Mừng bản quê cách mạng nay đã đổi thay
Tháng Tám này về Mường Quạ, những người dân các bản người Thái, Ðan Lai... nơi đây vẫn luôn tự hào giới thiệu với khách xa về vùng quê giàu truyền thống cách mạng của mình nay đã thật sự "thay da đổi thịt"...
Ði ngót hơn 150 km từ thành phố Vinh về vùng quê nổi tiếng với câu thành ngữ "Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng", thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An trên con đường không còn trắc trở, gập ghềnh. Từ quốc lộ 7 rẽ vào trung tâm xã gần 20 km, con đường đã được trải nhựa phẳng lỳ. Con dốc hiểm có cái tên "Mụ, Ông" rợn người, thót tim cánh tài xế năm nào giờ đã được hạ thấp. Từ bến xe Vinh ngồi xe khách 24 chỗ lên đây mất chưa đầy ba giờ đồng hồ.
Ông Vi Văn Nam, bản Thái Sơn, xã Môn Sơn không quên được câu chuyện ông cha mình kể cho nghe những ngày sống tủi nhục dưới ách cai trị của phìa, tạo, thực dân. Chuyện nghe đến bây giờ ai cũng ứa nước mắt: Gia đình ông Mỗ Quể (ông nội ông Nam) không có ruộng nương, không có nhà ở và không mảnh vải che thân, cả nhà chỉ có một tấm vải thu bố thay nhau. Người trên bờ lấy tấm thu bố che thân đi đào củ mài, củ nâu, lấy củi trong rừng thì người ở nhà, mùa nắng nóng cũng như ngày đông tháng giá phải ngâm mình dưới nước, nấp dưới mảng bè nứa để che thân. Cuộc sống thật là mông muội. Gia đình ông Lô Văn Thiếu cũng chưa quên câu chuyện ngày trước khi chưa có cách mạng, không một thước đất cắm dùi, hễ đặt chân vào rừng phát cây tra hạt, ra vùng đất mới vỡ hoang làm ruộng đều bị xua đuổi vì đây là đất của lý trưởng. Túng bấn, đói khát, đêm đi đặt trộm trúm bắt lươn ở chân ruộng thì bị người nhà lý trưởng bắt được đánh thừa sống, thiếu chết. Cũng như nhiều người dân tộc Thái ở xã Môn Sơn, gia đình ông Nam, ông Thiếu... giờ đã có đất rừng, trâu, bò, có ruộng, có ao, làm được nhà sàn, con cháu được học chữ và thành đạt.
Khắp các đường làng, thôn bản xã Môn Sơn treo cờ đỏ chào mừng ngày cách mạng Tháng 8
Ðến với bà con người dân tộc Ðan Lai tái định cư ở bản Tân Sơn, gia đình nào cũng khang trang, có đường, điện, trường học..., cuộc sống no ấm văn minh. Không còn phải "Theo dấu chân nai bỏ vào hạt lúa/Theo dấu chân cọp cắm vào hạt ngô/Lang thang đầu núi/Bâng khuâng lưng đèo..." như trước đây. Có được như ngày hôm nay chắc họ vẫn chưa quên truyền thuyết xưa cả tộc người phải chạy vào nơi "sơn cùng thủy tận" để trốn khỏi đòn roi của tên "trùm làng" gian ác, bắt họ phải tìm cho được "cái thuyền liền chèo và trăm cây nứa vàng". Gia đình ông La Văn Mày, xưa lạt muối, đói cơm chỉ ăn củ nâu, củ mài... Nhờ cách mạng về giải phóng khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến đã thoát khỏi cuộc sống lầm than, tăm tối.
Tháng 4-1931, Chi bộ Ðảng Môn Sơn được thành lập gồm năm đảng viên, cũng là chi bộ Ðảng đầu tiên ở miền tây Nghệ An được thành lập. Ðây là một dấu son đỏ chói trong lịch sử Ðảng bộ huyện Con Cuông, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc miền tây xứ Nghệ. Sau khi Chi bộ Ðảng ở Môn Sơn ra đời, các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Phụ nữ đoàn, Tự vệ đỏ lần lượt được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Phong trào cách mạng lan rộng trong quần chúng nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cuộc biểu tình của quần chúng cách mạng đêm 9-8-1931 đã biểu lộ tình đoàn kết sắt son của đồng bào Thượng và Kinh trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Tháng 8-1945, từ xã Môn Sơn, chi bộ Ðảng lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền, sau đó kéo ra huyện tham gia giành chính quyền về tay nhân dân. Nói về bước phát triển của xã Môn Sơn, Bí thư Ðảng ủy Vi Văn Nam cho biết: Trải qua 83 năm kể từ khi thành lập, từ chi bộ chỉ có năm đảng viên, đến nay Ðảng bộ xã Môn Sơn đã có 22 chi bộ với hơn 289 đảng viên. Từ vùng sâu, biên giới, sau 79 năm chính quyền về tay nhân dân, bộ mặt nông thôn miền núi đã nhiều thay đổi, khởi sắc. Môn Sơn đã cơ cấu thành công thâm canh ba vụ trên đất hai vụ lúa, áp dụng giống mới, đưa khoa học - công nghệ mới vào sản xuất để năng suất lúa đạt 54-55 tạ/ha, sản lượng lương thực bình quân đạt gần 500 kg/người/năm. Sau gần 30 năm đổi mới, 20 km đường nhựa từ quốc lộ 7 đã nối thông vào Môn Sơn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Pù Mát; đập Pha Lài với tổng kinh phí 26 tỷ đồng đã trị thủy sông Giăng, ngăn nước tưới cho 300 ha lúa, hoa màu, tạo nên khu du lịch lòng hồ hấp dẫn, cuốn hút du khách. Hệ thống trường học, trạm y tế của xã Môn Sơn đã được cao tầng, kiên cố hóa...
Khu tái định cư Đan lai Thạch Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông
Những ngày tháng 8 lịch sử này, về Mường Quạ rộn rã, khắp các bản làng, ngõ xóm, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Tự hào về những thành tích mà bản Thái Sơn đã đạt được, ông Lương Đình Hoa, Phó chủ tịch xã Môn Sơn cho biết: Ngày 5-9-2012, Ðảng bộ và nhân dân xã Môn Sơn vinh dự được đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn công tác của Trung ương đến thăm và làm việc. Tại đây, đồng chí Tổng Bí thư vui mừng ghi nhận những thành tựu, kết quả mà Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Môn Sơn đã đạt được. Ðảng bộ và nhân dân xã Môn Sơn sẽ ghi nhớ và quyết tâm thực hiện tốt lời căn dặn của Tổng Bí thư là mong muốn Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Môn Sơn trong thời gian tới phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống anh hùng cách mạng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương và của địa phương, phấn đấu giảm nghèo, xóa nghèo bền vững, tăng hơn nữa tỷ lệ hộ giàu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quyết tâm xây dựng nông thôn mới.
Phạm Ngân