Ngày càng nhiều nam giới lên tiếng thúc đẩy bình đẳng giới
VHO - Mới đây, vụ việc Tổng Giám đốc một công ty phát hành sách có hành vi được cho là sàm sỡ, quấy rối nhân viên nữ đã được đưa ra ánh sáng. Rất nhiều công chúng, độc giả, đối tác đã bày tỏ bất bình và đề nghị công ty sách phải xử lý nghiêm hành vi này. Điều đáng mừng là trong số đó có nhiều nam giới đã mạnh mẽ lên tiếng.
Vụ việc chỉ được đưa ra ánh sáng sau khi TS Đặng Hoàng Giang công bố việc chấm dứt hợp tác in sách với công ty PHS này. Nguyên nhân được ông Giang cho hay, Tổng Giám đốc của công ty đã có hành vi được cho là quấy rối tình dục với nhân viên nữ, một người quen của ông.
Ông Giang cũng bày tỏ sự tức giận khi nhân viên nữ này đã báo cáo sự việc với những người lãnh đạo trong công ty nhưng nhận về chỉ là sự im lặng. Ngay sau khi sự việc được thông báo rộng rãi, rất nhiều người đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình. Sau đó, trên Fanpage của công ty, ông Tổng Giám đốc đã đăng lời xin lỗi. Tuy nhiên, điều này lại càng dấy lên sự tức giận vì cho rằng lời xin lỗi là không chân thành, không nhìn nhận vào hành vi sai trái mà đổlỗi cho “cách nhìn nhận của người trong cuộc cũng như cộng đồng”.
Trước những lời kêu gọi tẩy chay đối với các sản phẩm, công ty phải chính thức lên tiếng thừa nhận sự yếu kém trong tiếp nhận thông tin và xử lý vấn đề kịp thời; đồng thời cho biết đã tạm ngừng vị trí công tác của ông Tổng Giám đốc, xác định tính chất, mức độ của vụ việc, sự tổn hại về sức khỏe, tâm lý đối với nạn nhân... để có những xử lý nghiêm minh và đền bù thỏa đáng. Như vậy, nhờ lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng, trong đó có rất nhiều nam giới, sự việc bước đầu đã mang lại công bằng cho nạn nhân.
Một sự việc khác cũng vừa xảy ra tại Hà Tĩnh sau khi xuất hiện clip được lan truyền trên mạng xã hội ghi lại nội dung cô gái bị người đàn ông thẳng tay tát vào mặt khi dừng đèn đỏ. Nguyên nhân mà người đàn ông đưa ra là: Cô gái dừng đèn đỏ đã làm đổxe và va vào cánh cửa ô tô của mình, mặc cho cô gái biện minh rằng “xe máy đổnhưng chưa hề chạm tới ô tô”.
Clip đã được lan truyền chóng mặt, nhiều nam giới bức xúc khẳng định, vụ việc chưa biết đúng sai nhưng việc người đàn ông đánh cô gái là không thể chấp nhận được. Trong khi đó, nhiều người khác cũng nêu ý kiến, kể cả việc xe máy của cô gái va chạm với ô tô thì ông này cũng không có quyền đánh cô. Ngoài ra còn rất nhiều vụ việc khác liên quan đến hành vi quấy rối tình dục, bạo hành phụ nữ được cộng đồng quyết liệt lên tiếng phản đối, đồng thời cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra, xử lý. Như vậy, tư tưởng nam giới “có quyền” thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với phụ nữ đã không còn đất sống, thay vào đó là sự bình đẳng, tôn trọng pháp luật được đề cao.
Tại Hội thảo Tổng kết, đánh giá công tác truyền thông năm 2023 và xây dựng Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 do Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Cơ quan của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổchức ngày 8.5 vừa qua tại Hà Nội, nhiều đại biểu khẳng định, các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ngày càng thu hút sự tham gia tích cực của nam giới và trẻ em trai. Hàng triệu người đã được tiếp cận thông tin, mở ra nhiều cuộc đối thoại về bình đẳng giới và tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường tôn trọng và bình đẳng cho tất cả mọi người, trong gia đình, trường học và nơi làm việc trên khắp Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH nhận định, thành quả của công tác truyền thông nói riêng và nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới những năm qua đã có chuyển biến tích cực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn cần phải quan tâm hơn nữa; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao và có xu hướng gia tăng; công việc nội trợ và chăm sóc gia đình vẫn do phụ nữ đảm nhiệm là chính… “Để giảm thiểu tình trạng này cần sự tham gia, sự chung tay, vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, sự phối hợp, hỗ trợ của các tổchức quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong cả nước”, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH nhấn mạnh.