Người đàn ông thoát chết 2 lần khi ngủ
VHO - Một người đàn ông 44 tuổi ở TPHCM mắc hội chứng hiếm gặp dẫn đến 2 lần bị ngưng tim khi đang ngủ. Anh trai của người này đã tử vong năm 30 tuổi cũng vì nguyên nhân tương tự.

Ngày 11.7, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM) cho biết vừa thực hiện cấy máy phá rung tự động, ngăn ngừa nguy cơ đột tử cho một trường hợp đặc biệt.
Theo đó, khuya 20.6, gia đình phát hiện anh L.H.N. (phường Tam Bình, TPHCM) không thở, ngưng tim khi đang ngủ. Sau khi gọi cấp cứu 115, người thân thực hiện hồi sức tim phổi cho anh N. theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi chuyển đến Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, bệnh nhân được đặt nội khí quản, tiếp tục hồi sức giúp ổn định tình trạng rối loạn nhịp và huyết áp.
Đáng chú ý, đây là lần thứ hai bệnh nhân bị ngưng tim trong lúc ngủ.
Vài năm trước, anh N. rơi vào tình trạng tương tự, được chẩn đoán mắc hội chứng Brugada. Đây là bệnh lý di truyền hiếm gặp, gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, thường gặp ở người trẻ. Bệnh nhân luôn tiềm ẩn nguy cơ rối loạn nhịp thất đột ngột, dẫn đến ngất xỉu, ngưng tim và tử vong, đặc biệt trong lúc ngủ. Anh N. có yếu tố gia đình rõ rệt khi anh ruột đã đột tử vào ban đêm lúc 30 tuổi.
Sau khi bệnh nhân hồi phục, ê-kíp Nhịp tim, Khoa Hồi sức Tim mạch tiến hành cấy máy khử rung tự động ICD - một thiết bị có khả năng phát hiện và xử lý các rối loạn nhịp nguy hiểm.
Theo BS Nguyễn Phúc Nguyên, Khoa Hồi sức Tim mạch, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi trong 60 phút. Tái khám định kỳ ghi nhận, người bệnh ổn định, không có dấu hiệu rối loạn nhịp tái phát.
"Không phải ai cũng có cơ hội được cứu sống hai lần. Việc cấy ICD kịp thời đã bảo vệ sinh mạng bệnh nhân và mang lại cuộc sống an toàn hơn", BS Nguyên nói.
Máy phá rung ICD là thiết bị điện tử nhỏ được cấy dưới da vùng ngực và kết nối với tim qua các dây điện cực.
Máy hoạt động 24/7 để theo dõi nhịp tim, đồng thời có khả năng phát hiện, điều trị và ngăn ngừa các cơn rối loạn nhịp thất nguy hiểm.
Theo GIAO LINH/Báo Sài Gòn Giải Phóng
Link bài viết gốc