Những “cột mốc sống” bảo vệ biên giới

VHO- Thời gian qua, quân và dân vùng biên giới Keng Đu (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới (ANBG) quốc gia có hiệu quả. Trong đó, già làng, trưởng bản, người có uy tín đóng vai trò nòng cốt, là “cánh tay nối dài” của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng chính quyền địa phương trong vận động quần chúng tham gia bảo vệ biên giới.

 “Cánh tay nối dài” của Bộ đội Biên phòng
Những ngày cuối năm, xuất phát từ bản Khe Linh len dưới cánh rừng sâu có mưa lạnh, chúng tôi có dịp chứng kiến buổi tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc định kỳ của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Keng Đu, BĐBP Nghệ An cùng cán bộ, nhân dân xã Keng Đu. Sau hơn ba tiếng đi bộ đến vị trí cọc dấu số 398/3 (1) biên giới Việt Nam – Lào, đội hình tuần tra phân công nhau kiểm tra tình trạng cọc dấu, phát quang cây cỏ, bụi rậm, vệ sinh vị trí cọc dấu, chào cọc dấu... 
Thiếu tá Võ Công Bắc, Tổ trưởng tổ công tác Khe Linh, đồn Biên phòng Keng Đu cho biết: Để làm tốt nhiệm vụ, ngoài nỗ lực của các chiến sĩ biên phòng, chúng tôi còn được sự góp sức vô cùng quan trọng từ người dân sinh sống tại mảnh đất này. Đã nhiều năm qua, đội có sự đồng hành của ông Xeo Phò Um (người có uy tín bản Khe Linh, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn) và bà con nơi đây. Thường xuyên đi tuần biên cùng bộ đội nên ông Xeo Phò Um cùng các thành viên đội tự quản đường biên, cột mốc thuộc từng mô đất, lùm cây, bụi cỏ. Thông qua lao động sản xuất trên nương, rẫy, trong sinh hoạt nếu bất kỳ có sự thay đổi nào liên quan đến đường biên, mốc giới cũng đều được bà con kịp thời phát hiện, thông báo cho đơn vị, chính quyền địa phương để xử lý. Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng mỗi dịp phối hợp tuần tra định kỳ hằng tháng, bà con đều tham gia đầy đủ, nghiêm túc, trở thành những "cột mốc sống” kết hợp cùng BĐBP đấu tranh với các loại tội phạm ở khu vực biên giới, góp phần củng cố nền biên phòng toàn dân". 

Những “cột mốc sống” bảo vệ biên giới - Anh 1

Xeo Phò Um (áo trắng, người có uy tín bản Khe Linh, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn), các thành viên tổ tự quản và cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Keng Đu trên đường tuần tra biên giới. Ảnh: Lê Thạch

Keng Đu là một xã vùng sâu, vùng xa cách trung tâm của huyện Kỳ Sơn 74 km, diện tích tự nhiên toàn xã là 7.991,82 ha; xã có 10 bản, dân số: 998 hộ/4.821 khẩu, có 2 dân tộc chủ yếu là Khơ Mú và Thái sinh sống; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn; đường biên giới dài 29,489 km, có 2 cột mốc, 5 cặp cọc dấu tiếp giáp nước bạn Lào. Nhận thức sâu sắc của việc thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 09.01.2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể của xã Keng Đu đã phối hợp với đồn Biên phòng tích cực triển khai đến mọi người dân. Trong đó, đội ngũ người có uy tín của xã có 10 người, là những “hạt nhân” có vai trò hết sức quan trọng. Xã đã thành lập được 10 tổ đăng ký “Tự quản an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới”; 8 tổ và 22 hộ gia đình đăng ký “Tự quản đường biên, mốc quốc giới”...
Ông Xeo Phò Um chia sẻ: “Là người có uy tín trong bản, tôi thấy mình có trách nhiệm vận động bà con tham gia cùng chính quyền lên biên giới, phối hợp với BĐBP để tuần tra, bảo vệ cột mốc. Bởi bao năm nay, người dân ở đây đã gắn bó với BĐBP, được các chiến sĩ giúp đỡ rất nhiều để nâng cao đời sống nên khi BĐBP cần thì chúng tôi sẽ góp sức. Mỗi người dân, nhất là lớp thanh niên cần phải yêu và hiểu rõ trách nhiệm với chủ quyền biên giới đất nước”.
Giữ vững an ninh biên giới
Duy trì hoạt động hiệu quả của tổ tự quản đường biên, cột mốc; lực lượng dân quân bản mỗi tháng hai lần phối hợp với đồn Biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới, cọc dấu, cột mốc. Cung cấp cho đồn nhiều thông tin góp phần đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, xử lý vi phạm quy chế biên giới, vượt biên trái phép và các vụ việc về an ninh trật tự (ANTT) nảy sinh trên địa bàn bản và toàn xã. Qua đó, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Năm nay, địa phương và đồn Biên phòng tổ chức tuyên truyền được 18 buổi/1318 lượt cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân với những nội dung, hình thức thiết thực, phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. 

Những “cột mốc sống” bảo vệ biên giới - Anh 2

Xeo Phò Um (áo trắng, người có uy tín bản Khe Linh, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn), các thành viên tổ tự quản và cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Keng Đu chào cọc dấu số 398/3 (1) biên giới Việt – Lào. Ảnh: Lê Thạch

Các tổ tự quản về ANTT ở các bản đã thường xuyên phối hợp với đồn Biên phòng, công an, quân sự xã tổ chức các hoạt động tuần tra canh gác, đảm bảo ANTT trên địa bàn, nhất là các dịp lễ, tết. Đã kiểm soát được 2.594 lượt người/1.500 lượt phương tiện ra vào địa bàn. Thông qua đó, đã giúp lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, bắt giữ, khởi tố 2 vụ/3 đối tượng; tang vật thu giữ 46,5 kg pháo nổ; Vận động giao nộp được 18 khẩu súng tự chế; 1vụ/5 đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ; 8 vụ/8 đối tượng phạm tội tàng trữ mua, bán trái phép chất ma túy thu giữ 56 viên MTTH...không để hình thành các điểm nóng, phức tạp về ANTT trên địa bàn.
Ông Lương Văn Ngam, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn cho biết: Những năm qua, nhờ phát huy tốt vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng nên các xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS Keng Đu đã huy động được sức mạnh toàn dân, trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giữ gìn ANTT, xây dựng nông thôn mới. Chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng”. Cùng với việc giúp dân phát triển kinh tế, Đồn biên phòng đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng thành công 2 bản văn hóa Huồi Phuôn 1 và Huồi Phuôn 2. Hiện tại bản Kèo Cơn đang trong quá trình thẩm định và bản Hạt Tả Vén cũng đang đẩy mạnh xây dựng mô hình bản văn hóa. Có cuộc sống tốt hơn, dân bản càng tin theo Đảng và tích cực tham gia các phong trào của địa phương, trong đó có phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nhất là nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng với Đồn Biên phòng Keng Đu với các già làng, người có uy tín ở xã mà tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở xã biên giới luôn được bảo đảm vững chắc”.

                                                                                                                                                                      PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc