Ký ức hào hùng của một Thiếu tướng, cựu chiến binh trong chiến dịch lịch sử
VHO - Thiếu tướng – cựu chiến binh Nguyễn Nhật Kỷ (sinh năm 1953, quê xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đã xúc động chia sẻ lại chặng đường chiến đấu oanh liệt của mình tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức mới đây.

Thiếu tướng Nguyễn Nhật Kỷ cho biết, ông nhập ngũ năm 1971, từ phong trào thanh niên, học sinh xung phong. Giai đoạn 1972–1974, ông tham gia nhiều chiến dịch lớn ở Kon Tum, Quảng Ngãi và từng bị thương khi đang chiến đấu.
Trong Chiến dịch mùa Xuân 1975, ông giữ vai trò Chính trị viên Đại đội Bộ binh 2, Tiểu đoàn 7, Lữ đoàn 52, Quân khu 5 – một trong những đơn vị mũi nhọn trong các đợt tiến công ác liệt. “Chiến dịch mùa Xuân 1975, thực sự là đỉnh cao của sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy!”, Thiếu tướng Nguyễn Nhật Kỷ khẳng định.
Ông kể: Đầu năm 1975, Lữ đoàn 52 từ khu chiến Tây Nam Quảng Ngãi, chỉ để lại một lực lượng nhỏ chốt giữ vùng giải phóng, còn lại tiến ra khu Tây Quảng Nam, cùng Sư đoàn 2 (Quân khu 5) tấn công 2 chi khu quận lỵ Tiên Phước và Phước Lâm (phía tây thị xã Tam Kỳ).
Ngày 10.3.1975, Lữ đoàn 52 nổ súng tấn công cùng ngày với trận then chốt mở màn ở Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên.
Sau 1 ngày chiến đấu, Lữ đoàn 52 cùng Sư đoàn 2 và các lực lượng của địa phương đã làm chủ hai chi khu quận lỵ, tạo điều kiện cho nhân dân các xã nổi dậy, giành chính quyền giải phóng toàn huyện, gây áp lực chuẩn bị tấn công thị xã Tam Kỳ.
Sau đó, thế địch bị phá vỡ và hoang mang cực độ. Chúng tôi được lệnh rời khu chiến Tây Quảng Nam, cấp tốc quay lại tấn công thị xã Quảng Ngãi.
Ngày 24.3.1975, khi mới nghe tiếng pháo nổ và xe tăng của ta tấn công, địch đã hoảng hốt tháo chạy. Chớp thời cơ, các lực lượng và nhân dân địa phương nổi dậy, giành chính quyền ở các cấp trong toàn tỉnh.
Khi Lữ đoàn 52 quay lại Quảng Nam để chuẩn bị tham gia tấn công Đà Nẵng, thì Đà Nẵng cũng được giải phóng ngày 29.3.
Vậy là, chúng tôi được lệnh quay lại Quy Nhơn (khi đó đã được Sư đoàn 3 (Quân khu 5) giải phóng ngày 31.3) để củng cố lực lượng và huy động phương tiện ô tô tham gia cánh quân duyên hải gồm: Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324 ở lại Huế - Đà Nẵng) cùng với Sư đoàn 3 và Lữ Đoàn 52 (Quân khu 5) thực hiện nhanh chóng tiến công theo hướng Quốc lộ 1 về phía Nam”, người cựu chiến binh nhớ lại.

Cánh quân duyên hải vượt qua Phú Yên – Nha Trang (đã được Sư Đoàn 320 và Sư Đoàn 10 giải phóng trước đó vào ngày 1 và 2.4), để rồi đột phá tấn công nhanh chóng, phá vỡ tuyến phòng ngự của địch ở Phan Rang – Phan Thiết.
Tại thị trấn La Gi, huyện Hàm Tân (thủ phủ của tỉnh Bình Tuy, nay là tỉnh Bình Thuận), có một lực lượng địch còn khoảng 5.000 tên, nhưng ta được lệnh bỏ qua để kịp có mặt ở phía Đông thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Sau đó mới cho 1 trung đoàn quay lại giải phóng thị trấn La Gi.
Việc táo bạo, thần tốc, đánh nhanh phá vỡ thế phòng thủ của địch, đã tạo điều kiện cho các lực lượng địa phương và nhân dân nổi dậy giành chính quyền giải phóng quê hương.
Khi vào tới Đông Xuân Lộc, Lữ đoàn 52 được tăng cường cho Quân Đoàn 4, đang chiến đấu tại thị xã Xuân Lộc; còn Quân Đoàn 2 phát triển tấn công về hướng Đông Nam Sài Gòn để hình thành thêm 1 trong 5 cánh quân tấn công vòng ngoài và vào nội đô Sài Gòn – Gia Định.
Thị xã Xuân Lộc nằm trên quốc lộ 1, cách Sài Gòn khoảng 60 km về phía Đông. Đây là địa bàn chiến lược trong tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, bảo vệ Biên Hòa và Sài Gòn về phía Đông, nên địch coi là “cánh cửa thép”.
Theo nguyên Chính trị viên Đại đội Bộ binh 2, lực lượng địch lúc này gồm quân tại chỗ, lực lượng tăng cường bằng đường không và tàn binh địch từ miền Trung về, chiếm tới 50% quân chủ lực cơ động và tổng dự bị chiến lược của quân lực Việt Nam cộng hoà; phần lớn bộ binh, pháo binh, xe tăng của Quân đoàn 1 – Quân khu 1 của địch.
Bên cạnh đó, địch được chi viện tối đa về không quân từ sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất, kể cả dùng bom hủy diệt CBU – 55 và BLU – 82 mà quốc tế đã cấm.
Địch quyết tử thủ, ta quyết mở thông “cánh cửa thép”. Khi ta đánh chia cắt chiến dịch, cô lập địch ở Xuân Lộc với Biên Hòa và Bà Rịa thì địch thất thủ sau 12 ngày đêm (từ 9 – 20.4.1975).
Đây là trận đánh quyết liệt nhất trong 5 cánh quân, khi đánh chiến các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch nhằm tạo thế cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn – Gia Định.
Mở thông “cánh cửa thép” Xuân Lộc, Lữ Đoàn 52 trong đội hình Quân Đoàn 4, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công quyết liệt theo hướng quốc lộ 1, phá vỡ các khu vực phòng thủ của địch ở Trảng Bom, Hố Nai và thị xã Biên Hòa.
Vào nội đô Sài Gòn chiều 30.4.1975, Lữ Đoàn 52 tiếp quản 13 mục tiêu ở Quận 3 và Quận 10. Đại đội 2 của Thiếu tướng Kỷ tiếp quản Trại Triệu Đà, thuộc Liên đoàn Vận tải dù, Quân đội Việt Nam cộng hoà, trên đường Trần Quốc Toản thuộc Quận 10, Sài Gòn.
Từ miền Trung vào Sài Gòn, đâu đâu cũng thấy các lực lượng chính trị tiến công và nhân dân nổi dậy, giành chính quyền, lập lại trật tự của địa phương. “Đó là biểu hiện cụ thể của sự kết hợp tiến công và nổi dậy, trong đó lòng dân có ý nghĩa quyết định. Dọc đường, nhất là ở nội đô Sài Gòn, nhân dân đổ ra 2 bên đường chào đón quân giải phóng, khen các chú bộ đội hiền khô…”, ông Nguyễn Nhật Kỷ bày tỏ niềm tự hào.