Mật mía Thạch Thành – Đặc sản xứ Thanh hối hả ngày cận Tết

VHO - Càng những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, những cơ sở sản xuất mật mía trên địa bàn thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trở nên bận rộn, hoạt động không ngừng nghỉ để cho ra lò những mẻ mật sánh mịn, thơm ngon phục vụ bà con gần xa trong dịp Tết.

Mật mía Thạch Thành – Đặc sản xứ Thanh hối hả ngày cận Tết - Anh 1

Mật mía Thạch Thành - đặc sản mang hương vị tết cổ truyền xứ Thanh

Nhắc đến những đặc sản mang hương vị tết cổ truyền xứ Thanh không thể không nhắc đến Mật mía Thạch Thành - nổi tiếng bởi độ ngọt thơm, màu sắc bắt mắt, mật mía Thạch Thành của tỉnh Thanh Hóa được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, thời gian đầu tháng Chạp đến gần Tết Nguyên đán cũng là lúc các lái buôn từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến mua mật phục vụ cho nhu cầu của người dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Có mặt tại "thủ phủ" mật mía Kim Tân, huyện Thạch Thành những ngày cuối năm, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh người làm mật tất bật chuẩn bị hàng cho dịp Tết Giáp thìn đang đến gần. Không chỉ bận rộn, các lò nấu mật mía còn phải chạy đua với thời gian để cho ra lò sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Mật mía Thạch Thành – Đặc sản xứ Thanh hối hả ngày cận Tết - Anh 2

Những ngày cận Tết Nguyên đán tại làng mật mía Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành luôn trong không khí nhộn nhịp

Anh Đỗ Văn Dương (thôn Lâm Thành, Thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành) - là người gắn bó với nghề làm mật mía hơn 30 năm nay, chia sẻ: “Để làm ra một mẻ mật ngon thì cần chọn được mía đủ tiêu chuẩn. Quy trình nấu đòi hỏi tuân thủ chặt chẽ. Mật nấu xong thì phải trong vắt, không có cặn, sánh mịn và đặc biệt mật ngon thì để lâu không bị chua, vẫn giữ nguyên màu”.

Những cây mía ngọt lịm được trồng trên đất đỏ bazan là nguyên liệu chính để tạo ra mật mía. Quy trình làm mật mía phải trải qua 4 bước: Ép mía, đưa nước mía vào bể lắng, nấu mật và lọc lại.  Nấu mật là công đoạn công phu, phức tạp và mất thời gian nhất. Người dân ở đây còn gọi công đoạn này là cô mật. Khi cô mật phải chú ý vớt bọt liên tục và đều tay để mật trong, ko lẫn tạp chất và tránh cho màu mật bị xấu. Khi nấu phải giữ lửa cháy đều, mức nhiệt vừa phải, không được to cũng không được nhỏ quá.

Mật mía Thạch Thành – Đặc sản xứ Thanh hối hả ngày cận Tết - Anh 3

Do nhu cầu mật mía nhiều, nên các lò nấu mật tại đây luôn trong tình trạng đỏ lửa ngày đêm

Vụ nấu mật mía thường bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch hằng năm. Vào giáp Tết, nhu cầu mua mật của người dân tăng cao, hầu như các hộ sản xuất đều phải tất bật làm việc từ 3-4h sáng đến 9-10h đêm, công suất vì thế cũng nhiều hơn. Hằng ngày, mỗi lò sản xuất được khoảng 1 tấn mật. Để làm ra một mẻ mật mía, đến tay người dùng, rồi xuất hiện trên mâm cơm của gia đình là cả một quá trình, là thành quả của những bàn tay khéo léo tạo ra một thứ nguyên liệu đặc sánh, thơm ngon thấm đậm hương vị Tết cổ truyền. “Vào thời gian cao điểm này gia đình tôi phải thuê thêm từ 4-5 người làm với tiền lương 250.000 đồng/ngày mới kịp các đơn hàng cho khách đặt. Vất vả là thế nhưng niềm vui mang lại cũng rất lớn, đó là mật cứ nấu xong đến đâu là có xe đến bốc đi lúc đó”, anh Dương cho biết.

Mật mía Thạch Thành – Đặc sản xứ Thanh hối hả ngày cận Tết - Anh 4

Mật mía sau nhiều giờ đồng hồ đun nấu, mật mía có màu nâu sẫm, đậm đặc và thơm phức

Mật mía Thạch Thành từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng của xứ Thanh với hương vị thơm ngon, hấp dẫn, màu sắc đẹp. Bánh chưng chấm mật được xem là món ăn không thể thiếu trong ngày tết của người dân xứ Thanh. Bởi vậy mà với những người con ở xa, không thể về quê ăn tết thì mật mía Thạch Thành là món quà ý nghĩa, để vơi bớt nỗi nhớ và lại được thưởng thức hương vị quê nhà. Chị Nguyễn Thu Hiền, một người con xứ Thanh xa quê, hiện sinh sống, làm việc tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: Mặc dù đã định cư tại Đồng Nai nhưng năm nào, tôi và những người bạn đồng hương cũng liên hệ đặt mua mật mía Thạch Thành để ăn tết. Hương vị ngọt ngào của mật mía không chỉ là món ngon mang đậm hương vị của quê nhà; bánh chưng chấm mật, mà còn là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn như chè, bánh nhè, bánh mật, chè lam, kho cá, kho thịt... Đây là những món đặc sản mà gia đình tôi dành để giới thiệu, đãi khách phương Nam.

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, nghề truyền thống làm mật đã mang lại lợi nhuận rất cao cho bà con ở đây. Tại thị trấn Kim Tân hiện có trên 20 lò đường mật, dự kiến vụ Tết 2024 này sẽ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên dưới 200 tấn mật, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng. Hiện mật mía Thạch Thành đang ngày càng phổ biến tại các vùng, miền trong cả nước. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mật mía theo các chuyến xe tới các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh miền Trung, miền Nam nơi đang có đông con em Thanh Hóa đang sinh sống, làm việc. 

Được biết, toàn huyện Thạch Thành hiện có trên 50 hộ sản xuất mật mía, sản lượng hàng năm giao động từ 1.000-1.200 tấn. Xác định đây là nghề truyền thống và có hiệu quả kinh tế cao nên huyện Thạch Thành đang có định hướng xây dựng mật mía trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu tập thể cho mật mía Thạch Thành... có như vậy, sản phẩm mật mía Thạch Thành mới có sự phát triển bền vững và giữ mãi được uy tín chất lượng vốn có của mình.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc