Lấn chiếm vỉa hè là... chuyện nhỏ

VHO - Có cảm giác, nhiều người, nhất là chính quyền sở tại, vẫn đang có suy nghĩ rằng việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ, góp phần làm nên cảnh quan đô thị văn minh là chuyện nhỏ, chưa đến mức “cháy nhà, chết người”, nên khi ra quân thì cực kỳ rầm rộ, nhưng càng về sau lại càng tóp teo, èo uột, “ném đá ao bèo”. Thực tế này được dư luận, báo chí cập nhật liên tục với nhiều phóng sự, phản ánh muôn hình vạn trạng góc độ khác nhau, thế nhưng vẫn chưa thể lay động được quyết tâm của chính quyền, cơ quan chức năng Hà Nội.

Vì lẽ đó, cứ như thể “chưa hề” có cuộc ra quân giành lại vỉa hè mà Hà Nội đã tổ chức cách đây đã một năm một tháng.

Nguyên nhân nào dẫn đến “cam go như cuộc chiến giành lại vỉa hè” ở Thủ đô nói riêng và nhiều thành phố lớn khác nói chung? Đã có nhiều chuyên gia, nhà quản lý lên tiếng, có nơi thì làm nghiêm, có chỗ thì hời hợt; quy hoạch hạ tầng giao thông chưa tính đến xây dựng những hàng cây, bồn hoa để ngăn chặn lấn chiếm vỉa hè. Thậm chí, có người nói thẳng, đang có tình trạng “bảo kê” vỉa hè. Soi chiếu những nguyên nhân này vào thực tế thì thấy cái nào cũng đúng, nhưng dư luận vẫn cứ trăn trở: Đã “chỉ mặt đặt tên”, đã ra quân bừng bừng khí thế, mà sao vỉa hè mãi chẳng thấy đâu? Nhẽ nào vẫn còn “ẩn số” đang lẩn khuất ở đâu đây, chưa thực sự lộ diện?!

Lấy ví dụ tại một con phố nhỏ ở Hà Nội. Cách đây một năm, lực lượng liên ngành gồm giao thông công chính, công an, đội trật tự, hội phụ nữ, mặt trận TQ đã đến từng ngõ, gõ từng nhà để phổ biến, tuyên truyền, kẻ vạch, quét sơn với yêu cầu không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, họp chợ. Tiếp đó, lực lượng chức năng làm gắt hơn bằng cách xuống đường, bắt, phạt... Trong hơn một tuần, con phố nhỏ ngập tràn rau cỏ, thực phẩm, tạp hóa, hàng ăn hàng uống đã “thay máu” thành nơi văn minh, sạch sẽ, gọn gàng, quang đãng. Ai cũng mong nó giữ mãi hình ảnh như thế. Nhưng thật buồn, chỉ qua tuần thứ ba, tiểu thương đã lại thập thò mẹt rau, sạp quả như chơi trò “cút bắt”. Nhác thấy bóng công an, trật tự cầm gậy đến là bà con cắp mẹt chạy thoát thân. Có một chị kia bóng gió “muốn ngồi được ở đây là phải có phí”, nhưng phí đóng cho ai, bao nhiêu, thì chị chỉ cười tủm, chả nói chả rằng...

Kể ra ví dụ trên để thấy rằng, đó chính là thực tế nhãn tiền cứ lặp đi lặp lại, lặp tái lặp hồi… chưa biết bao giờ mới chấm dứt trên các tuyến phố ở Hà Nội. Điều này không ai là không biết, bởi nó đập thẳng vào nhãn quan giữa thanh thiên bạch nhật chả thèm ẩn khuất làm gì. Vậy mà, xử lý thật khó lắm thay!

Có lẽ đã đến lúc Hà Nội cần tổng kết một năm ngày xuất quân giành lại vỉa hè, trong đó nêu ra cái được và những tồn tại, nguyên nhân thành công và thất bại không như mong muốn. Nhưng quan trọng nhất là phải trả lời được câu hỏi: Vì sao chỗ này làm được, chỗ kia lại không? Kiên trì tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở để người dân tuân thủ thực hiện là đúng, là cần thiết, nhưng nếu không song hành áp dụng những chế tài xử phạt thật nghiêm thì cũng chỉ là “đánh trống bỏ dùi” mà thôi. Chỉ có cách làm thật, làm đúng, quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu… mới hy vọng “vỉa hè là của người đi bộ”. 

LÂM SƠN

 

Ý kiến bạn đọc