Mưu sinh nghề thúng chai của ngư dân ven biển Quảng Ngãi

VHO - Chiều xuống là thời điểm ngư dân làng chài ven biển Quảng Ngãi chỉ với chiếc thuyền thúng và vài ba tay lưới bắt đầu cuộc mưu sinh trên biển. Những chiếc thúng chai lần lượt vượt sóng ra khơi đánh bắt.

Mưu sinh nghề thúng chai của ngư dân ven biển Quảng Ngãi - Anh 1

Chiếc thúng chai người bạn đồng hành của ngư dân trong mỗi chuyến lênh đênh trên biển mưu sinh

Với những ngư dân nghèo vùng bãi ngang, chiếc thúng chai không chỉ đem lại nguồn thu nhập mà còn là người bạn đồng hành của ngư dân trong mỗi chuyến lênh đênh trên biển mưu sinh. Chiếc thúng mỏng manh nhưng đầy ắp cá, cua... sau một ngày ra khơi đã trở thành niềm vui và hy vọng của ngư dân nghèo vùng bãi ngang. 

Mưu sinh nghề thúng chai của ngư dân ven biển Quảng Ngãi - Anh 2

Những con cá tươi được bày bán trên bãi biển

Bình minh vừa ló dạng, hàng trăm chiếc thúng máy của ngư dân thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn lần lượt cập bến. Ngư dân Nguyễn Văn Bảy (70 tuổi) ở Sơn Trà đang vội vàng gỡ những con cá còn mắc trong lưới để đem ra chợ bán. Ngư dân Bảy cho biết, làm thúng máy chủ yếu hành nghề lưới túi, lưới cước, lưới ba màng, vì đây là nghề trong lộng, ra khơi khoảng chừng vài hải lý là có thể bủa lưới. Vì vậy, ngư dân ở đây vẫn gọi chung là nghề lưới thúng. Mấy năm trước ngư dân không cần phải đi xa, chỉ cần bơi thúng nửa hải lý là có thể thả lưới. Thế nhưng thủy sản ven bờ cạn kiệt dần, nhất là mấy năm gần đây nhiều công trình xây dựng dọc bờ biển và tàu thuyền cập Cảng Dung Quất ngày một nhiều và việc thả neo, nhổ neo làm nguồn nước đục nên cá, tôm cũng ít đi. Thêm vào đó một số ngư dân dùng thuốc nổ đánh bắt cá, vừa huỷ diệt môi trường, vừa huỷ hoại cả đàn cá con.
“Ở thôn Sơn Trà dường như nhà nào cũng có thúng máy đi biển, mỗi nhà đều có khoảng 7-8 giàn lưới đánh bắt các loại cá khác nhau, mùa cá nào có giàn lưới đó. Như mùa này cá hố, cá bạc má… thì dùng giàn lưới có mắt lưới lớn và dày hơn”, ông Bảy cho hay.

Mưu sinh nghề thúng chai của ngư dân ven biển Quảng Ngãi - Anh 3

Ngư dân sửa soạn lại lưới chuẩn bị cho đánh bắt ban đêm

Ông Bảy nhớ lại, từ năm 12 tuổi ông đã đi khắp các vùng biển của Việt Nam, đến nay hơn 55 năm gắn bó với biển. Năm 2008 ông ra tận Thừa Thiên - Huế bỏ 20 cây vàng mua chiếc tàu có công suất 40 CV, hành nghề lưới vây. Hồi đó ở xã Bình Đông tàu lớn như vậy chỉ đếm đầu ngón tay. Tàu của ông lúc đó hành nghề ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, mỗi lần ra khơi lúc nào cũng trên 10 bạn thuyền. Làm ăn khấm khá, đầu năm 2014 ông tiếp tục bỏ ra gần 500 triệu mua chiếc tàu khác có công suất 74 CV của một ngư dân ở Bạc Liêu. “Hồi đó cá nhiều lắm, nhiều đến nỗi tàu vừa chạy ra khỏi cửa biển đã thấy cá, mỗi chuyến biển tôi đút túi 2 -3 cây vàng là chuyện bình thường”, ông Bảy nói.
Thúng chai đan bằng tre và được quét lớp dầu rái chống thấm nước. Cùng chiếc mái chèo, đèn pin và tấm lưới là dụng cụ không thể thiếu của ngư dân nghề thúng chai. Lão ngư Trần Minh Cảnh cho biết, vì đi thúng nên mọi người ở đây không ai dám ra xa. Nói là ra khơi nhưng những chiếc thúng chỉ đi quanh đảo Lý Sơn, hoặc xa hơn nơi đó 2 - 3 hải lý. Được cái, mỗi ngày đi biển đều có cá, thu nhập không cao bằng nghề đánh bắt xa bờ, nhưng từ 4 giờ chiều đi đến 4 giờ sáng hôm sau cũng có nguồn thu nhập ổn định.
“Hai vợ chồng tôi bám biển mưu sinh. Chuyến đi nào cũng có cá, không nhiều thì ít, mỗi ngày kiếm được vài trăm nghìn đồng, bữa trúng nhiều cá thì dành dụm bù cho bữa ít. Nghề biển là chỗ dựa kinh tế cho gia đình, lo cho con cái học hành”, ông Cảnh bộc bạch.

Mưu sinh nghề thúng chai của ngư dân ven biển Quảng Ngãi - Anh 4

Vợ chồng ngư dân Nguyễn Đại gỡ cá sau chuyến biển đêm

Nghề lưới thúng cũng lắm thăng trầm, ngư dân Nguyễn Đại chia sẻ: “Nghề lưới thúng này phải thức khuya, dậy sớm. Có người cho thúng ra khơi từ buổi chiều, có người ra khơi vào lúc 1 - 2 giờ sáng. Đánh bắt trong đêm, sáng ra thúng nào không đánh bắt được cá cũng về bờ, chiều hôm sau hoặc đêm sau đi tiếp”.
Theo ông Đại, nghề lưới thúng nguy hiểm lắm. Đang lúc trời yên biển lặng thì mình ra khơi thả lưới. Nhưng chỉ lát sau giông gió nổi lên chạy vào không kịp là chuyện thường. Gia đình và cả dân làng trải qua phen hú vía vì lo sợ. Nhưng đấy là chuyện cơm bữa của những ngư dân hành nghề thúng máy nơi đây.
Ngoài ra, sóng lớn và dòng hải lưu gần bờ thỉnh thoảng cuốn trôi cả dàn lưới, thiệt hại có khi lên đến hàng chục triệu đồng. “Nghề biển là nghề làm ăn trên bọt nước, sống - chết ngang nhau. Trời thương thì được no, không thương thì đói. Nếu không may thúng chìm, mất thúng, lưới thì cũng đành chịu vì lúc ấy phải làm sao để lo cho cái thân”, ông Đại tâm sự.

Mưu sinh nghề thúng chai của ngư dân ven biển Quảng Ngãi - Anh 5

Ngư dân hùn tiền lại với nhau để sắm những chiếc ghe nan có gắn máy để ra khơi

Nghề lưới thúng còn có tên gọi khác là nghề lưới cước. Đây là nghề khá phổ biến ở các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi. Trong những năm gần đây, để có điều kiện vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản nhiều ngư dân hùn tiền lại với nhau để sắm những chiếc ghe nan có gắn máy để ra khơi. Mỗi chuyến ra khơi, ghe máy chở từ 2-3 thúng chai, tương đương với 2-3 ngư dân, khi ra đến nơi khai thác thì thả những chiếc thúng chai xuống để các ngư dân hành nghề, đến gần trưa thì đưa thúng trở lại lên ghe để vào bờ. Cách ra khơi này giúp ngư dân vừa tiết kiệm được sức lao động và hiệu quả khai thác cũng cao hơn. 

NHƯ ĐỒNG
 

Ý kiến bạn đọc