Nguy cơ trầm cảm cao gấp ba lần ở giới trẻ vùng biển Anh
VHO - Một nghiên cứu toàn quốc của Đại học Essex cho thấy, giới trẻ ở các khu vực ven biển khó khăn tại Anh có nguy cơ mắc rối loạn tâm thần không được chẩn đoán cao gấp ba lần so với những người cùng tuổi ở đất liền.

Thế hệ bị cô lập
Nghiên cứu thu thập dữ liệu từ 28.000 người trưởng thành trong giai đoạn 2018–2023, cho thấy người trẻ tại các vùng ven biển nghèo như Blackpool, Liverpool hay Tendring không chỉ dễ tổn thương hơn mà còn gần như không được lắng nghe hoặc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.
Trong khi đó, những người lớn tuổi sống trong cùng khu vực lại có nguy cơ thấp hơn trung bình so với các vùng nghèo tại đất liền.
Bà Emily Murray, Giám đốc Trung tâm cộng đồng ven biển thuộc Đại học Essex, nhận định: “Một phần nguyên nhân có thể là giới trẻ không yêu cầu được giúp đỡ theo cách mà các thế hệ trước từng làm. Hoặc nếu có, tiếng nói của họ cũng bị phớt lờ.”
Khi những thị trấn ven biển thường gắn với hình ảnh nghỉ dưỡng và du lịch, đời sống thường nhật của cư dân địa phương, đặc biệt là giới trẻ, lại không có phần trong câu chuyện phát triển ấy.
Ceilidh Bardsley, 21 tuổi, sống ở Weston-super-Mare chia sẻ: “Thị trấn luôn được ưu tiên làm đẹp phần ven biển cho du khách, còn các khu dân cư thì đầy ổ gà, nhà cửa xuống cấp và mốc meo.”
Bị “bỏ rơi” cả về chính sách
Không chỉ là câu chuyện cảm xúc, các số liệu cho thấy rõ mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần kém và các yếu tố xã hội như nghèo đói, thất nghiệp, tội phạm, nhà ở tồi tàn và thiếu tiếp cận giáo dục.
Giới trẻ vùng biển có nhiều khả năng sống trong các hộ thu nhập thấp, phải thuê những ngôi nhà thường ít được kiểm soát về chất lượng. Ngoài ra, nhiều khu vực bị cách biệt địa lý, hạn chế việc đi lại đến nơi có cơ hội kinh tế hoặc chăm sóc y tế tốt hơn.
Những khó khăn này kéo dài qua nhiều năm nhưng ít khi được phản ánh trong chính sách quốc gia. Bốn năm trước, báo cáo của Giám đốc y tế Anh Chris Whitty đã chỉ rõ các vấn đề sức khỏe tâm thần chẩn đoán được phổ biến hơn nhiều ở thanh niên vùng biển. Tuy nhiên, thay đổi chính sách vẫn diễn ra rất chậm.
Giáo sư Sheena Asthana từ Đại học Plymouth khẳng định: “Tỷ lệ rất cao các vấn đề sức khỏe tâm thần không được chẩn đoán ở vùng biển cho thấy chính phủ cần đặt câu hỏi về độ chậm trễ và khả năng tiếp cận của các dịch vụ y tế, đặc biệt là với trẻ em và thanh thiếu niên.”
Ngoài số liệu, các nhà nghiên cứu tại UCL và Essex cũng đến các cộng đồng để hỏi chính người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên: Họ cần gì? Câu trả lời khá nhất quán: trao quyền cho người địa phương tự quyết định và thiết kế giải pháp.
Một nhà hoạt động trẻ ở Barrow nói: “Chúng tôi không cần các cố vấn từ nơi khác đến để nói chúng tôi cần gì. Hãy để chính cộng đồng lên tiếng.”
Nhiều ý kiến cho rằng cần một nguồn tài trợ công ổn định, lâu dài để duy trì các dịch vụ thanh thiếu niên, hỗ trợ tâm lý học đường, đào tạo nhân viên xã hội và đầu tư vào các không gian cộng đồng thân thiện với người trẻ.
Đặc biệt, các quỹ nên được phân bổ rõ ràng cho nhóm thanh niên ở vùng ven biển, thay vì gộp chung trong ngân sách quốc gia.