Những rạn san hô của Australia đang kêu cứu thầm lặng

HỒNG NHUNG

VHO - Hiện tượng tẩy trắng này đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các rạn san hô.

Những rạn san hô của Australia đang kêu cứu thầm lặng - ảnh 1
Sau khi san hô bị tẩy trắng và chết, tảo xanh sẽ di chuyển vào. Ảnh: CNN

Trên bờ biển Tây Australia, hai du khách người Mỹ Emily Wapman và Evan Risucci đang lướt theo dòng nước nhẹ nhàng ngoài khơi Vịnh Turquoise, một trong những bãi biển xa xôi và đẹp nhất của đất nước.

Hoạt động này được gọi là lặn bằng ống thở trôi dạt, và dòng nước đưa họ qua Ningaloo, một trong những rạn san hô gần bờ dài nhất thế giới.

Nơi đây để lộ ra những rạn san hô trắng như cát dưới đáy biển, bị mất màu do áp lực của đợt nắng nóng kéo dài và nghiêm trọng trên biển.

"Chúng tôi đã nghe thấy rất nhiều rạn san hô bị tẩy trắng ở trường học, nhưng thật sự rất kinh ngạc khi chứng kiến quy mô ở đây", Wapman, người vừa tốt nghiệp ngành khoa học sinh học và sẽ sớm bắt đầu học thạc sĩ tại UC Santa Barbara, cho biết.

Cặp đôi người California này đã gặp nhau vào tháng 12 năm ngoái trên một ứng dụng hẹn hò và hiện đang đi du lịch khắp Úc trên chiếc xe bốn bánh cũ.

Risucci, một nhà làm phim, thừa nhận rằng anh biết rất ít về san hô nhưng đã học được rất nhiều điều từ người bạn đồng hành.

“Tôi nghĩ rằng san hô đang bị tẩy trắng. Khách du lịch chứng kiến tận mắt sẽ thấy được những gì thực sự đang diễn ra.  Những rạn san hô đang dần chết đi", Risucci nói.

"Không chết, chỉ bị bệnh"

Tuy nhiên, nhà sinh thái học phân tử Kate Quigley cho rằng những rạn san hô này không phải tất cả đều chết nhưng vẫn cảnh báo nguy cơ nếu không hành động kịp thời.

Rạn san hô Ningaloo, dài 300km, nổi tiếng là rạn san hô gần bờ đẹp nhất thế giới nằm tại Vườn Quốc gia Hải dương Ningaloo - Di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận vào năm 2011.

Theo bà Kate Quigley, rạn san hô Ningaloo đang bị bệnh, giống như nhiều rạn san hô trên khắp thế giới.

Các đại dương hiện đang lưu trữ 90% lượng nhiệt dư thừa từ sự nóng lên toàn cầu. Và trong tám năm qua, đại dương đã lập kỷ lục mới về lượng nhiệt được lưu trữ.

Tính đến tháng này, tình trạng tẩy trắng toàn cầu hàng loạt đã lan rộng đến ít nhất 82 quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng đến gần 84% các rạn san hô trên thế giới.

Rạn san hô Ningaloo đã gần như tránh được sự kiện tẩy trắng hàng loạt khi một đợt nắng nóng trên biển đẩy nhiệt độ cao hơn mức trung bình vào năm nay, Vào tháng 3, Tây Australia ghi nhận là đợt nóng nhất.

Đến tháng 4, những chú cá đủ màu sắc rực rỡ lao vút quanh một mảng san hô đang chết dần.

Rạn san hô này đã từng bị tẩy trắng trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên, những khối đá Porites khổng lồ đã bắt đầu đẩy tảo khỏe mạnh ra ngoài, và mở ra cánh cửa cho tảo xanh tơ từ từ lan rộng trên những khung hình ma quái. Đó là dấu hiệu cái chết của rạn san hô.

