Ngày hội Truyền cảm hứng để phái nữ tham gia STEM và chuyển đổi số
VHO - Ngày 27.2 tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực Phụ nữ (CEPEW) và Liên minh Thúc đẩy Giáo dục STEM (SEPA) tổ chức sự kiện “Ngày hội Truyền cảm hứng nghề nghiệp: Thúc đẩy phái nữ tham gia STEM và Chuyển đổi số”.
Sự kiện được tổ chức nhằm khuyến khích và tạo động lực cho phụ nữ, trẻ em gái và nhóm phụ nữ yếu thế tham gia vào các ngành nghề liên quan đến STEM và chuyển đổi số, đóng góp hiện thực hóa nguyên tắc bình đẳng giới.

Phát biểu tại chương trình, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết: “Với mục tiêu tạo động lực, khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào lĩnh vực STEM và chuyển đổi số, NIC mong muốn sự kiện này không chỉ là một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm mà còn là cơ hội để kết nối, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
“Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cam kết đóng vai trò là cầu nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học và cộng đồng để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, nơi mà mọi cá nhân – bất kể giới tính – đều có cơ hội phát triển và đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội", Phó Giám đốc Đỗ Tiến Thịnh khẳng định.
Theo bà Tống Khánh Linh, Phó Giám đốc CEPEW, hiện nay chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, nơi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, sự tham gia của nữ giới trong STEM và chuyển đổi số vẫn còn nhiều hạn chế.
“Sự kiện hôm nay không chỉ là một diễn đàn để truyền cảm hứng, mà còn là một lời kêu gọi mạnh mẽ nhằm xóa bỏ những rào cản vô hình đối với phụ nữ trong STEM và chuyển đổi số”, bà Linh nhấn mạnh.
Ngày hội Truyền cảm hứng nghề nghiệp: “Thúc đẩy phái nữ tham gia STEM và Chuyển đổi số” đã tạo không gian giao lưu, kết nối và trao đổi với sự tham gia của gần 200 chuyên gia, nhà lãnh đạo, đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các trường phổ thông và các em học sinh, sinh viên, cùng nhau thảo luận về cơ hội và thách thức dành cho phụ nữ và trẻ em gái trong STEM.

Trong khuôn khổ sự kiện, phiên Diễn đàn STEM dành cho phái nữ – Thường niên lần thứ nhất (2025) được tổ chức với sự tham gia của những phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực STEM. Các diễn giả đã chia sẻ về hành trình vượt qua rào cản để khẳng định mình trong ngành, cũng như đưa ra những khuyến nghị quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới trong STEM và chuyển đổi số.
Các diễn giải cho biết, phụ nữ chỉ chiếm 29% lực lượng lao động STEM toàn cầu, trong khi họ có tiềm năng đóng góp to lớn vào ngành này.
Còn tại Việt Nam, theo thống kê năm 2023 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ số nhưng phần lớn họ đảm nhận các công việc có mức lương thấp và ít mang tính kỹ thuật như kiểm lỗi phần mềm, tiếp thị, kinh doanh, hành chính hay quản lý nhân sự.
Vấn đề đặt ra là sự cần thiết của việc xây dựng các mô hình đào tạo và phát triển nhân lực STEM và chuyển đổi số theo từng giai đoạn, từ phổ cập STEM và chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông đến đào tạo chuyên sâu và nâng cao năng lực cho lực lượng lao động.
Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ các đơn vị, địa phương có chính sách tốt nhằm thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái tham gia STEM và chuyển đổi số, tập trung vào nhiều chủ đề quan trọng như: chuỗi giá trị STEM và vai trò của nữ giới trong hệ sinh thái STEM bền vững; kết quả đánh giá mức độ đáp ứng giới của một số chính sách chuyển đổi số tại Việt Nam; định hướng chính sách về chuyển đổi số và cơ hội phát triển dịch vụ số cho phụ nữ, thực tiễn triển khai chiến lược phát triển nhân tài số của Việt Nam - kinh nghiệm từ các hoạt động của NIC.
Tại Chương trình đã diễn ra các hoạt động trải nghiệm thực tế như: triển lãm ảnh, tham quan các ứng dụng công nghệ số, giao lưu với các chuyên gia trong lĩnh vực STEM và chuyển đổi số, mang đến cơ hội để người tham dự có cái nhìn trực quan hơn về những thành tựu công nghệ và tiềm năng phát triển nghề nghiệp trong thời đại số.