Nhiều nước châu Á cảnh giác với dịch Covid-19
VHO - Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng, nhiều quốc gia ở châu Á vẫn đang giữ cảnh giác và theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh.

Trong tháng 5, nhiều quốc gia châu Á như Singapore, Trung Quốc và Thái Lan… ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng đáng kể. Riêng tại Thái Lan, Trung tâm thông tin Covid-19 của Chính phủ nước này ghi nhận hơn 71.000 ca mắc và 19 ca tử vong từ ngày 1.1 - 14.5.
Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 đến khám và cấp cứu đã tăng 16% trong vòng 1 tháng qua. Singapore thống kê số ca mắc Covid-19 phải nhập viện tăng khoảng 30% từ ngày 27.4 - 3.5. Ở Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong.
Những số liệu thống kê trong tháng 5 cho thấy số ca mắc Covid-19 đã tăng mạnh ở một số quốc gia châu Á, trong đó 2 biến thể JN.1 và XEC đang đứng đầu làn sóng Covid-19 mới này. Cả 2 biến thể JN.1 và XEC đều đã từng gây ra các làn sóng Covid-19 trên thế giới vào giữa và cuối năm 2024.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước đó đã phân loại JN.1 là một biến chủng cần được quan tâm riêng biệt trong bệnh Covid-19, nhưng vẫn đánh giá mức độ lây lan sức khỏe cộng đồng toàn cầu là thấp.
Trước diễn biến dịch bệnh, các chuyên gia nhận định số ca Covid-19 tăng mạnh trở lại ở nhiều nước châu Á hiện tại là do khả năng suy giảm miễn dịch, tiếp xúc đông người dịp lễ và sự xuất hiện của các biến chủng phụ dễ lây lan. Một số ý kiến cũng dự báo khả năng miễn dịch trong cộng đồng đang suy yếu, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin tăng cường.
Ngoài ra, dịp lễ và kỳ nghỉ kéo dài cũng khiến nhu cầu đi lại, tụ tập và tổ chức sự kiện gia tăng mạnh. Những hoạt động đông người diễn ra liên tục đang tạo điều kiện lý tưởng để virus lây lan nhanh trong cộng đồng.
Và dù chưa xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn Omicron nhưng sự lan rộng của các dòng phụ như XEC, JN.1, LF.7 và NB.1.8 đang khiến số ca mắc mới tăng nhanh vào thời điểm hiện tại.
Sự bùng phát trở lại của Covid-19 vào mùa hè đang gây nhiều lo ngại, bởi đi ngược lại giả định trước đây rằng bệnh sẽ giống cúm mùa và giảm mạnh trong thời tiết ấm áp. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, thời điểm này người dân không nên quá lo lắng, nhưng cũng không quá chủ quan và cần có biện pháp phòng bệnh chủ động.
Ngày 23.5, trước tình hình các ca mắc tăng nhanh, Chính phủ Thái Lan đã cam kết sẽ duy trì ổn định nguồn cung khẩu trang, bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 và nước rửa tay sát khuẩn, đồng thời khuyến cáo các nhà cung cấp không đầu cơ giá và tích trữ hàng hóa trong bối cảnh lo ngại về dịch bệnh gia tăng.
Chính phủ Thái Lan cũng kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, giữ gìn vệ sinh tốt, ăn đồ ăn nấu chín và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa Covid-19.
Tại Indonesia, ngành y tế sẵn sàng có chuẩn bị tốt nhất để ứng phó với các đợt bùng phát Covid-19. Quốc gia này cũng đang thắt chặt kiểm soát tại các điểm nhập cảnh như sân bay và cảng biển.
Du khách nhập cảnh vào Indonesia được yêu cầu khai báo lịch sử du lịch và thông tin sức khỏe của bản thân. Để chủ động ứng phó với tình hình mới, ngành y tế Ấn Độ cũng chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn nâng cao mức độ sẵn sàng, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế thiết yếu như giường bệnh, oxy, thuốc men, vắc xin, máy thở…
Còn ở Việt Nam, Bộ Y tế đã chủ động tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình Covid-19, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Mới đây, Cục Quản lý khám chữa bệnh vừa có công văn gửi các đơn vị về việc tăng cường công tác khám, phát hiện, điều trị ca bệnh Covid-19.
Trong công văn này, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện chủ động chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng, khu vực cách ly, trang thiết bị và vật tư y tế, nhằm bảo đảm việc tiếp nhận, cách ly, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân cũng như tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Trước diễn biến dịch bệnh, WHO nhận định các loại vắc xin hiện tại vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca Covid-19 nặng và giảm nguy cơ tử vong. Trước xu hướng này, nhiều nước đã khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch và tiêm mũi vắc xin nhắc lại.