Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không lãi nhờ sách giáo khoa

KIM LIÊN - ĐẶNG XÁ

VHO - Với mức lãi tăng vọt so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024, NXB Giáo dục Việt Nam đã tạo nên kỷ lục mới và xô đổ kỷ lục của nửa đầu năm ngoái. Mức lợi nhuận này thậm chí vượt qua mức lãi của nhiều năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận này không đến từ in sách giáo khoa, như dư luận vẫn lầm tưởng.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không lãi nhờ sách giáo khoa - ảnh 1
NXBGDVN đạt lợi nhuận gần 400 tỉ trước thuế

Lãi trước thuế gần 400 tỉ đồng

Theo báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính, Công ty TNHH Một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam đã công bố một số chỉ tiêu thuộc báo cáo tài chính riêng giữa niên độ 2024 chưa được kiểm toán.

Nửa đầu năm nay, nhà xuất bản đạt 2.224,4 tỉ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng mạnh 35,5% so với cùng kỳ. Giá vốn cũng tăng tới 43,2% lên mức 1.679,6 tỉ đồng. Theo đó, lãi gộp trong kỳ đạt 544,8 tỉ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm từ mức 28,6% còn 24,5%.

Doanh thu hoạt động tài chính mang về 44,6 tỉ đồng. Chi phí tài chính giảm gần 50% so với cùng kỳ, còn 11,7 tỉ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay ở mức 11,4 tỉ đồng, bằng 58,8% cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng tăng 18% lên 93,6 tỉ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 3% còn 91,6 tỉ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm ghi nhận 392,5 tỉ đồng, tăng 23,6%.

Trong 6 tháng, NXB Giáo dục Việt Nam báo lãi trước thuế 393,3 tỉ đồng và lãi sau thuế 354,8 tỉ đồng, lần lượt tăng 23,9% và 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy bình quân mỗi ngày trong nửa đầu năm nay, NXB Giáo dục Việt Nam lãi trước thuế gần 2,2 tỉ đồng.

Tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) cải thiện mạnh từ 34,64% của cùng kỳ lên 76,3% trong nửa đầu năm nay. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản cũng tăng từ mức 10% lên 14,4%.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm từ 1,34 lần xuống còn 0,85 lần; đồng thời khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tăng từ 1,37 lần lên 1,65 lần.

Với mức lãi tăng vọt so với cùng kỳ, NXB Giáo dục Việt Nam đã tạo nên kỷ lục mới và xô đổ kỷ lục của nửa đầu năm 2023. Mức lợi nhuận này thậm chí vượt qua mức lãi của nhiều năm trước đó.

Do đặc thù kinh doanh, phần lớn doanh thu và lợi nhuận của NXB Giáo dục Việt Nam được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không lãi nhờ sách giáo khoa - ảnh 2
NXBGDVN xuất bản hơn 300 triệu cuốn sách, chiếm 60% tổng lượng sách toàn quốc

Giảm nhẹ lãi trong năm 2023

Theo báo cáo tài chính riêng năm 2023 của NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị này xuất bản hơn 300 triệu cuốn sách, chiếm khoảng 60% tổng lượng sách trên toàn quốc.

Nhờ đó, nhà xuất bản này ghi nhận 2.716,1 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 13,8% so với năm trước. Với giá vốn tăng 17,9%, nhà xuất bản này ghi nhận mức lợi nhuận gộp trong năm là 775 tỉ đồng, tăng 4,7% so với năm 2022. NXB Giáo dục Việt Nam cũng ghi nhận biên lợi nhuận gộp là 28,5%, sụt giảm so với mức 31% của năm 2022.

Doanh thu tài chính giảm nhẹ, trong khi chi phí tài chính tăng 46% lên gần 56 tỉ đồng, chủ yếu là lãi vay. Nhà xuất bản Giáo dục có hơn 51 tỉ đồng vay và nợ thuê tài chính. Tuy nhiên, công ty không cung cấp phần thuyết minh để cho biết ai là chủ nợ.

Năm 2023, doanh thu hoạt động tài chính của NXB Giáo dục Việt Nam giảm nhẹ còn 49,7 tỉ đồng. Năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính của công ty đạt 50,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng từ mức 38,2 tỉ đồng lên 55,7 tỉ đồng. Chi phí lãi vay tăng từ 33,3 tỉ đồng năm 2022 lên 40,7 tỉ đồng trong năm 2023.

Chi phí bán hàng năm ngoái của công ty cũng tăng 51%, lên gần 215 tỉ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm còn 234,1 tỉ đồng, bằng 97,5% so với năm trước. Thế nhưng, chi phí bán hàng của công ty lại tăng mạnh. Trong năm ngoái, chi phí bán hàng của NXB Giáo dục Việt Nam lên tới 215 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi năm 2022.

