Nghiên cứu hiệu quả điều trị bệnh từ cây vông nem
VHO - Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc tiểu đường, trong đó có khoảng 55% số người bệnh đã bị biến chứng. Đáng chú ý, số người bị bệnh này đang gia tăng nhanh chóng và có xu hướng trẻ hóa, trong khi kinh phí và thời gian điều trị tốn kém, kéo dài…

Từ thực tiễn đó, các nhà khoa học của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công tác dụng của cây vông nem trong hỗ trợ điều trị tiểu đường.
Cây vông nem là loài cây thân gỗ, cao từ 10 đến 20m và được trồng làm cảnh hoặc lấy lá ăn. Cây vông nem có tên khoa học là Erythrina variegata L., thuộc họ Đậu (Fabaceae), cây mọc nhiều ở các khu vực ven biển, miền núi thấp hoặc vùng đồng bằng. Tại một số địa phương, cây còn được gọi là cây vông, hải đồng bì, thích đồng bì và thường được kết hợp với một số cây thuốc để chữa suy nhược thần kinh, hạ huyết áp, an thần, mất ngủ, ra mồ hôi trộm ở trẻ em... Về thành phần hóa học, cây vông nem có chứa thành phần chính là các hợp chất flavonoid và dẫn xuất của chúng, một số phytosterol, alkaloid và polyphenol.
Tác dụng của cây vông nem trong y học cổ truyền đã được khẳng định, nhưng ở Việt Nam các công trình nghiên cứu về công dụng hỗ trợ điều trị tiểu đường từ dược liệu này còn hạn chế. Ngược lại, trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về hoạt tính sinh học cũng như thành phần hóa học của một số loài vông nem. Một trong những hoạt tính nổi trội của loài này là an thần, ức chế sự phát triển của khối u, kháng viêm và nhất là tác dụng kích hoạt hoạt lực enzyme AMPK để điều trị các bệnh về rối loạn chuyển hóa như đường huyết, mỡ máu, béo phì…
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phi Hùng và các cộng sự tại Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (nay là Viện Hóa học) đã triển khai công nghệ: “Nghiên cứu quy trình sản xuất chế phẩm, định hướng hỗ trợ điều trị tiểu đường từ cây vông nem (Erythrina variegata L.)”.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình chiết xuất tạo cao bán thành phẩm từ cây vông nem và các cao bổ sung chứa thành phần các hoạt chất quý từ giảo cổ lam, dây thìa canh, vàng đắng, nghệ vàng. Sau đó, phối kết hợp các hoạt chất của các dược liệu này để bào chế ra chế phẩm TĐ-VN (chế phẩm tiểu đường-vông nem) dạng viên nang cứng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phi Hùng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã dành nhiều thời gian, tìm hiểu và tập trung vào nghiên cứu đánh giá hoạt tính sinh học của mẫu chế phẩm TĐ-VN trên mô hình in vitro liên quan bệnh tiểu đường. Kết quả cho thấy, mẫu chế phẩm tạo ra này có tác dụng ức chế hoạt lực enzyme a-glucosidase và enzyme PTP1B, đồng thời có khả năng tăng cường hấp thụ đường huyết trên mô hình tế bào. Theo kết quả đánh giá độc tính cấp trên mô hình động vật thực nghiệm, chế phẩm
TĐ-VN an toàn theo đường uống trên chuột nhắt trắng. Trường hợp sử dụng chế phẩm với liều 350 mg/kg/ngày kết hợp Streptozocin liều thấp, có tác dụng tăng insulin và hạ đường huyết trên chuột cống trắng gây đái tháo đường type 2. Ngoài ra, chế phẩm còn giúp cải thiện các triệu chứng và hạn chế biến chứng của bệnh đái tháo đường như: Giảm tình trạng tổn thương tuỵ, suy thận. Những tác dụng của chế phẩm này tương đương thuốc gliclazid (thuốc điều trị tiểu đường) với liều dùng 20 mg/kg/ngày và có độ an toàn cao, không gây tác dụng phụ khi sử dụng.
Trên cơ sở các kết quả thử nghiệm, chiết xuất thành công các hoạt chất quý từ cây vông nem và các dược liệu quý của Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã xây dựng công thức chế phẩm và bào chế được hơn 2.000 viên nang cứng với khối lượng 500 mg/viên có tác dụng hạ đường huyết với độ an toàn cao. Ngoài công dụng chính hỗ trợ điều trị tiểu đường, chế phẩm TĐ-VN còn có các tác dụng giúp ổn định huyết áp, hạ mỡ máu và chống viêm…
Với những kết quả tích cực và nghiên cứu khoa học bài bản, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đánh giá nhiệm vụ phát triển công nghệ: “Nghiên cứu quy trình sản xuất chế phẩm, định hướng hỗ trợ điều trị tiểu đường từ cây vông nem (Erythrina variegata L.)” đạt loại xuất sắc.
Thành công từ kết quả nghiên cứu khoa học đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu công bố 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục SCIE, 1 bài báo quốc tế thuộc danh mục Scopus, được cấp 1 bằng độc quyền sáng chế và 5 giải pháp hữu ích đã được chấp nhận đơn đăng ký sáng chế. Nhiệm vụ cũng góp phần đào tạo được 1 thạc sĩ chuyên ngành hóa học hữu cơ, hỗ trợ đào tạo 1 nghiên cứu sinh và hướng dẫn 4 cử nhân bảo vệ luận văn tốt nghiệp chuyên ngành hóa học hữu cơ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phi Hùng chia sẻ: “Thành công của nhiệm vụ “Nghiên cứu quy trình sản xuất chế phẩm, định hướng hỗ trợ điều trị tiểu đường từ cây vông nem (Erythrina variegata L.)” đã gợi mở thêm những tiềm năng nghiên cứu mới từ các cây thuốc dân gian. Nếu sản phẩm viên nang TĐ-VN được phát triển rộng rãi và cung cấp tới tay những người bệnh tiểu đường đang có nhu cầu thì sẽ góp phần giảm tối đa chi phí điều trị, an toàn cho sức khỏe và hạn chế được nhiều tác dụng phụ do sử dụng thuốc tây y... Hơn nữa, các dược liệu kết hợp với cây vông nem để bào chế ra chế phẩm TĐ-VN đều là những cây thuốc quý, có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý về rối loạn chuyển hoá và bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng”.
Theo NHẬT MINH/Báo Nhân Dân
Link bài viết gốc