Thanh Hóa sắp xếp lại cán bộ cấp xã:
Không để “chạy chức”, không giữ người từng bị kỷ luật
VHO - Thanh Hóa quyết liệt sắp xếp lại cán bộ cấp xã, không để xảy ra tình trạng “chạy chức” và loại bỏ cán bộ từng bị kỷ luật, nhằm xây dựng đội ngũ công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả chính quyền cơ sở.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Đề án tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, các đơn vị sự nghiệp, kèm theo phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau khi thực hiện việc sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới.
Theo Đề án, việc bố trí nhân sự sau sáp nhập sẽ được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy và các cấp có thẩm quyền. Việc sắp xếp gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, không để gián đoạn công việc hay gây xáo trộn về tổ chức.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp huyện hiện tại sẽ là lực lượng nòng cốt tại các đơn vị hành chính cấp xã mới. Việc bố trí phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, công tâm, không chạy theo tư tưởng cục bộ hay lợi ích nhóm.
Thanh Hóa yêu cầu tuyệt đối không bố trí cán bộ giữ chức vụ cao hơn nếu từng bị xử lý kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020–2025, hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cơ quan chức năng.
Công tác nhân sự cũng phải gắn với công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ và nhân dân. Việc điều động sẽ kết hợp hài hòa giữa nhân sự tại chỗ và điều động từ nơi khác, kể cả từ tỉnh xuống xã hoặc từ đồng bằng lên vùng núi.
Mỗi xã mới sau sáp nhập sẽ có bộ máy tổ chức với Chủ tịch UBND, hai Phó Chủ tịch (trong đó một người kiêm Chánh Văn phòng HĐND và UBND, một người kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công), và các trưởng, phó của 4 cơ quan chuyên môn.
Chủ tịch HĐND được bố trí kiêm nhiệm, Phó Chủ tịch chuyên trách, đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Trung ương. Các chức danh lãnh đạo UBND và HĐND ở xã mới sẽ được chỉ định thay vì bầu như trước, nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện.
Cán bộ, công chức cấp huyện sẽ được điều chuyển về cấp xã phù hợp với năng lực, chuyên môn. Mỗi lĩnh vực đều phải có người đảm nhận để không ngắt quãng công việc. Đặc biệt chú trọng các lĩnh vực tài chính, xây dựng, đầu tư, đô thị, đất đai, môi trường...
Đội ngũ nữ công chức, cán bộ có hoàn cảnh đặc biệt cũng sẽ được quan tâm về nơi làm việc, bảo đảm cự ly đi lại hợp lý. Các Trung tâm Hành chính công cấp xã được tổ chức linh hoạt để phục vụ người dân nhanh chóng, thuận tiện.
Sau sáp nhập, toàn tỉnh dự kiến dôi dư khoảng 3.602 người. Việc giải quyết sẽ thực hiện trong vòng 5 năm, thông qua các hình thức: nghỉ hưu, tinh giản biên chế, chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập còn thiếu người, hoặc cho nghỉ theo chế độ nếu không đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Những trường hợp vi phạm kỷ luật hoặc có khuyết điểm nghiêm trọng sẽ bị đưa ra khỏi đội ngũ.
Đáng chú ý, từ ngày 1.8.2025, tỉnh Thanh Hoá sẽ dừng sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Chính quyền địa phương sẽ xem xét bố trí những người này tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố hoặc thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không được bố trí công tác theo quy định.
Các thôn, tổ dân phố được xác định là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính. Hiện tại, các thôn, tổ dân phố sẽ được giữ nguyên, có thể đổi tên để tránh trùng lặp, và chuyển các thôn thành tổ dân phố tại những xã sắp xếp thành phường.
Việc tinh gọn, tổ chức lại thôn, tổ dân phố sẽ được thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.