Làm sách giáo khoa phải tuân thủ quy trình chặt chẽ

HOÀNG HƯƠNG

VHO - Sách giáo khoa (SGK) là xuất bản phẩm cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trước khi được phát hành khắp cả nước, SGK phải trải qua quy trình biên soạn, chỉnh sửa, hoàn thiện khắt khe.

Làm sách giáo khoa phải tuân thủ quy trình chặt chẽ - ảnh 1
Phụ huynh mua SGK của Nxb Giáo dục Việt Nam cho con chuẩn bị năm học mới.Ảnh: B.LÂM

Sách giáo khoa (SGK) là xuất bản phẩm cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trước khi được phát hành khắp cả nước, SGK phải trải qua quy trình biên soạn, chỉnh sửa, hoàn thiện khắt khe.

 Là đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản, in và phát hành SGK trong nhiều năm, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, quy trình biên soạn sách giáo khoa rất chặt chẽ, phải qua tám bước. Trước tiên, nhà xuất bản (Nxb) phải thành lập Nhóm làm sách (NLS) gồm Tổng Chủ biên (TCB), Chủ biên (CB), Tác giả (TG), Trưởng ban Biên tập (TBBT), Biên tập viên (BTV), Họa sĩ - Thiết kế (HS-TK). Khi cần thiết, có sự tham gia của Giám đốc (GĐ) hoặc Phó Giám đốc nội dung (PGĐ) của Công ty, Phó Tổng biên tập phụ trách môn học (PTBT),…

Để chuẩn bị cho việc làm sách, các thành phần tham gia làm SGK nghiên cứu Chương trình Giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT ban hành. Để đảm bảo đúng yêu cầu về nội dung, hình thức của SGK, Nxb Giáo dục Việt Nam tổ chức các đợt tập huấn, hội nghị, hội thảo, mời chuyên gia trong và ngoài nước giới thiệu mô hình cấu trúc và kinh nghiệm tổ chức làm SGK của nước ngoài cho các thành phần làm SGK. Đồng thời, Nxb cũng cung cấp tư liệu phục vụ biên soạn SGK cho TG. Trên cơ sở đó, NLS nghiên cứu, xây dựng mô hình cấu trúc SGK. Khi xây dựng đề cương chi tiết, TCB, CB và TG phải bám sát chương trình môn học; đảm bảo tính nhất quán, xuyên suốt và nêu rõ mức độ yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình.

Sau khi đề cương chi tiết hoàn thiện và được duyệt, NLS tiến hành biên soạn bài mẫu và lập kế hoạch dạy thử nghiệm. Sau khi dạy thử nghiệm và hoàn thiện bài mẫu, NLS tiến hành bước quan trọng là biên soạn, biên tập, thiết kế, chế bản và minh họa, hình thành bản thảo gốc. Bản thảo này sẽ trải qua quy trình thẩm định nội bộ. Bản thảo thẩm định nội bộ được in dưới dạng sách và được gọi là bản mẫu SGK. Sau khi bản thảo mẫu được hoàn thiện, Nxb chuẩn bị bản mẫu SGK và hồ sơ thẩm định quốc gia để trình Hội đồng quốc gia thẩm định. Hội đồng quốc gia sẽ thẩm định sách giáo khoa theo từng vòng. Các tác giả phối hợp với biên tập viên, họa sĩ chỉnh sửa, hoàn thiện sau thẩm định rồi in thử SGK để tập huấn giáo viên và gửi đọc góp ý của các Sở GD&ĐT, Viện nghiên cứu, nhà khoa học... Bộ sách hoàn thiện sau bước này sẽ được trình Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thông qua và trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Khi lãnh đạo Bộ GD&ĐT duyệt và ký ban hành chính thức SGK, Nxb Giáo dục Việt Nam sẽ nhận nhiệm vụ và tiến hành khâu cuối cùng trong quy trình là in, phát hành. Theo quy trình, sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành, SGK không được chỉnh sửa nội dung nếu không được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Bất kỳ chỉnh sửa nội dung nào đều phải thông qua Hội đồng quốc gia thẩm định SGK xem xét và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định. Nxb không được quyền tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm nội dung của SGK. Thầy Nguyễn Cao Cường, tác giả SGK toán THCS với bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nxb Giáo dục Việt Nam, nhận xét, sau 6 năm thực hiện, từ 2018 tới nay, bộ SGK đã hoàn thành với khối lượng công việc đồ sộ. Để hoàn thành SGK môn Toán cho một lớp, lãnh đạo Nxb, ban biên tập và nhóm TG đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình thực hiện với trách nhiệm rất cao.

Chia sẻ về quá trình tham gia làm SGK, thầy Cường cho biết, trước khi thực hiện viết, Nxb đã có sự chuẩn bị công phu thông qua các hội thảo và lĩnh hội nhiều ý kiến từ các chuyên gia, cung cấp tới các nhóm tác giả những bộ sách của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Đức, Singapore,… Từ yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT 2018 môn Toán, nhóm TG phải thực hiện sự cụ thể hóa tới từng lớp, từng chương, từng bài. Cấu trúc SGK được nghiên cứu bài bản, cụ thể và tìm phương pháp tiếp cận để “giáo viên dễ dạy - học sinh dễ học” và xuyên suốt quan điểm “kết nối tri thức với cuộc sống” theo “khoa học, chuẩn mực, hiện đại”. Việc thực hiện cấu trúc SGK, cấu trúc từng chương, bài được thảo luận rất kỹ qua nhiều lần để thống nhất trước khi thực hiện. Nhóm tác giả được phân công cụ thể trách nhiệm từng lĩnh vực để viết bản thảo. Các bản thảo được phản biện kỹ lưỡng dưới sự điều hành chung của các Chủ biên. Sau đó việc phản biện thực hiện tiếp trên cơ sở góp ý nội bộ và xin ý kiến chuyên gia. Bản thảo sau khi được thống nhất chỉnh sửa nội bộ sẽ sẵn sàng cho các vòng thẩm định quốc gia.

Có thể nói rằng, Hội đồng thẩm định quốc gia rất tận tụy, trách nhiệm và tận tâm. Sau vòng thẩm định quốc gia thứ nhất, bản thảo được gửi lại cho nhóm tác giả. Nxb tổ chức các trại sửa bản thảo. Tại đây, các TG tập trung cao độ, tách biệt với cuộc sống gia đình, công việc cá nhân để dồn sức cho việc chỉnh sửa, hoàn thiện. Tiếp đến là vòng thẩm định quốc gia thứ hai. Có thể nói đây là vòng thẩm định có tính quyết định SGK có đạt yêu cầu hay không. SGK phải đạt yêu cầu của Hội đồng thẩm định. Tác giả SGK nhận thấy những góp ý, nhận xét rất chất lượng, trách nhiệm cao. Việc góp ý của giáo viên toàn quốc cũng là một kênh rất quan trọng. Bản thảo được gửi tới giáo viên và công khai để nhiều người cùng đọc và góp ý. NXB chuyển tới nhóm TG những góp ý của giáo viên, cán bộ quản lý các tỉnh, thành. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đọc và quyết định sửa hay bảo lưu.

Theo thầy Cường, để SGK môn Toán THCS, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nói riêng và các bộ SGK nói chung, tới được với thầy cô giáo và các em học sinh, việc làm sách đã trải qua quy trình nghiêm ngặt và các yêu cầu của việc xuất bản, các quy định của Bộ GD&ĐT. Trong quá trình giảng dạy, khi có những góp ý của giáo viên, nhóm tác giả tiếp tục có những bổ sung, điều chỉnh để SGK ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc