Những người thầm lặng giữ rừng Giáng hương
VHO - Được mệnh danh là “vua của các loại gỗ”, Giáng hương là quần thể gỗ quý hiếm, thuộc nhóm I, có giá trị nên ngày đêm bị lâm tặc nhòm ngó để triệt hạ trái phép loài cây này. Tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang, Gia Lai) - nơi có hơn 2.000 cây Giáng hương đang sừng sững khoác lên mình những trầm mặc của thời gian đã và đang được lực lượng Kiểm lâm và người dân nơi đây nỗ lực bảo vệ nghiêm ngặt.

Những trái tim nhiệt huyết giữ rừng
Ghé thăm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh vào một ngày giữa tháng 2, chúng tôi được một cán bộ gác rừng chỉ dẫn đường vào chốt giữ rừng Giáng hương.
Trên chiếc xe máy “cà tàng”, anh Nguyễn Văn Cương (39 tuổi, quê ở Nghệ An) - một kiểm lâm có thâm niên hơn 15 năm công tác tại trạm, điều khiển chiếc xe băng qua con đường dốc với toàn những đá, rễ cây và dây leo nom rất nguy hiểm.
Sau hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đã có mặt tại trạm bảo vệ rừng số 4, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
Chốt giữ rừng được dựng bằng những tấm tôn đã cũ, cây rừng và phủ bạt xung quanh để tránh mưa gió, nằm giữa núi rừng hoang vu, chỉ nghe thấy tiếng côn trùng kêu rả rích, thỉnh thoảng lại có tiếng các loài chim, các loài thú vang vọng nghe hoang hoải, buồn hiu.
Ấy vậy mà các cán bộ giữ rừng vẫn luôn vui vẻ, kể rằng, trước đây khi chưa có đèn chạy bằng năng lượng mặt trời, mọi người vẫn dùng đèn cầy nên ánh sáng không đủ, khi màn đêm buông xuống, chốt giữ tối mịt.
Chập tối, cặm cụi nhóm bếp lửa từ những cành củi khô nhặt trong rừng để nấu cơm, anh Cương kể: Chúng tôi giữ rừng không ở cố định bất kỳ chốt nào cả, hàng đêm sẽ bí mật di chuyển từ chốt này sang chốt khác để kiểm tra các cây Giáng hương.

Sở dĩ phải làm như vậy để đảm bảo cho việc canh giữ các cây Giáng hương luôn được chủ động và tránh việc lâm tặc canh me, đốn trộm.
Mỗi đêm, các anh em sẽ đi tuần qua nhiều chốt khác nhau. Hàng ngày sẽ thay phiên nhau quay lại các chốt để kiểm tra các gốc giáng hương thật kỹ từ gốc lên tới cành nhằm đảm bảo các cây giáng hương vẫn được bảo toàn nguyên vẹn.
Công việc gắn bó với rừng núi nên quanh năm anh Cương cũng như các cán bộ giữ rừng khác đều quen thuộc với những bữa ăn chỉ có cá khô, rau rừng hay cá suối. Thỉnh thoảng vội lại ăn tạm mỳ tôm cho nhanh.
Công việc đi đôi với cuộc sống trong rừng nhiều thiếu thốn và khó khăn, nhưng anh em trong trạm vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan, yêu đời. Mâm cơm giữa rừng chỉ có những món ăn đạm bạc mỗi tối của các anh vẫn đầy ắp tiếng nói cười vui vẻ.
Thế nhưng, khi được chúng tôi hỏi thăm về gia đình, khuôn mặt anh Cương lộ rõ vẻ đượm buồn. Giữa màn đêm yên ắng của núi rừng, chỉ có tiếng côn trùng vẳng vẳng bên tai, ánh mắt anh Cương rưng rưng nhìn về phía khoảng không vô định xa xăm, nghẹn ngào cho biết:
"Tôi ở trên rừng miết, ít có thời gian về nhà nên lập gia đình được không lâu thì vợ chồng ly hôn, chúng tôi có một cô con gái nhỏ nhưng tính chất công việc khó có thể ở bên chăm sóc được, đành gửi cho ông bà nội chăm bẵm dùm. Giờ đây, tôi chỉ biết cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt, tiết kiệm tiền để gửi về cho ông bà lo cho con gái ăn học.
“Hiện lương của tôi chỉ được hơn 7 triệu đồng mỗi tháng. Tôi dành dụm gửi về cho gia đình và chi trả cho các khoản phí sinh hoạt nên cũng chẳng còn dư đồng nào. Mong rằng thời gian tới cơ chế chính sách sẽ tốt hơn để anh em có thể cải thiện cuộc sống, có thêm động lực để công tác và hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nữa”.

Nhà ở cách xa chốt làm nhiệm vụ hơn 80 km, anh Nguyễn Minh Chinh - Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 4 cũng vừa công tác vừa đau đáu trong mình những nỗi buồn mang tên khoảng cách địa lý.
Anh Chinh cho biết: “Do làm việc ở xa nhà quá nên mỗi tháng tôi chỉ về nhà được vài ngày, những khi mưa gió kéo dài đường đi lại khó khăn nên tôi ở lại làm việc luôn, vì thế mọi việc trong nhà đều nhờ vợ tôi quán xuyến.
Xa nhà, nhiều khi nhớ vợ con gọi điện về thì sóng điện thoại ở đây cũng chập chờn nên lúc kết nối được, lúc thì không.
Công việc này đòi hỏi những ai phải có đam mê và yêu rừng, yêu nghề, kiên nhẫn thì mới làm được.
Thời gian qua có rất nhiều bạn trẻ tới đây làm việc nhưng cũng rời đi sau vài tháng do không chịu nổi áp lực, khó khăn. Vì vậy, hiện tại trạm chỉ còn 9 người biên chế và 2 nhân viên hợp đồng”.
Quyết tâm giữ rừng
Sáng hôm sau, khi ánh nắng vẫn đang cố gắng len lỏi qua những tầng lá rừng báo hiệu một ngày mới, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Minh Chinh tới thăm những cây gỗ Giáng hương.
Dưới bóng đại ngàn, chúng tôi lọt thỏm giữa cánh rừng với những cây Giáng hương cây nào cây nấy phải tầm 6-7 người mới ôm trọn được. Thế nhưng anh Chinh bảo rằng vẫn còn nhiều cây khác to hơn nữa.
Anh Chinh cho biết: “Vào lúc lâm tặc manh động, những người bảo vệ rừng càng phải thường xuyên tăng cường tuần tra các khu vực rừng.
Từ 5- 6 giờ sáng, mỗi tổ tuần tra đã phải khởi hành, trên lưng mang theo thực phẩm, nước uống đủ dùng cho những ngày tuần tra.
Những người giữ rừng phải vượt quãng đường rừng dài dốc đá, cheo leo, hiểm trở mới có thể tiếp cận được các địa điểm xung yếu, sau đó phân công nhau tỏa đi các hướng tuần tra, kiểm soát.

Đồng hành cùng với lực lượng Kiểm lâm, cánh rừng còn nguyên vẹn đến giờ có công rất lớn của cộng đồng làng Tung Gút được giao khoán bảo vệ cùng.
Để giữ rừng hiệu quả, có 5 tổ được giao khoán trong làng. Người lạ, lâm tặc chỉ cần bước chân vào “cửa rừng” sẽ bị người làng phát hiện, báo ngay cho trạm.
Tuy vậy, công tác giữ rừng vẫn còn nhiều khó khăn vì gần khu sản xuất, có nhiều hộ dân canh tác nương rẫy.
“Để khắc phục điều này, chúng tôi đã phải tới từng nhà, nương rẫy để tuyên truyền bà con không được khai thác, phá rừng.
Công việc nhiều vất vả, gian nan, lại nhiều nguy hiểm nhưng mọi người thường xuyên động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Chinh chia sẻ.
Ông A Ly (54 tuổi, trú làng Tung Gút) - một người dân sau khi được vận động tuyên truyền đã đứng ra nhận công việc giữ rừng. Ngoài tiền công được giao khoán giữ rừng, trong những buổi đi rừng, ông Ly cũng có thể nhặt nhạnh ít nấm, lan, mật ong để bán kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
“Tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng qua các đợt tuyên truyền từ các cán bộ. Làm công việc này vừa có tiền, lại giữ được rừng cho con cháu.
Ngày xưa ở làng có người từng nghe lời kẻ xấu rồi rồi đi phá rừng, nhưng được cảm hóa họ lại quay về bảo vệ rừng nên đi rừng rất giỏi.
Bảo vệ chứ không sau này con cháu mình chỉ nghe cây Giáng hương thôi, không biết hình hài nó ra sao”, ông Ly vui vẻ chia sẻ.
Có thể thấy, dù cuộc sống giữa chốn rừng sâu nước độc, thiếu thốn trăm bề, nhưng với quyết tâm của mình, những cán bộ kiểm lâm và cộng đồng dân cư nơi đây vẫn âm thầm gìn giữ để những cánh rừng Giáng hương mãi xanh tươi, vươn mình giữa đại ngàn.