Người trẻ Hàn Quốc chuyển hướng đầu tư bất động sản

N.THANH

VHO - Không còn trông đợi vào lương, nhiều người trẻ Hàn Quốc chuyển sang học đầu tư, đi "săn" nhà vào buổi tối, cuối tuần.

Người trẻ Hàn Quốc chuyển hướng đầu tư bất động sản - ảnh 1
Những người trẻ Hàn Quốc hiện nay lao vào đầu tư bất động sản từ sớm. Ảnh minh họa

Chuyến tàu đêm đi “imjang”

Vào mỗi buổi tối trong tuần, Kim, 28 tuổi, đều vội vàng đến ga Seoul sau khi tan làm lúc 18h. Cô bắt chuyến tàu đêm đến Ulsan hoặc bất kỳ khu vực nào đang có bất động sản tiềm năng. Đó không phải là những chuyến đi du lịch, mà là “imjang” – thuật ngữ tiếng Hàn chỉ hoạt động khảo sát thực tế địa điểm đầu tư nhà đất.

Trong hai năm qua, cô đã chi hơn 10 triệu won (khoảng 7.400 USD) cho các khóa học đầu tư, dành hầu hết thời gian rảnh để “đi thực địa”, tìm hiểu từng khu phố, từ hệ thống giao thông đến trường học.

“Dành hết thời gian rảnh để học và đi imjang thật sự rất mệt mỏi. Tôi đang hy sinh tuổi trẻ để không phải khổ khi về già”, Kim chia sẻ. “Với mức lương hiện tại, ổn định cuộc sống gần như là điều không thể.”

Cô cho biết thu nhập mỗi tháng là 4 triệu won, trong khi giá một căn hộ ở Seoul đã vượt 2 tỷ won. “Kể cả không tiêu một đồng nào, tôi cũng phải mất hơn 40 năm mới đủ tiền mua nhà.”

Chiến lược Kim lựa chọn là “đầu tư chênh lệch”, tận dụng mô hình thuê nhà kiểu “jeonse” đặc trưng của Hàn Quốc. Với hình thức này, thay vì trả tiền thuê hàng tháng, người thuê jeonse đặt cọc một lần khoản tiền lớn, thường chiếm 60–80% giá trị căn hộ. Nhà đầu tư chỉ cần chi phần còn lại để mua nhà, khoản “chênh lệch” này có thể được vay ngân hàng.

Nhờ vậy, Kim hiện sở hữu hai căn hộ ở Ulsan với tổng giá trị 600 triệu won, trong khi chỉ thực chi 100 triệu won.

Cơn sốt đầu tư tuổi 20

Ở Hàn Quốc, ngày càng nhiều người trẻ chuyển sang học đầu tư bất động sản như một “chiến lược sinh tồn”. “Thế hệ của tôi thường bắt đầu đầu tư ở tuổi 40-50. Giờ tôi học cùng lớp với một người mới 25 tuổi”, bà Chae, 45 tuổi, chia sẻ.

Phong trào “đội imjang” – nhóm người trẻ đi khảo sát nhà cùng nhau – đang nở rộ. Trên Instagram, hashtag “đầu tư” có hơn 2,3 triệu lượt bài đăng, “đầu tư bất động sản” hơn 1,6 triệu.

Nền tảng Weolbu (viết tắt của “làm công ăn lương nhưng vẫn giàu có”) đã có hơn 1,5 triệu người dùng chỉ sau 18 tháng, tăng gấp 10 lần so với năm 2023.

Hiện tượng này không giống với những cơn sốt tiền ảo hay cổ phiếu “meme”. Nó bắt rễ từ một nỗi sợ sâu xa hơn: sự tụt hậu tài chính trong xã hội cạnh tranh khốc liệt.

Aptrashu, một influencer nổi tiếng trên Instagram chuyên chia sẻ chiến lược “đầu tư chênh lệch”, cho biết hơn 80% trong số 70.000 người theo dõi anh là ở độ tuổi 20–30.

“Nếu không hành động bây giờ, bạn sẽ không bao giờ bắt kịp. Một căn hộ ở Seoul giờ là biểu tượng của thành công. Nó không chỉ là nơi ở, mà là nơi chứng minh bạn đã làm được điều gì đó trong đời”, Aptrashu cho biết.

Người trẻ Hàn Quốc chuyển hướng đầu tư bất động sản - ảnh 2
Những người tham gia lớp học "Imjang" cùng nhau đi kiểm tra bất động sản tại Ahyeon-dong, Mapo-gu, Seoul. Ảnh: Aptrashu

Tuổi trẻ không còn tin vào lương hưu

Nhiều người trẻ ở Hàn Quốc giờ đây không còn tin vào lộ trình truyền thống: học tốt, làm việc chăm chỉ, thăng tiến và mua nhà. Họ hoài nghi về cả lương hưu, điều từng được xem là bệ đỡ cho tuổi già.

Một khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD cho thấy, năm 2020, có tới 40,4% người Hàn Quốc từ 66 tuổi trở lên sống dưới mức nghèo tương đối. Con số này khiến giới trẻ e ngại về tương lai chính họ.

“Cha mẹ họ sống trong thời kỳ tăng trưởng cao, tin rằng cứ chăm chỉ là đủ. Nhưng thế giới của người trẻ hôm nay đã khác: kinh tế chững lại, xã hội cạnh tranh khốc liệt hơn, niềm tin vào hệ thống suy giảm”, Giáo sư Yoon In-jin, Đại học Hàn Quốc, nhận định.

Ông cảnh báo rằng sự tập trung quá mức vào thành công cá nhân có thể dẫn đến thái độ thù địch với các nhóm yếu thế trong xã hội như người nhập cư, người khuyết tật, phụ nữ, người nghèo.

“Chúng ta cần thận trọng với một thế hệ chỉ tin vào chính mình mà không còn đặt niềm tin vào cộng đồng”, ông cảnh báo.