Kết thúc năm 2023, Nhà xuất bản Giáo dục có hơn 344 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương mỗi ngày lãi trên 942 triệu đồng. 

Các yếu tố trên đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của nhà xuất bản bị sụt giảm 13,7% còn 320 tỉ đồng. Nhờ xuất hiện thêm khoản lợi nhuận khác 24,2 tỉ đồng nên tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của NXB Giáo dục Việt Nam ghi nhận mức 344,2 tỉ đồng, bằng 92,4% năm 2022.

Như vậy, trong năm 2023, NXB Giáo dục Việt Nam báo lãi sau thuế 309,3 tỉ đồng, bằng 93,4% năm 2022.

Tại ngày 31.12.2023, công ty có 1.286,6 tỉ đồng tổng tài sản, tăng 17,5 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn là 801,5 tỉ đồng và tài sản ngắn hạn là 485,2 tỉ đồng. Giá trị hàng tồn kho vào cuối năm ngoái là 218,6 tỉ đồng, tăng gần 85 tỉ đồng sau một năm.

Nợ phải trả tại cùng thời điểm nói trên là 307,6 tỉ đồng, giảm 9,3 tỉ đồng so với đầu năm 2023. Trong đó, nợ ngắn hạn xấp xỉ 181 tỉ đồng, nợ dài hạn là 126,7 tỉ đồng.

Theo ghi nhận tại báo cáo tài chính năm 2023, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) năm ngoái của công ty đạt 36,1%, giảm so với mức 43,19% của năm 2022. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) cũng giảm từ 26,1% xuống còn 24%.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không lãi nhờ sách giáo khoa - ảnh 3
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc NXBGDVN

Lợi nhuận không từ sách giáo khoa

Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thanh, đã lên tiếng làm rõ những hiểu lầm xoay quanh lợi nhuận từ việc xuất bản sách giáo khoa. Ông Thanh nhấn mạnh rằng, mặc dù dư luận cho rằng nhà xuất bản thu lợi nhuận khổng lồ từ việc in sách giáo khoa, nhưng thực tế lại không phải vậy. “Lợi nhuận 300 tỉ đồng mỗi năm mà Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đạt được chủ yếu đến từ các dòng sách khác, chứ không phải từ sách giáo khoa,” ông Thanh khẳng định.

Theo ông Thanh, kể từ khi Nghị quyết 88 của Quốc hội được thông qua vào năm 2014, việc xuất bản sách giáo khoa đã thay đổi hoàn toàn. Sách giáo khoa không còn là lĩnh vực độc quyền của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam mà đã mở ra cho nhiều nhà xuất bản khác. Quá trình sản xuất sách giáo khoa hiện tại không chỉ phức tạp mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt lộ trình đổi mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. “Để thực hiện một bộ sách giáo khoa, nhà xuất bản phải đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, đó là một công trình đầy công phu,” ông cho biết.

Quy trình sản xuất sách giáo khoa phải trải qua 8 bước chính: từ việc xây dựng nhóm tác giả, đến lập mô hình và đề cương chi tiết, biên soạn bài mẫu và dạy thử nghiệm. Sau đó là giai đoạn biên soạn bản thảo thô, lấy ý kiến từ chuyên gia, biên tập và thiết kế, thẩm định nội bộ, rồi thẩm định quốc gia hai vòng. Cuối cùng là các bước giới thiệu sách, tập huấn giáo viên và cung ứng sách.

Ông Thanh cũng chỉ ra rằng, trong cấu thành giá sách giáo khoa, có nhiều chi phí khác phải tính đến. “Lợi nhuận từ sách giáo khoa hầu như không có,” ông nói, “Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam thực sự kiếm lãi từ các dòng sách bổ trợ và tham khảo.”

Thêm vào đó, ông Thanh cũng giải thích về hiểu lầm khác trong dư luận rằng khoản lợi nhuận đó được chia cho nhân viên dưới dạng lương thưởng. Thực tế, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam vẫn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và toàn bộ lợi nhuận được nộp vào ngân sách nhà nước.

Ông Thanh bày tỏ: “Chúng tôi là một doanh nghiệp nhà nước, có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội và đóng góp cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, dư luận thường hiểu sai rằng chúng tôi thay đổi sách giáo khoa để thu lợi từ việc in ấn, điều này hoàn toàn không đúng.”

 

Công ty TNHH Một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam, tiền thân là Nhà xuất bản Giáo dục, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, được thành lập ngày 1.6.1957.

Công ty có vốn điều lệ 596 tỉ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%. Đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt gần 1.287 tỉ đồng.

Đơn vị này có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in, phát hành sách giáo khoa và các ấn phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học trên toàn quốc.

NXB Giáo dục Việt Nam hiện có hai bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được sử dụng tại các cấp học là Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo.