Người cựu binh với ký ức Sài Gòn rợp cờ hoa Ngày Giải phóng

HOÀNG LINH

VHO - Sau chiến thắng ở cầu Sài Gòn, người chiến sĩ Nguyễn Đức Minh cùng đồng đội xông lên, tiến thẳng vào nội đô. Giờ khắc đứng trước Dinh Độc Lập, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay, ông cùng đồng đội ôm nhau khóc, nghẹn ngào không thốt nên lời.

Những ký ức hào hùng 

50 năm đã trôi qua, sau Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước nhưng đối với người cựu binh Nguyễn Đức Minh (sinh năm 1955, trú thôn Hội Cát, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), những ký ức hào hùng đó ngỡ như vừa mới hôm qua. 

Người cựu binh với ký ức Sài Gòn rợp cờ hoa Ngày Giải phóng - ảnh 1
Cựu binh Nguyễn Đức Minh

Là một người lính từng xông pha chiến trận, cho đến tận hôm nay, những mảnh đạn vẫn đang nằm trong cơ thể, ông nói rằng, “rất đỗi tự hào, vinh dự vì đã được là một hạt cát bé nhỏ, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975”. 

Tháng 1.1972, người chiến sĩ Nguyễn Đức Minh lúc đó đang học cấp 3 tại Trường THPT Lý Tự Trọng, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xếp bút nghiêng lên đường nhập ngũ.

Ông được phân về huấn luyện tại Đoàn 22B (Quân khu 4) đóng ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), sau đó bổ sung vào Sư đoàn 341, huấn luyện tại tỉnh Quảng Bình. 

Đến tháng 1.1975, cả đơn vị được lệnh hành quân vào chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, bổ sung vào Quân đoàn 4. Ngày 3.4.1975, ông tham gia đánh trận đầu tiên tại núi Tràn, thuộc thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. 

Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt với nhiều trận đánh lớn, nhỏ giữa quân ta và địch tại thị xã Long Khánh, ngày 21.4.1975, thị xã Long Khánh hoàn toàn giải phóng, song đồng đội của ông hơn một nửa đã mãi nằm lại nơi chiến trường. Trong đó, có liệt sĩ Nguyễn Phi Nhân (SN 1950), người cùng xã với ông.

Người cựu binh với ký ức Sài Gòn rợp cờ hoa Ngày Giải phóng - ảnh 2
Trở về với đời thường, cựu binh Nguyễn Đức Minh phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, cần cù, chăm chỉ tăng gia sản xuất, phát triển kinh

 

Kể đến đây, đôi mắt người cựu binh đỏ ngầu. Ông cho hay, liệt sĩ Nguyễn Phi Nhân là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 7, Tiểu đoàn 5. Là người cùng quê, cùng nhập ngũ, huấn luyện chung với ông một đơn vị nên tình cảm anh em gắn bó keo sơn. Ông vẫn nhớ như in trận đánh năm đó, giờ khắc liệt sĩ Nguyễn Phi Nhân ngã xuống.

“Hôm đó là ngày 11.4.1975, trong một trận đánh tại thị xã Long Khánh, liệt sĩ Nhân gương cao khẩu súng AK, tiên phong băng qua đường tàu hô lớn: Xung phong! Toàn trung đội chúng tôi cùng xông lên.

Lúc này, phía bên kia, từng làn đạn của địch bắn xối xả, đồng chí Nhân đã anh dũng hi sinh. Trận đánh này, ngoài đồng chí Nhân, hàng chục chiến sĩ trung đôi tôi cũng đã mãi mãi nằm xuống”, giọng cựu binh Minh nghẹn lại.

Sau chiến thắng tại Thị xã Long Khánh, cựu binh Nguyễn Đức Minh cùng hàng nghìn anh em chiến sĩ các đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh… tham gia đánh nhiều trận đánh lớn nhỏ tại Trảng Bom, Hố Nai, TP.Biên Hoà (Đồng Nai). Đến ngày 26.4.1975, ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Giờ khắc thiêng liêng

Ngay khi nhận lệnh từ tổng chỉ huy, tập trung lực lượng cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, cựu binh Nguyễn Đức Minh cùng anh em chiến sĩ đơn vị suốt mấy đêm liền trằn trọc, không thể chợp mắt.

Ông nhớ lại: “Những đêm chuẩn bị tiến vào Sài Gòn là những đêm không ngủ. Từ 17h ngày 26.4, chỉ huy bắt đầu phát lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Xác định, mình chuẩn bị tham gia một chiến dịch rất lớn, sống còn, mang tên Bác Hồ. Cả trung đội chúng tôi không ai ăn được gì, vừa mừng, vừa lo mình có hoàn thành nhiệm vụ hay không? Và mình còn sống sót để chứng kiến khoảnh khắc hoà bình, giải phóng hay không?

Đúng 17h30 ngày 16.4, ông cùng anh em chiến sĩ đơn vị bắt đầu xuất phát, đánh từ TP.Biên Hoà vào cầu Sài Gòn. Suốt 2 ngày, 3 đêm, Trung đội của ông phối hợp với nhiều lực lượng công binh, pháo binh, hoả lực… liên tiếp giải phóng các chốt căn cứ điểm của địch dọc Quốc lộ 1, trên đường tiến vào cầu Sài Gòn.

Trong đó, ác liệt nhất là trận đánh tại cầu Sài Gòn diễn ra vào tối 29.4.1975 đến rạng sáng ngày 30.4.1975.

“Lúc này, địch cầm cự rất ác liệt tại cầu Sài Gòn, quyết chặn đường tiến công của quân ta. Khi xe tăng của ta xông lên, địch bắn trả quyết liệt nhưng đã bị lực lượng đặc công, hoả lực, lính bộ binh của quân ta tiêu diệt. Địch tháo chạy tan tác. Quân ta thừa thắng xông lên tiến thẳng vào nội đô”, ánh mắt cựu binh Nguyễn Đức Minh rạo rực hồi tưởng.

10h45 phút ngày 30.4.1975, xe tăng và bộ binh của quân ta tiến vào Dinh Độc Lập. Phía trước, những cô gái biệt động Sài Gòn đi xe gắn máy dẫn đường cho quân ta tiến thắng vào nội đô.

Hai bên đường rợp đỏ cờ hoa, người dân xếp hàng dài, vẫy chào quân giải phóng. 11h30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, miền Nam chính thức hoàn toàn giải phóng.

Giờ khắc đứng trước Dinh Độc Lập, nhìn lá cờ tổ quốc tung bay, cựu binh Nguyễn Đức Minh cùng đồng đội ôm nhau khóc không thốt nên lời. Mừng vì đất nước đã độc lập, mừng vì mình vẫn còn sống sót để được chứng kiến giờ phút hoà bình; khóc vì thương cho các đồng đội đã hi sinh, không thể chờ được đến giây phút này.

“Có những anh em đồng đội đã hi sinh chỉ vài tiếng đồng hồ trước giờ khắc giải phóng. Đến giờ tôi vẫn hay tâm sự với vợ, mình may mắn còn sống sót được chứng kiến hoà bình độc lập, chứng kiến đất nước đổi mới. Có nhiều anh em chiến sĩ kề vai sát cánh cùng chiến đấu, chia nhau từng miếng lương khô, từng ngụm nước, từng viên thuốc sốt rét đã hi sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt…”, giọng cựu binh Minh nghẹn ngào.

Sau hoà bình, cựu binh Nguyễn Đức Minh được rút ra căn cứ Long Bình (Đồng Nai). Đến tháng 2.1979, ông là Đại đội trưởng Đại đội D5E270F341, trực tiếp chỉ huy tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam (Campuchia).

Tháng 8.1979, ông bị thương được về điều trị an dưỡng tại Bệnh viện 175 Sài Gòn. Năm 1980, ông phục viên về quê, hưởng chế độ thương binh 3/4.

Về quê với mảnh đại chiến trường vẫn mãi nằm trong cơ thể, cựu binh Nguyễn Đức Minh là nhân chứng sống lịch sử trong những cuộc chiến tranh khốc liệt của quân và dân ta. Ông luôn khắc nhớ và nhắc nhở con cháu phải biết ơn những thế hệ ông cha đã ngã xuống vì nền hoà bình hôm nay.

“Cuộc đời tôi có hai cảm xúc lớn nhất, đó là vào thời khắc đứng trước Dinh Độc Lập. Lần thứ 2 là vừa qua tôi được chọn, tham dự lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam. Những ngày này, tôi luôn tưởng tượng, khoảnh khắc ngồi trên khán đài, chứng kiến giây phút diễu binh, diễu hành. Tôi tự hào, vinh dự, mình đã là một hạt cát trong đội quân trùng trùng điệp điệp tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam”, cựu binh Minh xúc động.

Ông Nguyễn Viết Bình, Chủ tịch hội cựu chiến binh UBND xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cựu binh Nguyễn Đức Minh là tấm gương sáng về tinh thần quả cảm.

Tại địa phương, hiện, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh, được người dân tín nhiệm. Vừa qua, cựu binh Nguyễn Đức Minh được huyện Thạch Hà bầu chọn là đại diện duy nhất tham dự Lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30.4.1975 – 30.4.2025).