Nhà ở cho người lao động thu nhập thấp: (Bài 1) Giá thuê nhà chỉ bằng bát phở

VHO - Vụ cháy chung cư mini ở 70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) khiến 56 người tử vong, trong số đó có rất nhiều người là công nhân, người lao động, HSSV. Điều này cho thấy việc đảm bảo nhà ở chất lượng, an toàn cho lực lượng lao động và thế hệ tương lai của đất nước là rất cần thiết. Và cũng cần những chính sách kịp thời, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân cũng như người lao động thu nhập thấp.

Giá thuê nhà chỉ bằng bát phở

Mới đây, nếu không có dịp khảo sát khu nhà ở thuộc Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội thì thật khó có thể tin giá nhà cho công nhân, người lao động thuê lại có thể thấp đến mức như vậy.

Nhà ở cho người lao động thu nhập thấp: (Bài 1) Giá thuê nhà chỉ bằng bát phở - Anh 1

Chị Nguyễn Thu Hường (quê Thái Bình) vui vẻ chấp nhận cuộc sống tập thể như ký túc xá

Tại đơn nguyên nhà ở cho người độc thân, Vũ Thanh Hải (sinh năm 1993, quê Thái Nguyên) cho biết, chị làm việc ở Công ty Canon Việt Nam 11 năm thì có tới 10 năm thuê nhà ở đây. Căn phòng thuộc đơn nguyên dành cho người độc thân, chị Hải ở chung với 3 chị em độc thân khác, giá thuê nhà là 40.000 đồng/người/tháng, thêm tiền điện, nước, wifi thì tổng chi phí khoảng 50.000 đồng/tháng.

Căn phòng khoảng 25m- 30m2, gồm 2 giường 2 tầng, có khu phụ, bếp, ban công. Theo chị Hải, dù diện tích chật chội và có nhiều bất tiện nhưng chị vẫn có thể sống được. Và nhờ thế, dù lương được 6 triệu đồng, nhưng mỗi tháng chị có thể tiết kiệm 3 - 4 triệu đồng/tháng. “Năm đầu tiên làm việc ở công ty, tôi phải thuê trọ ở nhà người dân. Giá thuê nhà cách đây 10 năm là 200.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện 3.000 đồng/số; 50.000 đồng/người mà diện tích cũng chỉ được 15m2. Vì thế với giá thuê nhà rẻ hiện nay, tôi không có nhu cầu thay đổi chỗ ở khác”, chị Hải tâm sự.

Cùng ở chung với chị Hải, chị Nguyễn Thu Hường (23 tuổi, quê ở Thái Bình) cho hay, hằng ngày chị đi bộ đi làm khoảng 20 phút, khu ở không có nhiều tiện ích, vui chơi giải trí, muộn nhất 10h30 thì ban quản lý đóng cửa. Ngoài ra, chỗ ở cũng chật chội và sinh hoạt chung như ký túc xá nhưng chị vẫn vui vẻ vì giá tiền trọ 40.000 – 50.000 đồng/tháng, chỉ bằng một bát phở là hợp lý với mức lương mới đi làm như chị. “Tôi phải đăng ký 3 – 4 tháng mới được vào trọ ở đây”, chị Hường chia sẻ.

Cách đó không xa là đơn nguyên dành cho hộ gia đình, và mức giá thuê thì đến sinh viên cũng phải mơ ước. Vào thăm gia đình chị Đặng Thị Thu Huệ (40 tuổi, làm việc tại Công ty Canon Việt Nam), chỉ có mình chị Huệ ở nhà, đang chuẩn bị bữa cơm trưa, còn chồng chị đi làm ca và các cháu đi học.

Chị Huệ chia sẻ, căn phòng gia đình chị ở có giá thuê nhà là 1,6 – 1,7 triệu đồng tháng, đã bao gồm cả điện, nước… Căn hộ khoảng 75m2 có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách chung với bếp. Thời gian gia đình chị ở đây cũng đã tới 17 năm, nhưng chị Hải cho biết, thu nhập của 2 vợ chồng chị khoảng 20 triệu đồng/tháng cũng chỉ đủ chi tiêu cho cuộc sống, các cháu nhỏ đi học. “Nếu tiền thuê nhà nhiều hơn thì cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn”, chị Huệ nói.

Nhà ở cho người lao động thu nhập thấp: (Bài 1) Giá thuê nhà chỉ bằng bát phở - Anh 2

Chị Đặng Thị Thu Huệ sống 17 năm tại căn hộ gia đình 75m2 với giá thuê 1,6 triệu đồng/tháng

Theo chị Huệ, kế hoạch của hai vợ chồng chị là một thời gian nữa sẽ về quê sống vì không có tiền để mua nhà ở Hà Nội, rẻ nhất cũng 700 – 800 triệu đồng, thậm chí hơn 1 tỉ đồng. Hơn nữa, khi con chị lên cấp 3 thì không xin học được, vì không có hộ khẩu. Các cháu đang hiện đang học cấp 2, nhưng cũng phải đi xa, phải đi qua đường khá nguy hiểm nên chị rất lo lắng. Trước đây, để được vào trọ của Dự án phải có xác nhận của khu công nghiệp, đóng BHXH nhưng hiện nay điều kiện đã dễ dàng hơn. Nhiều gia đình khi thuê nhà tại đây ít khi ra chỗ khác thuê trừ phi họ mua được nhà hoặc về quê.

Với mức cho thuê nhà giá rẻ đến mức ngỡ ngàng nêu trên, nên nhiều người lao động không muốn ra ngoài thuê trọ, sống cả chục năm trong điều kiện hạn chế nhiều mặt. Họ sẵn sàng chấp nhận sống với điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, bị quản lý thời gian ra vào, hiếm có sự riêng tư… Bên cạnh niềm mong ước Hà Nội có nhiều nhà trọ giá rẻ như vậy để người lao động không phải chờ đợi đến lượt để thuê nhà thì họ cũng mong có nhiều các khu thương mại, khu sinh hoạt cộng đồng để đảm bảo đời sống tinh thần.

Chất lượng nhà giá rẻ đang xuống cấp

Theo thống kê, Hà Nội có gần 170 nghìn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp có nhu cầu nhà ở, nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22 nghìn chỗ ở cho công nhân, tương đương 13%. Ông Bùi Dũng, Trưởng phòng Quản lý nhà ở xã hội - tái định cư (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho biết, chỗ ở cho công nhân được TP. Hà Nội quan tâm từ nhiều năm nay. Trong đó, Khu nhà ở công nhân Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là một trong những khu nhà ở thí điểm đầu tiên được xây dựng cho công nhân thuê với nguồn kinh phí của thành phố.

Khu nhà ở thí điểm có quy mô 24 đơn nguyên (tòa nhà thấp tầng, không có thang máy), 4 đơn nguyên có thang máy. Khu nhà ở được xây dựng, thiết kế đáp ứng đủ điều kiện sinh hoạt cho công nhân về quy mô, diện tích nhưng theo hình thức cũ, chưa đáp ứng đúng nhu cầu người lao động. Hiện nay mức giá là 120.000 đồng người/ tháng, giá thuê mỗi 5 năm tăng 10%. Với căn hộ tập thể tạm thu mức giá 120.000 đồng/người. Mỗi tòa nhà có bảo vệ giữ gìn an ninh trật tự, có lực lượng làm công tác vệ sinh; bảo đảm điều kiện an ninh, vệ sinh.

Nhà ở cho người lao động thu nhập thấp: (Bài 1) Giá thuê nhà chỉ bằng bát phở - Anh 3

Thang máy bị hỏng khiến công nhân rất khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt. Ảnh: Bảo Hân

Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, chất lượng hạ tầng các toà nhà đang đi xuống, không đáp ứng được công tác phòng cháy, chữa cháy, nhà ở chật chội mới chỉ đáp ứng chỗ ngủ, nghỉ chứ chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí hằng ngày, không có các thiết chế văn hoá, trường học cho trẻ em… Bên cạnh đó, theo ông Bùi Dũng, việc bảo trì cũng gặp nhiều khó khăn vì phải trải qua nhiều thủ tục, như khảo sát, đánh giá, đề xuất, phê duyệt, nguồn kinh phí… cũng phải mất khoảng 3 – 4 tháng nên việc đáp ứng sửa chữa, tu bổ còn nhiều hạn chế.

Chỉ những người sống trong các toà nhà mới “thấm” nỗi cực khi việc tu sửa trang thiết bị không được thực hiện. Một trong số đó là chị Nguyễn Thị Hiền - công nhân Công ty Panasonic Việt Nam - cư dân toà nhà CT1A. Chị Hiền cho biết, gia đình chị ở tầng 12 của toà nhà. Nhưng thang máy của toà nhà thường xuyên bị trục trặc, không hoạt động nên phải leo cầu thang bộ vô cùng mệt mỏi. Hôm nào mua gạo, mua gas cũng phải vất vả leo bộ lên tầng 12. Chị và các công nhân khác trong toà nhà đã nhiều lần đề nghị sửa chữa, nhưng chỉ được vài hôm thang máy lại hỏng, lặp đi lặp lại cả năm rồi. 

Theo Trưởng phòng Quản lý nhà ở xã hội - tái định cư, mục tiêu ban đầu của Dự án là xây nhà để các doanh nghiệp, các khu công nghiệp – chế xuất mua lại, sau đó cho công nhân thuê. Nhưng các doanh nghiệp nước ngoài khi vào khảo sát thì thấy Dự án không đáp ứng được tiêu chuẩn của họ, và họ không mua. Do đó, Thành phố Hà Nội chuyển mục đích sang hình thức cho công nhân thuê. Có thể thấy từ việc thiết kế, thi công đến đầu tư có rất nhiều vấn đề và thang máy CT1A là một trong số đó.

Mặc dù chất lượng công trình, cơ sở hạ tầng như vậy, nhưng vẫn không đủ nhà cho công nhân thuê, và khi thuê được rồi thì ở lâu dài, không ai muốn rời đi. Nhiều ý kiến cho rằng, do thu nhập còn thấp, lượng nhà ở cho thuê còn thiếu hụt nhiều nên người lao động sẽ ưu tiên lựa chọn một chỗ ở ổn định hơn là đòi hỏi chất lượng, an toàn hay có nhiều thiết chế văn hoá kèm theo. Không chỉ như vậy, trường học cho trẻ em cũng không đủ, hoặc phải đi học rất xa, thậm chí không thể xin học cấp 3 cho con được vì không có hộ khẩu, không thể làm được tạm trú KT3...

Vì vậy, để tăng số lượng nhà ở cho công nhân, đảm bảo chất lượng, an toàn với người lao động, chăm lo đời sống tinh thần, sức khoẻ cho người lao động, giáo dục cho trẻ... thì cùng với chủ trương, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần tạo những cơ chế, chính sách linh hoạt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, quản lý, doanh nghiệp và người dân.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc