‘Hộp thư ấm áp’ ở Hàn Quốc giải toả nỗi cô đơn trong thời đại kỹ thuật số
VHO - Tham gia dự án "Hộp thư ấm áp", các tình nguyện viên sẽ trả lời thư từ những người lạ ẩn danh bằng bút, giấy và sự đồng cảm.

Mỗi đêm, Jeong Seung-won, một sinh viên 25 tuổi, thường ngồi vào bàn làm việc, tay cầm bút, đọc những lá thư viết tay được đăng trên một trang web có tên Ongi Woopyeonham (tiếng Hàn), có nghĩa là “Hộp thư ấm áp”.
Theo trang SCMP, những lá thư đều đến từ những người lạ ẩn danh. Họ có thể là thanh thiếu niên quá tải kiến thức ở trường học hay là những người đã nghỉ hưu đang vật lộn với nỗi cô đơn hoặc đơn giản là những người khác muốn tìm ai đó lắng nghe.
Jeong cho biết những bức thư tổng hợp nỗi sợ hãi, mối quan tâm và sự hối tiếc sâu sắc nhất của mọi người.
Điều khiến “Hộp thư ấm áp” trở nên tuyệt vời là mỗi lá thư đến đều nhận được một lá thư trả lời viết tay khác dài từ hai đến ba trang từ một tình nguyện viên được đào tạo, giống như Jeong.
Bức thư trả lời thể hiện sự đồng cảm, suy ngẫm và hơn hết là kết nối.
Được tổ chức từ thiện Ongi có trụ sở tại Seoul khởi xướng vào năm 2017, dự án “Hộp thư ấm áp” đã lan rộng khắp Hàn Quốc.
Hơn 80 điểm tiếp nhận được lắp đặt tại các quán cà phê, rạp chiếu phim, công viên, bệnh viện và khuôn viên trường đại học.
Giữa xã hội cạnh tranh khốc liệt do công nghệ số phát triển, những phong trào như vậy đang phát triển mạnh mẽ như một phương thuốc không ngờ tới nhằm giải toả nỗi cô đơn về mặt cảm xúc.
“Mọi người viết về nhiều chủ đề khác nhau. Khoảng 30% người viết phản hồi tích cực cho chúng tôi sau khi nhận được thư trả lời từ các tình nguyện viên. Những người viết thư nói cảm thấy thoải mái khi các tình nguyện viên sẵn sàng lắng nghe những rắc rối của chính họ, bất kể điều gì xảy ra”, Cho Hyun-sik, người sáng lập Ongi cho biết.
Áp lực lớn từ xã hội
Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Tính đến năm 2023, tự tử vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người Hàn Quốc ở độ tuổi thiếu niên, theo Cơ quan thống kê quốc gia này.
Các cuộc khảo sát cũng liên tục cho thấy tình trạng trầm cảm và lo âu gia tăng, đặc biệt là ở người trẻ và người cao tuổi.
“Ở Hàn Quốc, quan niệm về ‘cuộc sống tốt đẹp’ rất chuẩn mực. Cuộc sống của người dân cũng được đánh giá bằng các tiêu chuẩn được xã hội: ngoại hình, thành tích học tập, năng lực và sự giàu có", Kim Hyewon, một nhà tâm lý học, cố vấn và giáo sư tại Đại học Hoseo cho biết.
Theo bà Kim, khi không đạt được những kỳ vọng đó, họ có thể cảm thấy bị tước đoạt tương đối, dẫn đến trầm cảm hoặc lo lắng. Sự kỳ thị xung quanh vẫn còn tồn tại ở Hàn Quốc, mặc dù đã ít hơn so với trước đây.
“Có sự khác biệt thế hệ rõ ràng. Những người trẻ tuổi cởi mở hơn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ, trong khi thế hệ người cao tuổi vẫn thường do dự. Hộp thư ấm áp là một sáng kiến thông minh cho phép mọi người cởi mở mà không sợ bị phán xét hay chỉ trích”, bà Kim nói thêm.
"Một liệu pháp giải toả"
Tiền đề của dự án rất đơn giản: viết một lá thư kể chi tiết về những khó khăn của bạn, niêm phong trong một phong bì màu vàng và thả vào “Hộp thư Ấm áp.”
Sau đó, các tình nguyện viên sẽ lấy những lá thư đó và viết phản hồi cá nhân, cũng viết tay và dài ít nhất hai trang.
“Tôi thực sự căng thẳng khi mới vào đại học. Tôi không nghĩ việc học của mình phù hợp với bản thân và tôi gặp khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ mới. Tôi cảm thấy xa cách và trống rỗng”, Emily Kim, một sinh viên 20 tuổi đã gửi một lá thư vào năm 2023 cho biết.
Kim noi rằng, cô không nghĩ lá thư được trả lời. Nhưng tôi đã nhận được lá thư dài hai trang từ một người lớn tuổi hơn đã trải qua những khó khăn tương tự. Nó khiến tôi vô cùng xúc động.
Kim nói không còn cảm thấy đơn độc, rằng một số người cũng đã trải qua những điều tương tự. Đó thực sự là một trải nghiệm chữa lành.
Mặt khác, sự tương tác qua lại cũng mang đến cảm xúc tích cực đối với những tình nguyện viên như Jeong.
“Khi xem những rắc rối của người viết, tôi đã nghĩ về những trải nghiệm tương tự, và điều đó giúp tôi hoàn thiện bản thân và trở thành một người trưởng thành hơn”, Tình nguyện viên Jeong nói.
Kim, nhà tâm lý học, cho biết dự án này có lợi cho tất cả các bên liên quan.
Theo Kim, những ai đó thực sự quan tâm, được truyền tải qua một lá thư viết tay chu đáo, có thể chữa lành sâu sắc cho những người đang đau khổ hoặc đấu tranh với sự cô đơn.
Đồng thời, những người tình nguyện cũng được rèn luyện hơn về cảm xúc. Họ có được trải nghiệm của chính mình và giúp đỡ người khác.
Đồng cảm, không phải lời khuyên
Những người tình nguyện như Jeong tham gia các buổi đào tạo và hội thảo về cách viết cảm xúc.
Mỗi tuần, Jeong thường viết một phản hồi tại nhà hoặc tại một quán cà phê yên tĩnh để thư giãn đầu óc và lấy lại cảm xúc.
Cho, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận, cũng viết một lá thư mỗi tháng. Anh nhớ lại một trường hợp một người mẹ gửi một lá thư đến người con trai mới mất của mình.
"Chúng tôi đã mở một hộp thư tại nơi tưởng niệm những đứa trẻ đã mất. Một người mẹ đã viết một lá thư cho con trai mình và gửi đến chúng tôi tại đó", Cho kể lại. Các tình nguyện viên trả lời cô ấy như thể họ là đứa trẻ, mang đến sự an ủi và trấn an.
"Người mẹ gần đây đã viết phản hồi cho chúng tôi rằng bây giờ, việc viết thư cho con mình thông qua chúng tôi đã trở thành nguồn an ủi lớn nhất với cô ấy", Cho nói.
Theo ông Cho, các tình nguyện viên sẽ không bao giờ đưa ra câu trả lời. Những gì họ tìm kiếm là sự đồng cảm dựa trên kinh nghiệm và đồng cảm dẫn đến an ủi.
Cộng đồng ấm áp ngày càng phát triển
Ngày nay, dự án tự hào có 800 tình nguyện viên trên cả nước và trả lời hơn 20.000 lá thư mỗi năm.
Khi dự án mở rộng, Ongi đang thử nghiệm các gian hàng pop-up và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp.
Nhóm cũng hợp tác với chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Hàn Quốc (CGV) để lắp đặt hộp thư tại các rạp chiếu phim.
Nhưng Cho muốn ý tưởng này lan rộng ra toàn cầu.
"Chúng tôi thực sự muốn “Hộp thư ấm áp” trở thành một phong trào. Chúng tôi muốn các quốc gia và tổ chức khác đánh giá chuẩn mô hình này và sử dụng như một giải pháp giảm thiểu bệnh trầm cảm và cải thiện sức khỏe tâm thần", ông Cho nói.