Khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI

NGUYÊN KHANG

VHO - Sáng 19.7 tại Trường Đại học Vin (Hà Nội), đã diễn ra phiên khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025. Hơn 200 đại biểu chính thức đang học tập, làm việc tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến dự Diễn đàn.

Đến dự phiên khai mạc có ông Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ; bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an.

Cùng dự có anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị và 201 đại biểu chính thức tham dự Diễn đàn.

Khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI - ảnh 1
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Tường Lâm phát biểu

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam đánh giá, trong khuôn khổ Diễn đàn này, mỗi trí thức trẻ tham dự đều xứng đáng là đại diện cho đội ngũ trí thức trẻ trong lĩnh vực chuyên môn, học tập, nghiên cứu và nơi công tác.

Kiến thức chuyên môn giỏi, năng lực tư duy sáng tạo tốt, khả năng hội nhập cao, tinh thần dân tộc cũng như luôn mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước là những thế mạnh của trí thức trẻ Việt Nam.

“Với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI là hoạt động thiết thực triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ chính trị, phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước”, anh Lâm nhấn mạnh.

Khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI - ảnh 2
Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Cũng theo anh Nguyễn Tường Lâm để triển khai Nghị quyết 57 cũng như các định hướng tại Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030, Trung ương Đoàn xác định việc đồng hành cùng đội ngũ trí thức trẻ không chỉ là trách nhiệm chính trị, mà còn là đầu tư cho tương lai đất nước.

“Chúng ta tự hào khi thấy ngày càng nhiều trí thức trẻ Việt Nam đang giữ những vị trí quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ cao, y học, năng lượng, giáo dục, tài chính toàn cầu… Từ các trung tâm nghiên cứu danh tiếng cho tới các tập đoàn đa quốc gia, từ những phòng thí nghiệm tiên tiến cho tới những vùng đất còn khó khăn, các bạn đang góp phần định vị vị thế mới cho Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, anh Lâm nói.

Tại phiên khai mạc, PGS.TS Đào Việt Hằng trình bày báo cáo đề dẫn số 1: Tổng quan về Mạng lưới và Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; GS.TS Nguyễn Nhật Nguyên báo cáo đề dẫn số 2: Kinh nghiệm của trí thức trẻ học tập và làm việc tại nước ngoài, nguyện vọng cống hiến và cùng tham gia quá trình đổi mới của đất nước.

Ngoài ra, bà Phạm Thanh Hảo – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni và ông Phạm Huy Hiệu – Phó Giám đốc Quản lý nghiên cứu Trường Đại học VinUni giới thiệu, chia sẻ về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Vingroup và chiến lược tài trợ nghiên cứu của Trường Đại học VinUni – nhằm hưởng ứng định hướng Nghị quyết 57 và mở ra cơ hội hợp tác với thanh niên, trí thức trẻ.

Khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI - ảnh 3
Một gian trưng bày bên lề Diễn đàn

Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu diễn ra từ ngày 19 – 21.7 tại Hà Nội do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, Đại học Vin và Ngân hàng Sacombank tổ chức.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận sâu sắc, trách nhiệm, hiệu quả vào 4 nhóm chủ đề trọng tâm của Diễn đàn, gồm: Ứng dụng AI và các công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động; Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh và phát triển bền vững; Thích ứng bền vững trước các thách thức của thời đại biến đổi toàn cầu; Phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới…

Trong đó đặc biệt nhấn mạnh các khuyến nghị mang tính khả thi cao, có thể ứng dụng vào thực tiễn trong giai đoạn 2025–2030.

Bên cạn đó, đề xuất các mô hình, sáng kiến, công nghệ, giải pháp đổi mới sáng tạo xuất phát từ thực tiễn, có khả năng lan tỏa trong cộng đồng, kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và khu vực.

Đồng thời phát huy vai trò hạt nhân của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Tăng cường kết nối, hợp tác liên ngành, xuyên quốc gia; hình thành các nhóm nghiên cứu, nhóm phản biện chính sách chuyên sâu, tạo ra các sản phẩm cụ thể, có đóng góp lâu dài cho đất nước.

Khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI - ảnh 4
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gặp mặt các tri thức trẻ Việt Nam sau phiên khai mạc

Diễn đàn năm nay mang nhiều dấu ấn đổi mới về nội dung, hình thức và cách tiếp cận. Đặc biệt, sự kiện được tổ chức trên mô hình đa nền tảng, kết hợp trực tiếp tại Đại học VinUni và trực tuyến thông qua các nền tảng số hiện đại như airmeet, đảm bảo sự tham gia của hàng trăm trí thức trẻ Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới.

Với sự tham gia của các nhà khoa học trẻ tài năng từ các tổ chức hàng đầu thế giới như MIT, Cambridge, Google, Microsoft, cùng các chuyên gia trong nước tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI sẽ tạo ra những bước đột phá trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam vươn xa trên bản đồ tri thức toàn cầu.

Sau sự kiện, Ban Tổ chức sẽ công bố Báo cáo khuyến nghị của cộng đồng trí thức trẻ, Kỷ yếu Diễn đàn, và Cơ sở dữ liệu Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, làm nền tảng cho chiến lược phát huy trí thức trẻ giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045.

Các sản phẩm được công bố sau diễn đàn gồm: Báo cáo khuyến nghị của cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; Báo cáo ghi nhận các cơ chế, khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu trong giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2045; Cơ sở dữ liệu Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; Kỷ yếu điện tử của Diễn đàn.

Chia sẻ với các đại biểu trí thức trẻ Việt Nam tại buổi gặp mặt sau phiên khai mạc, bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bày tỏ tri ân các đại biểu đã vượt qua hàng nghìn km để về tham dự Diễn đàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nếu như trước đây nhiều nhà trí thức Việt Nam có quốc tịch nước ngoài, muốn trở về Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong thủ tục. Tuy nhiên, Luật quốc tịch mới đã tạo điều kiện để người Việt cũng như trí thức trẻ về quê hương thuận lợi, vì được phép giữ 2 quốc tịch nếu đất nước kia cho phép 2 quốc tịch; được phép mua nhà đất…

“Tôi đã đề nghị Chính phủ có các giải pháp để tạo môi trường làm việc lành mạnh, có sự cạnh tranh công bằng đối với các trí thức trẻ về nước. Đồng thời, đưa các nghiên cứu của các đại biểu vào vị trí xứng đáng, môi trường học thuật, nghiên cứu tại các trường đại học trong nước.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, địa phương đặt hàng các “bài toán” cụ thể để giới trí trẻ thức tham gia. Hy vọng, bằng tri thức, trí tuệ, sự nhiệt huyết, các trí thức trẻ sẽ đóng góp, cống hiến xây dựng đất nước bằng những dự án cụ thể.

Còn những điều còn bất cập của các trí thức trẻ sẽ được Trung ương Đoàn tiếp thu, có báo cáo và sửa đổi dần dần”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.