Quigley, một nhà khoa học nghiên cứu chính của Minderoo Foundation, một tổ chức từ thiện do tỷ phú khai thác quặng sắt người Australia Andrew Forrest thành lập, người đã bơi ở vùng nước này khi còn nhỏ, cho biết: "Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi hiện tượng tẩy trắng xuất hiện ở đây".

Trong Phòng thí nghiệm nghiên cứu Minderoo Exmouth, bà Quigley đã tiến hành các thí nghiệm về lai tạo chọn lọc để tạo ra nhiều san hô con chịu nhiệt tốt hơn trong các bể có thể kiểm soát nhiệt độ mong muốn.

"Khả năng điều chỉnh nhiệt độ và các thông số môi trường trong các phòng thí nghiệm của chúng tôi  sẽ mô phỏng những gì biến đổi khí hậu đang gây ra cho rạn san hô và những gì biến đổi khí hậu có thể gây ra trong tương lai", người quản lý phòng thí nghiệm Zac Saber cho biết.

San hô được lấy từ vùng nước ấm hơn và nhân giống với cùng loài từ vùng nước lạnh hơn để lai tạo ra thế hệ con có khả năng chịu nhiệt tốt nhất.

“Khi xảy ra hiện tượng tẩy trắng hàng loạt ở cả hai hệ thống rạn san hô, thì đây chính xác là điều chúng ta đã được cảnh báo trước đó. Và đến hiện tại đã trở thành sự thật”, nhà nghiên cứu Forrest nói với CNN tại Diễn đàn Ấn Độ Dương ở Perth, do Quỹ Minderoo và Pháp đồng tổ chức.

Sinh sản trên rạn san hô đang chết

Vào mỗi tháng 3 và tháng 4, du khách đổ về thị trấn nhỏ Exmouth, cửa ngõ vào Rạn san hô Ningaloo, để bơi cùng cá mập voi.

Du khách đến vào thời điểm này trong năm cũng có thể nhìn thấy cá voi lưng gù, cá đuối manta và rùa xanh bơi trên các rạn san hô đầy ắp sinh vật biển.

Là một bên ký kết Thỏa thuận chung Paris, Australia là một trong những quốc gia đồng ý cố gắng kiềm chế nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng xuống dưới 1,5 độ C.

Nhiệt độ đã vượt quá mức đó vào năm 2024, nhưng Liên hợp quốc cho biết mục tiêu dài hạn vẫn có thể đạt được, nếu có hành động khẩn cấp để cắt giảm lượng khí thải carbon.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng các dự án phục hồi rạn san hô không thể thay thế cho hành động trách nhiệm vì khí hậu. Quá trình phục hồi cũng sẽ rất tốn kém nếu sử dụng các kỹ thuật hiện tại.

“Có áp lực ngày càng tăng buộc chúng ta phải đưa ra một số chiến lược can thiệp ngay. Và thời gian đang ngày càng ngắn lại”, các nhà khoa học nói.

Bên ngoài phòng thí nghiệm, những rạn san hô chỉ tái sinh trong các sự kiện sinh sản hàng loạt trong nhiều đêm một hoặc hai lần một năm, khi nước chứa đầy hỗn hợp của trứng và tinh trùng.

Các nhà khoa học đã rất lo lắng rằng rạn san hô Ningaloo bị hư hại do nhiệt sẽ không thể sinh sản trong năm nay. Tuy nhiên, quá trình sinh sản đã thực hiện.

“Tôi hoàn toàn nhẹ nhõm và vui mừng vì điều đó.  Đúng là các rạn san hô đang chịu áp lực. Rất nhiều san hô bị bệnh, nhưng vẫn có khả năng tái sinh”, nhà sinh thái học phân tử Quigley nói.

Theo bà Quigley, sinh sản là quá trình của sự tái sinh. Đúng là hệ sinh thái đang bị đe dọa, nhưng chúng ta hoàn toàn chưa mất hết và cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ những rạn san hô nói riêng và môi trường nói chung.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc