Lớp học đặc biệt của bà giáo già
VHO - Khi trò chuyện, trải lòng về cuộc đời mình, cô giáo Cúc rất kiệm lời và không muốn nói nhiều về những việc mình đã làm. Cô bảo rằng, nghề giáo là niềm yêu thích và cô đã lựa chọn theo sự mách bảo của con tim. Động lực cháy bỏng duy nhất của bà giáo là làm sao để những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, những mảnh đời cơ cực có cơ hội học chữ.
Đã 10 năm qua, cô giáo về hưu Trương Thị Thu Cúc (71 tuổi), xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) gắn bó với lớp học tình thương với đầy tình yêu thương. Cô Cúc cho biết, vào buổi chiều thứ 4 và thứ 7 hàng tuần, lớp học trong Trung tâm học tập đồng xã Hành Minh lại vang lên tiếng giảng bài cũng như tiếng ríu rít trả bài và cười vui của các em nhỏ.
“Lớp học có 10 học sinh ở các độ tuổi khác nhau, từ 7-15 tuổi ngồi ngay ngắn trong lớp. Mỗi em có một hoàn cảnh riêng, em thì động kinh, em tăng động, down, trí não kém, tự kỷ… Nhưng tất cả đều là con em nhà nghèo, điều kiện kinh tế rất khó khăn”, cô Cúc cho hay.
Gắn bó với giáo dục gần cả cuộc đời, kinh qua các vị trí từ giáo viên đến cán bộ quản lý, đến khi lớn tuổi về hưu, cô Cúc vẫn canh cánh với những học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt. “Qua điều tra phổ cập, tôi thấy ở địa phương mình có nhiều trẻ em kém may mắn, trí tuệ chậm phát triển... đã hòa nhập với môi trường giáo dục phổ thông nhưng lại không theo kịp bạn bè cùng trang lứa, có đứa đã gần trưởng thành mà vẫn chưa biết chữ. Từ đó, tôi nảy ra ý định mở lớp học tình thương này và xin phép các cơ quan chức năng để thực hiện”, cô Cúc cho biết.
Mỗi năm, cô Cúc đều vận động các mạnh thường quân hỗ trợ dụng cụ học tập, tặng quần áo, xe đạp cho các em có hoàn cảnh khó khăn... Có những lần bà còn trích tiền túi của mình để giúp các em có đầy đủ bút vở để học. “Nếu vì chút khó khăn mà bỏ lớp, thì bất hạnh cho bọn trẻ quá. Chúng đã không được như những bạn bè cùng trang lứa khác, nay lại không được cắp sách đến trường thì thương lắm. Tụi nhỏ đến lớp, tôi không chỉ dạy chữ mà còn dạy cả cách sống, lao động, để các em tự làm, phụ giúp cha mẹ được phần nào hay phần đó”, cô Cúc bộc bạch.
Khó khăn là thế, nhưng cô Cúc vẫn không giấu được niềm vui khi chia sẻ về những tiến bộ của các em nhỏ. Học sinh cứ đến rồi lại đi, em nào học tốt sẽ chuyển đến các Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật để học nghề, tiếp cận với môi trường mới. Giờ tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có con em “đặc biệt” đều gửi gắm một tay cô giáo Cúc dạy dỗ. Chính quyền và ngành giáo dục cũng quan tâm nhiều hơn. Lớp học tình thương của cô Cúc đã được sửa sang lại, có bảng đen mới, bàn ghế cũng vững chắc hơn.
Mỗi ngày đến lớp, cô giáo Cúc sẽ điểm danh để đảm bảo không có em nào vắng mặt không lý do. Hôm thì tập viết, hôm thì học làm phép tính, bà giáo luôn kèm cặp riêng từng em từ việc cơ bản nhất là đánh vần đến việc thực hiện những phép tính đơn giản.
Chị Chế Thị Thu Thủy (42 tuổi) mẹ của bé Trần Ngọc Diễm chia sẻ, con của chị chào đời xinh xắn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến năm Diễm vào lớp 1, chị Thủy mới phát hiện ra con mình thực sự có vấn đề đáng ngại. Năm nay Diễm đã 13 tuổi, nghĩa là cô Cúc đã kèm cặp, dìu dắt con suốt 6 năm qua, từ lớp 2 tới giờ. Từ ngày được cô dìu dắt, chỉ dạy từng con chữ, phép tính, con đã tiến bộ rõ ràng. Đọc viết thành thạo, môn Toán tuy có chậm hơn nhưng đã khá hơn trước rất nhiều.
“Con học rất chậm và tiếp thu rất kém, không biết đọc, không biết viết. Tôi đã tìm giáo viên bên ngoài gửi cháu học thêm nhưng ai cũng lắc đầu, không dám nhận. Nhờ có cô Cúc mà giờ con đã tiến bộ rất nhiều”, chị Thủy xúc động nói.
Hành trình 10 năm với gần 40 em học sinh đã được kèm cặp, hướng dẫn, cô Cúc nhớ nhất là trường hợp của Ngô Hữu Phát. Phát là trẻ bị mắc hội chứng Down, cha mẹ đi làm ăn xa và giao em cho ông bà ở quê nuôi dưỡng. Không quản được đứa trẻ lỳ lợm, ngỗ ngược, người nhà thường xuyên bị nhốt bên ngoài.
Khi biết về trường hợp của Phát, cô Cúc tìm đến tận nhà để xin cho em tới lớp học. Cô cũng là người chở Phát tới lớp và chở về nhà sau mỗi buổi học. Ngày đầu tới lớp, Phát đánh bạn, dùng đá ném vỡ kính, thậm chí đi vệ sinh ngay trong lớp. Nhưng rồi dần dà, em ấy thay đổi, có kẹo cùng chia cho các bạn và rất thích đến lớp.
Sau 4 năm học tại lớp, Phát đã hoàn toàn khác so với trước kia. Bây giờ em ấy đã lớn, vào TP Hồ Chí Minh sinh sống cùng cha mẹ và hòa nhập được với cuộc sống. Tết năm nào Phát cũng về và đến thăm cô Cúc.
Trong hành trình giúp đỡ trẻ em thiếu may mắn, cô Cúc luôn trăn trở việc tìm kiếm, vận động những người chung chí hướng cùng ra đứng lớp, nhất là những thầy cô giáo đã về hưu, cùng sinh hoạt trong hội Cựu giáo chức của xã. Ngoài cô Cúc, hiện lớp học tình thương còn có 2 cô giáo khác đã nghỉ hưu thường xuyên giảng dạy, kèm cặp các em. Cô Cúc cũng đặt nhiều kỳ vọng, càng về sau sẽ càng có nhiều giáo viên tình nguyện tham gia.
Cô Nguyễn Thị Hương (56 tuổi), cựu giáo viên trường Tiểu học Hành Minh chia sẻ: “Tôi mới về hưu, muốn góp sức vào hỗ trợ trẻ em khuyết tật nên tham gia lớp học tình thương. Ở đây mỗi cháu là một dạng tật, một hoàn cảnh. Để các cháu ham học và muốn đến lớp thì mình phải dùng hết tâm sức, phải vừa là bạn, vừa là mẹ, vừa là cô giáo để dạy các cháu viết chữ, làm toán và một số kỹ năng sống cần thiết để các cháu hòa nhập với cuộc sống”.
Phó Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Nghĩa Hành Phan Thị Ánh Lệ cho biết: “Chúng tôi đã hướng dẫn các trường học quan tâm nhiều hơn đến trẻ em khuyết tật. Tuy nhiên, tại các cơ sở giáo dục, giáo viên ít có điều kiện sâu sát, hỗ trợ các em. Do đó lớp học tình thương, dạy học miễn phí tại xã Hành Minhđã giúp các em tiếp cận kiến thức một cách tốt nhất. Các cô đã giành rất nhiều tình thương và thời gian để giúp trẻ khuyết tật tiến bộ, hòa nhập với cuộc sống. Phòng cũng luôn chia sẻ và động viên cô Cúc cùng các cô giáo để lớp học được duy trì và phát huy hiệu quả”.