Nhớ nụ cười của ông Ái "rùa"
VHO-Dù cuộc sống, công việc có bộn bề, áp lực đến bao nhiêu, thì nụ cười trên môi vẫn nở, vẫn là điểm đặc biệt để mọi người nhận ra anh Lê Xuân Ái - người được mệnh danh là “vua rùa” Côn Đảo. Chính nụ cười ấy đã giúp anh vượt qua nhiều khó khăn để có thể tâm huyết, gắn chặt suốt 30 năm công tác tại vườn Quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Ông Lê Xuân Ái (áo đỏ, đeo kính) với hành trình chuyển vị rùa biển tại Cù Lao Chàm
Thạc sĩ Lê Xuân Ái, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo (quê ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Năm 1985, tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, ông đến Vườn quốc gia Côn Đảo và gắn bó ở đó gần 30 năm cho đến khi về hưu. Và ông cũng “bén duyên”, gắn bó với rùa biển từ đó, được mệnh danh là “vua rùa” Côn Đảo, là chuyên gia đầu ngành về rùa biển. Ông cũng là nhân vật trong bài báo “Hành trình chuyển vị rùa biển” đã xuất bản trên ấn phẩm báo Xuân Văn Hóa cách đây 2 năm.
Hiếm có người như ông Ái, từ khi ra trường đến khi về hưu chỉ gắn bó duy nhất với công việc ở vườn Quốc gia Côn Đảo dù đã có không ít lần được đề cử với những vị trí cao hơn.
“Mình sinh ra lớn lên ở miền biển. Khi ra trường được nhiều nơi mời về làm việc, nhưng mình chọn Côn Đảo để về. Nhiều lần được các bác lãnh đạo từng cựu tù Côn Đảo về thăm lại Côn Đảo, bảo rút mình về Trung ương công tác nhưng mình xin được ở lại. Mình là người nghiên cứu, nếu giữ chức vị không đúng chuyên môn sẽ gây hậu quả”, ông Ái từng tâm sự.
Ông Lê Xuân Ái (áo đen) người gắn bó với hành trình bảo tồn rùa biển
"Anh là người đầu tiên về làm Giám đốc vườn Quốc gia Côn Đảo, cùng vác xẻng, cuốc với anh em đi vun đắp lại những nấm mộ các anh hùng liệt sĩ tử tù Côn Đảo bị gió thổi bay cát tại nghĩa trang Hàng Dương. Anh Ái đóng góp công lao rất lớn với Côn Đảo. Từ khi về làm giám đốc, anh nhìn thấy hệ sinh thái rừng biển nơi đây phong phú, đa dạng từ núi đến biển, anh đề xuất thành lập vườn Quốc gia để bảo tồn. Và anh cũng là người đầu tiên tại Việt Nam bảo tồn rùa biển. Nhờ vậy mà hôm nay Côn Đảo mới giữ được nét nguyên vẹn như vậy”, anh Nguyễn Văn Vững, cán bộ vườn quốc gia Côn Đảo tâm sự.
Lúc sinh thời, ông Ái vẫn xót xa mỗi khi kể về những năm đầu thập niên 90, khi làm việc ở Côn Đảo, ông chứng kiến cảnh rùa biển bị xẻ thịt, vẩy chế biến đồ thủ công mỹ nghệ, trứng rùa bị khai thác ồ ạt nhưng ngư dân vẫn vô tư, không ý thức lắm. Vào một đêm tháng 3.1995, khi giật mình bởi những cơn sóng dữ đánh vào đảo Hòn Tre Lớn (Côn Đảo), đi dọc biển với chiếc đèn pin, chứng kiến trứng rùa xếp thành từng lớp trôi lềnh bềnh, chú rùa con bị sóng nước xô đẩy lật ngửa. Và cũng từ đó, với cương vị là Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, ông Ái bắt đầu câu chuyện học về bảo tồn rùa biển. Từ đề xuất của ông Ái, giữa năm 1995, huyện Côn Đảo ban hành lệnh cấm khai thác rùa. Ông Ái bắt tay vào nghiên cứu soạn thảo và áp dụng kế hoạch bảo tồn rùa biển.
Từ đề xuất của ông, năm 1996, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã tài trợ dự án nhỏ về bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo và đã hỗ trợ đoàn cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo, trong đó có ông Ái sang Philippines để học cách bảo tồn rùa, san hô.
Cũng từ khóa học đó, mọi người bắt đầu hiểu rằng, phải thuận theo tự nhiên, phải để rùa được vùng vẫy tự do, được sống ở môi trường biển cả thì mới có thể sinh sôi nảy nở. Rùa biển rất kỵ tiếng ồn và ánh sáng và sẽ không bao giờ tìm đến những nơi như vậy để đẻ trứng. Điều đó càng được chứng minh rõ ràng hơn, khi sau khóa học, quay về, lúc thả hàng nghìn con rùa biển cư ngụ ở Vườn quốc gia Côn Đảo ra khỏi bể nuôi, chỉ duy nhất có một con bò về hướng biển. Và từ đó, trong kế hoạch bảo tồn rùa biển, ông Ái luôn chú ý đến yếu tố ưu tiên dành những bãi cát xa khu dân cư, du khách không lui tới để rùa mẹ có thể lên bờ sinh sản.
Hơn 20 năm gắn bó với Côn Đảo, người dân ở đây thương mến và gọi ông là “vua rùa” Côn Đảo, góp phần không nhỏ biến Côn Đảo thành “vùng đất” sinh sôi của rùa biển và là địa chỉ để nhiều nơi tìm đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn rùa biển.
Nụ cười rạng rỡ của ông Ái là hình ảnh mà người dân Cù Lao Chàm, Côn Đảo vẫn luôn nhớ khi nhắc đến ông Ái "rùa"
Về hưu, ông vẫn không thôi “nghiện” biển đảo, đam mê nghiên cứu, ông Ái vác ba lô ra đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An) thuê nhà dân, suốt ngày lang thang hết núi lại lặn biển. Nhìn thấy những thảm cỏ, thực vật biển rất hiếm, những rạn san hô hiếm, phát hiện 7 loại cá Hải quỳ thuộc sách đỏ thế giới có mặt tại Cù Lao Chàm. Ông tìm đến Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm báo tin. Khi biết ông nguyên là Giám đốc vườn Quốc gia Côn Đảo, Ban quản lý mời ông về làm chuyên gia cố vấn Bảo tồn biển và từ đó đến nay, ông Ái lại tiếp tục góp sức vào dự án bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm.
Từ năm 2017-2020, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học “Bảo tồn và phục hồi quần thể rùa biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm”. Trong khuôn khổ đề tài có nội dung thí điểm chuyển vị trứng rùa biển từ Vườn Quốc gia Côn Đảo về cho ấp nở tại Cù Lao Chàm trong 3 năm (2017 – 2019) với số lượng trứng dự kiến là 900 trứng/năm. Từ năm 2017 đến năm 2019, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm thực hiện tổng cộng 6 đợt chuyển vị với gần 2000 trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm, số trứng này đã được ấp nở ra hơn 1.700 chú rùa ở Cù Lao Chàm và được thả về đại dương.
Có một cái tên mà trong bất cứ câu chuyện nào liên quan đến hành trình 3 năm chuyển vị của gần 2000 trứng rùa biển đều được người kể nhắc đến với rất nhiều trân quý- thạc sĩ Lê Xuân Ái, cố vấn kỹ thuật BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Với cư dân Cù Lao Chàm, ông Ái “rùa” là một ông người miền Nam, lúc nào cũng thấy sùm sụp chiếc mũ tai bèo, lúc nào cũng túi bụi, say sưa với chuyện bảo tồn rùa biển. Mà cũng từ đó, cư dân mới vỡ ra, mới hiểu thêm nhiều chuyện xoay quanh loài động vật quý hiếm này và cùng chia sẻ, đóng góp vào câu chuyện bảo tồn rùa biển.
Ông Ái (áo hồng) giới thiệu những chú rùa biển được ấp nở từ những quả trứng rùa chuyển vị từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm
“Anh Ái là người tận tâm với công việc, anh cũng là một chuyên gia rất giỏi và giàu kinh nghiệm về bảo tồn cả rừng lẫn biển. Từ khi mời được anh về Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, anh giúp rất nhiều trong việc bảo tồn, cũng như chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn với cán bộ chuyên môn. Đặc biệt chính anh là người đề xuất bảo tồn lại các bãi sinh đẻ của rùa, và dự án “chuyển vị” trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm ấp nở thành công. Nay anh ra đi là một mất mát lớn đối với anh em Khu bảo tồn biển cũng như Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm”, chị Trần Thị Hồng Thúy- Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, kiêm phó Ban thường trực Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm chia sẻ.
Ngày 2.6.2022, những người gắn bó với công tác bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) bàng hoàng, thương tiếc trước thông tin anh Lê Xuân Ái, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo vừa từ trần tại quê nhà (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam, hưởng thọ 63 tuổi). Với những người yêu mến, tâm huyết với công tác bảo tồn rùa biển Công Đảo, gắn bó với hành trình chuyển vị rùa biển từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm, thạc sĩ Lê Xuân Ái được biết đến với cái tên ông Ái “rùa” cùng đặc điểm nổi bật là lúc nào cũng thấy nụ cười ấm áp của ông.
M.HẢI-T.HOÀI