Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong đào tạo ngành Công nghệ thông tin

MINH VY

VHO - Trong khuôn khổ “Ngày Công nghệ thông tin Việt Nam 2024" diễn ra tại Nhật Bản, sáng 6. 8 tại Tokyo, Học viện Nhật ngữ GAG (Fukuoka, Nhật Bản) đã ký kết hợp tác với Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông và bưu chính (PTIT) trong công tác đào tạo nhân lực lĩnh vực này.

 Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong đào tạo ngành Công nghệ thông tin - ảnh 1
Học viện Nhật ngữ GAG (Fukuoka, Nhật Bản) ký kết hợp tác với Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông và bưu chính (PTIT) trong công tác đào tạo nhân lực lĩnh vực này

Lễ ký kết được tổ chức dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ TT &TT Nguyễn Mạnh Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản Vũ Chi Mai, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam và Nhật Bản

Theo biên bản ký kết, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (PTIT), Việt Nam và Học viện Nhật ngữ GAG (Fukuoka, Nhật Bản) mong muốn xây dựng hợp tác song phương trong lĩnh vực học thuật, nghiên cứu và trao đổi văn hóa nhằm củng cố mối quan hệ và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. 

Các lĩnh vực hợp tác gồm: xây dựng tài liệu, giáo trình đào tạo; chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin tại Nhật Bản; đào tạo tiếng Nhật cho học viên Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông Việt Nam; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực IT và chuẩn bị kỹ năng mềm phù hợp cho môi trường làm việc tại Nhật Bản; chương trình thực tập sinh tăng cường khả năng việc làm của các sinh viên Hoc viện công nghệ bưu chính viễn thông sau khi tốt nghiệp. 

Ông Hashino Nobuo, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nhật ngữ GAG cho biết: “Việc ký kết giữa Học viện Bưu chính viễn thông( PTIT ) và học viện Nhật ngữ GAG của chúng tôi sẽ đóng góp vào việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực IT của trường PTIT về tiếng Nhật, văn hóa Nhật Bản và cách làm việc tại Nhật Bản, giúp họ dễ dàng phát huy khả năng và hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hợp tác để mở cơ sở của PTIT tại Nhật Bản."

 Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong đào tạo ngành Công nghệ thông tin - ảnh 2
Các đại biểu dự sự kiện

Với mục tiêu giảng dạy giúp học viên đạt được trình độ năng lực N2-N1 và thi vào các trường đại học chất lượng cao tại Nhật, Học viện Tiếng Nhật GAG có đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết và chương trình đào tạo bài bản, phù hợp với năng lực của mỗi học viên. 

 Hiệu trưởng của trường - thầy Nguyễn Duy Anh còn được biết đến là hiệu trưởng đầu tiên trên đất nước Nhật Bản, luôn tâm huyết và hết mình giúp đỡ nhiều thế hệ học sinh học tập tại đây. Ngoài giờ học, học viên được trải nghiệm văn hoá Nhật như: mặc kimono, viết thư pháp, giao lưu ẩm thực, đi đền thờ Thần đạo,… để hiểu thêm về văn hoá xứ anh đào và có nhiều kỉ niệm đẹp.

Hiệu trưởng trường Nhật ngữ GAG Fukuoka, Nhật Bản Nguyễn Duy Anh cho biết: Những năm gần đây, thị trường lao động đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) dù ngày càng tăng nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn khan hiếm. 

Nhật Bản là một nước phát triển với trình độ kỹ thuật tiên tiến. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, đến năm 2030, nước này sẽ hiếu hụt đến 789.000 kỹ sư CNTT. 

Như vậy, thị trường lao động Nhật Bản đang trở thành một thị trường rộng mở với các nước đang phát triển. “Là trường đại học (ĐH) top đầu trong nhóm các trường ĐH Việt Nam về đào tạo ICT, PTIT cũng là đối tác của nhiều trường ĐH, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, việc mở chương trình đào tạo kỹ sư CNTT Việt Nhật là một hướng đi phù hợp trong tình hình hiện nay. 

 Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong đào tạo ngành Công nghệ thông tin - ảnh 3
Ký kết hợp tác Việt Nam- Nhật Bản trong đào tạo ngành CNTT

Sinh viên khi theo học chương trình sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng theo đúng quy định và chuẩn kỹ sư CNTT Nhật Bản ITSS. Sau khi tốt nghiệp, ngoài bằng Kỹ sư CNTT được Học viện cấp, sinh viên có trình độ tiếng Nhật tương đương N3, được PTIT hỗ trợ giới thiệu việc làm tại các DN Nhật tại Việt Nam và các DN tại Nhật Bản.”

Ông Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết: “Là đơn vị có uy tín, bề dày về lĩnh vực đào tạo công nghệ số, đa phương tiện và kinh tế, chúng tôi muốn sinh viên trong trường khi tốt nghiệp sẽ trở thành những chuyên gia giỏi. Bên cạnh đó là mong muốn các em có khả năng toàn cầu hóa, trước đây chỉ làm cho Việt Nam nhưng giờ có thể làm cho thế giới trong đó có Nhật Bản”.

Để làm được việc này, theo ông Từ Minh Phương, Học viện cần kí kết hợp tác với trường như GAG để đào tạo tiếng Nhật cho các kỹ sư ra trường, làm việc tại Nhật Bản.

Ngoài ra, Học viện cũng mong muốn mở phân hiệu đào tạo tại Nhật Bản, phục vụ cho hệ đào tạo từ xa như đào tạo cho công dân VN ở Nhật có mong muốn học ĐH Việt Nam tại Nhật Bản.

 Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong đào tạo ngành Công nghệ thông tin - ảnh 4
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác

"Ngày CNTT Việt Nam 2024" tại Nhật Bản có chủ đề "Đối tác CNTT toàn diện hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số ở Việt Nam và Nhật Bản", do VINASA-VJC, JETRO, JISA cùng tổ chức, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp CNTT hai nước và tạo ra cơ hội kinh doanh mới. 

Chương trình sự kiện gồm diễn thuyết chính, hội thảo, kết nối doanh nghiệp, triển lãm sản phẩm và nhiều chức năng hấp dẫn khác. BTC cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận về nhiều chủ đề như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, sản xuất và ESG, đào tạo nhân sự. 

Có thể nói, với quá trình hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản bắt đầu từ rất sớm, những năm 2000, khi ngành phần mềm và dịch vụ CNTT mới được hình thành. Giai đoạn 10 năm đầu là sự hỗ trợ của các đối tác Nhật Bản để chuẩn bị, đào tạo cho các đối tác, các DN Việt Nam từ kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn, đến nhân lực, văn hóa kinh doanh. 10 năm tiếp theo là sự phát triển bùng nổ. 

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành đối tác lớn thứ hai và được ưu tiên lựa chọn bởi các đối tác Nhật Bản. Các doanh nghiệp CNTT cũng phát triển mạnh về cả chất lẫn lượng. Hơn 10 doanh nghiệp có quy mô trên dưới 1.000 lao động như Rikkeisoft, VMO, VTI, Fujinet, Luvina…, hàng chục doanh nghiệp có quy mô 500-1.000 lao động, và hàng trăm doanh nghiệp có quy mô 100 – 500 lao động. 

Tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT cho các doanh nghiệp Nhật Bản khoảng gần 500 doanh nghiệp. Trình độ công nghệ của lao động Việt Nam cũng được nâng cao rõ rệt, từ chỗ chỉ làm những công đoạn đơn giản như coding, testing, tới nay các DN Việt Nam có thể tham gia vào các giai đoạn từ nghiên cứu, thiết kế tới triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, Blockchain, VR/XR.  

Khu vực ASEAN và Việt Nam đang được xem là trọng tâm của chiến lược toàn cầu của doanh nghiệp CNTT Nhật Bản. 78% doanh nghiệp định hướng cung cấp thị trường – cao hơn Mỹ (57%) và Trung quốc (50%). 64% doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm nguồn lực, đối tác từ khu vực ASEAN, chỉ sau Trung Quốc (85%).

Về đầu tư nước ngoài vào khu vực ASEAN, Việt Nam đang được gần 56% các DN quan tâm, cao gấp 2 lần các quốc gia khác như Singapore, Thái Lan, Phillipines (22%), Malaysia (11%); được các DN Nhật Bản mong muốn hợp tác sâu, rộng trong tất cả các mảng của ngành CNTT.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc