“Những ánh sao Khuê” - những hạt nhân xuất sắc góp phần làm nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc
VHO- “Những ánh sao Khuê” của tác giả Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) là tập hợp những tấm gương sáng, những hạt nhân xuất sắc góp phần làm nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc qua những giai đoạn lịch sử của Cách mạng Việt Nam.
Ngày 15.12 tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức gặp mặt giới thiệu cuốn sách “Những ánh sao Khuê” của tác giả Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam). Tham dự buổi giới thiệu cuốn sách có ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài; các vị nguyên lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam và đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Tác giả Nguyễn Túc chia sẻ về cảm xúc, tâm huyết của mình về cuốn sách
Tác giả Nguyễn Túc xuất thân từ một nhà giáo của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau mười ba năm giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1970, ông Nguyễn Túc được điều động về Tổng Công đoàn Việt Nam để nhận nhiệm vụ mới: làm công tác Dân vận – Mặt trận. Là người có thâm niên công tác Mặt trận lâu nhất hiện nay khi trải qua 10 đời Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, từ thời Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến nay, ông Nguyễn Túc có gần 16 năm đảm nhiệm trọng trách Ủy viên Thư ký, rồi Ủy viên Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, 30 năm tham gia là ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đến nay, ở tuổi 86, ông Nguyễn Túc vẫn gắn mình với công tác Mặt trận trong vai trò Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - xã hội.
Phát biểu tại lễ ra mắt sách, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài chia sẻ: “Những ánh sao Khuê” là một cuốn sách hay và có ý nghĩa nhất là với những cán bộ làm công tác Mặt trận. Qua những câu chuyện gần gũi, mộc mạc của mình, ông Nguyễn Túc đã trao gửi cho thế hệ cán bộ làm công tác Mặt trận ngày hôm nay những bài học về Bác Hồ và các vị cách mạng tiền bối về con đường giải phóng dân tộc, đi lên CNXH mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; về những tấm gương hy sinh trọn đời cống hiến cho đất nước, cho dân tộc; những kỹ năng làm công tác Mặt trận; bài học về lòng dân, về sự gắn bó mật thiết của người cán bộ làm công tác Mặt trận với nhân dân và hơn hết đó là tình yêu với công tác Mặt trận.
Cuốn sách được chia làm 5 phần, trong đó phần một khắc họa hình ảnh của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận qua các thời kỳ cách mạng với những bài viết như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất; Nguyên Tổng Bí thư Trần Phú với Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; Đồng chí Lê Duẩn với việc ra đời của các tổ chức Mặt trận miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược; Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Tổ quốc...
Phần hai tác giả đề cập đến hình ảnh lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng qua các tựa đề: Bác Tôn Đức Thắng – Vị Chủ tịch lâu năm nhất của MTTQ Việt Nam: Biểu trưng của đại đoàn kết; Đồng chí Hoàng Quốc Việt với công tác vận động quần chúng của Đảng; Những điều học được ở anh - Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo...
Phần ba tác giả viết về chân dung các vị đại biểu tham gia từ thời Mặt trận Dân chủ (1936-1939); phần bốn tác giả viết về các đại biểu tham gia Mặt trận Việt Minh, Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc (Khi đất nước còn bị chia cắt) và Phần năm là chân dung các đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Liên Minh.
Có thể khẳng định, nếu tiếp cận cuốn sách này từ góc nhìn lịch sử thì cuốn sách mang giá trị của một tập tiểu truyện về các nhân vật (số đông là những người đã khuất) có liên quan trực tiếp đến lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. Nó có giá trị như sự bổ sung rất quý giá vào việc nhận thức về vai trò lịch sử và công tác Mặt trận.
Q.HOA