngày được ghép phổi và rút ống nội khí quản, nữ bệnh nhân đã khóc vì hạnh phúc. Cuộc sống đang trở lại với cô và con đường trở lại đại học đã rất gần.
Ngày 15.2, Bệnh viện Phổi Trung ương có buổi họp thông tin về ca ghép phổi vào đúng ngày 30 Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, 2024. Đến dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, và các giáo sư, chuyên gia đầu ngành chuyên ngành Tim mạch, Hô hấp, ghép tạng… của Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Đức…
Các y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành thực thiện ca ghép phổi
TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, chỉ sau 5 ngày ghép phổi, nữ bệnh nhân 21 tuổi, quê tỉnh Bắc Kạn, đã được rút nội khí quản, tự thở và có thể đi lại 15 phút trong phòng.
Ngay sau được rút ống, bệnh nhân đã khóc vì hạnh phúc. Cuộc sống đang trở lại với cô và con đường trở lại đại học với chuyên ngành công nghệ thông tin đã rất gần. Khi bác sĩ cho biết, chị với mẹ của cô gái đang đợi ở ngoài kia, cô xúc động: “Em biết nên em càng cố gắng”.
Nhiều năm trước, nữ bệnh nhân phát hiện bệnh khi đang là sinh viên của một trường đại học và phải bỏ giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối. Người bệnh đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020.
Theo bác sĩ Ngọc, cô gái này mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ, là một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan toả và làm mất chức năng phổi. Nữ bệnh nhân phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
“Càng ngày tình trạng người bệnh rất nặng, phải thở ô xy 24/24 và khả năng tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi. Cô gái được đưa vào danh sách chờ ghép phổi từ thg 8.2023, vì 2 lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao”, Trưởng khoa Hô hấp thông tin.
Lá phổi được lấy từ người hiến tạng chết não
Chia sẻ tại buổi họp, bà Phạm Thị Tường, mẹ nữ bệnh nhân gửi lời cảm ơn với người hiến phổi và các y bác sĩ đã hồi sinh cuộc đời của con gái của mình.
Rơm rớm những giọt nước mắt hạnh phúc, bà Tường kể, trước khi con gái được ghép phổi, hằng ngày đi làm về, câu đầu tiên là gọi con gái và chồng, chỉ cần nghe được tiếng của 2 bố con là tôi rất mừng vì biết con còn sống.
“Tôi biết thời gian còn lại của con tôi chẳng còn được bao lâu. Nhưng điều kỳ diệu đã tới vào đúng dịp Tết Giáp Thìn này, con tôi đã được ghép phổi và hy vọng tới đây con sẽ có sức khỏe để viết tiếp ước mơ của mình”, bà mẹ xúc động nói.
Trước đó, vào lúc 13h ngày 8.2 (ngày 29 tháng Chạp), sau khi nhận được thông tin có người hiến phổi từ bệnh nhân chết não tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp Chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm.
Nữ bệnh nhân đã tự thở và đi lại được sau 5 ngày ghép
Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động hơn 80 nhân lực trực tiếp tham gia (và nhiều nhân lực khác sẵn sàng điều động, và làm việc trực tuyến), đồng thời có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội...
Sau khi hội chẩn với GS. Jasleen Giám đốc trung tâm ghép phổi UCSF (là Trung tâm y học uy tín lớn nhất miền Tây, Mỹ), GS. TS. Lê Ngọc Thành (Chủ tịch hội Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực Việt Nam), TS. Nguyễn Công Hựu (Giám đốc Bệnh viện E) đã quyết định khởi động ca ghép phổi này.
Ca phẫu thuật được tiến hành vào ngày 9.2 (đúng 30 Tết), kéo dài 12 giờ (từ 10 giờ tới 22 giờ) do TS.BS cao cấp. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cùng các thầy thuốc và chuyên gia Bệnh viện phối hợp với GS. TS. Lê Ngọc Thành và các thầy thuốc và chuyên gia từ Bệnh viện E thực hiện ca ghép cho nữ bệnh nhân.
Thông tin về ca ghép, TS Đinh Văn Lượng cho hay: Ca ghép đã thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF. Trên thế giới ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển do đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn nhưng tại Bệnh viện Phổi Trung ương ca ghép này lại được thực hiện thành công trên một người bệnh nghèo ở vùng núi cao Bắc Kạn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chúc mừng các ê kíp làm nên thành công của ca ghép
“Ca ghép thành công là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương cùng với các đồng nghiệp, chuyên gia đầu ngành. Bởi nữ bệnh nhân bị dính phổi, khó khăn trong việc bóc dính. Hơn nữa, là bệnh viện nội khoa nên khó khăn về việc thiếu trang thiết của chuyên ngành ngoại khoa, phải huy động từ các bệnh viện tuyến trung ương khác để đáp ứng ca ghép và đúng tiêu chuẩn quốc tế”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh.
Cũng tại buổi họp, chúc mừng và đánh giá cao các GS.TS, y bác sĩ cùng ê kíp và gia đình nữ bệnh nhân được ghép tạng thành công, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ niềm vui với nữ bệnh nhân và gia đình. “Việc ghép tạng thành công đã tạo cơ hội cho tương lai của em rộng mở hơn, mang lại hạnh phúc vô bờ bến của gia đình”, bà Đào Hồng Lan bày tỏ.
Trước đó, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp với nhiều Bệnh viện khác thực hiện thành công kỹ thuật ghép phổi, trong đó có ca bệnh ghép 2 lá phổi cho người đàn ông 56 tuổi ở Thanh Hoá được đánh giá là thành công toàn diện nhất tại Việt Nam với thời gian sống lâu nhất.
QUỲNH HOA