Người dân cần làm gì để bảo vệ sức khoẻ khi đi xem lễ diễu binh, diễu hành?
VHO - Lễ diễu binh, diễu hành nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025) đang đến gần, để đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khoẻ cho người dân, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn thực hiện khi tham gia sự kiện tập trung đông người.
Theo đó, trước khi tham dự sự kiện, Bộ Y tế lưu ý người dân mặc trang phục lịch sự, gọn gàng; Đi giày hoặc dép có quai hậu, tránh giày cao gót, dép lê; Mang theo nước uống (đồ ăn nhẹ, sữa…).

Bên cạnh đó, người dân mang theo các phụ kiện chống nắng và mưa gọn gàng. Những người có bệnh nền, bệnh tim mạch, hô hấp hạn chế tham dự và chỗ đông người.
Trong khi tham dự: Không chen lấn, xô đẩy; Không phấn khích quá mức, tránh tranh cãi, gào thét.
Trường hợp có tình huống khẩn cấp:
Không hoang mang, không nghe các tin đồn;
Không hoảng loạn chạy, xô đẩy;
Bình tĩnh nghe thông báo;
Tuân thủ chỉ dẫn của lực lượng an ninh, bảo vệ;
Quan sát lối thoát hiểm, nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm;
Đi theo dòng người, giữ tư thế vững, không cố đi ngược chiều dòng người.
Nếu chẳng may bị cuốn vào đám đông:
Giữ tay trước ngực: Bảo vệ phổi, tránh ngạt thở;
Bước từng bước ngắn theo nhịp chuyển động của dòng người;
Không dừng lại giữa dòng người;
Bình tĩnh, không gào thét hoảng loạn;
Nếu bị ngã: cần bảo vệ đầu, che đầu; Gập người lại bảo vệ các bộ phận quan trọng; Tìm cơ hội đứng dậy ngay khi có thể.
Bộ Y tế cũng đặc biệt lưu ý việc người dân đảm bảo an toàn sức khoẻ, tính mạng là ưu tiên hàng đầu. Nếu cảm thấy không an toàn, hãy rời khỏi khu vực đông đúc ngay lập tức.
Trước đó, có một số người dân bị ngất khi ngồi bên đường xem các đơn vị hợp luyện diễu binh, diễu hành.
Do đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV); các cơ quan truyền thông, báo chí về việc tăng cường sản xuất và phát sóng về các kỹ năng thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh nêu rõ, để bảo đảm an toàn và phòng tránh những sự cố không mong muốn xảy ra khi tập trung đông người nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025) tại TP.HCM, đề nghị các đơn vị tăng cường chỉ đạo và đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng xử lý khi xảy ra tình huống khẩn cấp về y tế đến toàn thể người dân.
Phát sóng các video hướng dẫn những kỹ năng cơ bản, thiết thực ứng phó với các tình huống như cháy nổ, sự cố an ninh, tai nạn giao thông…
Đồng thời, truyền tải thông điệp kêu gọi người dân bình tĩnh, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của lực lượng chức năng khi xảy ra các tình huống khẩn cấp về y tế.
Các cơ quan truyền thông, báo chí ưu tiên sản xuất, phát sóng thường xuyên các nội dung tuyên truyền trên các kênh chính thức, đồng thời đa dạng hóa hình thức thể hiện như phóng sự ngắn, infographic, clip hướng dẫn nhanh, bản tin đặc biệt... nhằm đảm bảo hiệu quả tiếp cận và lan tỏa trong cộng đồng.
Về công tác y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã xây dựng Kế hoạch bảo đảm công tác y tế phục vụ Lễ kỷ niệm.
Bộ Y tế giao Bệnh viện Hữu nghị, Thống nhất, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) bố trí Tổ y tế trực tại điểm diễn ra các hoạt động và bệnh viện; thuốc, trang thiết bị, xe cứu thương; giường sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu điều trị bệnh nhân nếu có bệnh nhân…
Ngoài ra, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, huy động các đội cấp cứu ngoại viện của các bệnh viện đóng trên địa bàn thực hiện các hoạt động đảm bảo công tác đáp ứng cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn nạn nhân các tình huống thảm họa, khủng bố (nếu có)…