Hồi ức không thể nào quên của người lính già về Thành cổ Quảng Trị

THÀNH NAM

VHO - Trong lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc luôn để lại dấu ấn không thể phai mờ. Trong số những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, cựu chiến binh Phan Lạc Ý là một trong những nhân chứng sống, gắn liền với những kỷ niệm không thể nào quên tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị vào “mùa hè đỏ lửa” năm 1972.

Hồi ức không thể nào quên của người lính già về Thành cổ Quảng Trị - ảnh 1
Cựu chiến binh Phan Lạc Ý (bên phải) kể về "mùa hè đỏ lửa 1972" nơi Thành cổ Quảng Trị

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Phố núi ngày không mây, nắng cứ sóng sánh trên vai người lữ khách. Trong ngôi nhà ở đường Ngô Văn Sở, phường 9, thành phố Đà Lạt, chúng tôi được nghe ông Phan Lạc Ý – một cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 kể lại đời binh nghiệp của mình với nhiều cung bậc cảm xúc.

Ông Ý cho biết: “Tôi sinh năm 1943 tại tỉnh Hà Tây (cũ), trong một gia đình có ba anh em. Năm 1963, khi đang học lớp 12 tại Trường cấp 3 Quốc Oai thì gia nhập quân đội.

Lúc bấy giờ, đất nước đang trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhưng với nhiệt huyết của sức trẻ, tôi đi bộ đội, trực tiếp cấm súng đánh giặc mà không sợ sệt gì”.  

Tôi đã từng được nghe, được kể về nhiều câu chuyện của những người lính Cụ Hồ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước nhưng câu chuyện của ông Phan Lạc Ý vẫn để lại trong tôi nhiều sự ngạc nhiên lẫn khâm phục.

Với ông Ý, quyết định gia nhập quân ngũ khi tuổi đời còn rất trẻ không chỉ là một bước ngoặt trong cuộc đời ông mà còn mở ra một hành trình gian khổ nhưng đầy tự hào.

Hồi ức không thể nào quên của người lính già về Thành cổ Quảng Trị - ảnh 2
Du khách đến Thành cổ Quảng Trị

Vào quân ngũ, ông được biên chế vào Trung đoàn 218, đơn vị cơ động thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không, đóng tại Hòn Gai, Quảng Ninh. Năm 1968, ông Phan Lạc Ý được điều về Trung đoàn 64, đóng tại Thanh Hóa.

Tại đây, ông đã có những bước tiến đầu tiên trong sự nghiệp quân ngũ của mình, tích lũy kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng chiến đấu. Tuy nhiên, cuộc đời của ông đã thực sự thay đổi vào năm 1972, khi đơn vị của ông được điều động vào chiến trường Quảng Trị.

Vào nơi… chiến trường ác liệt

Quảng Trị, với Thành cổ nổi tiếng, là một trong những điểm “nóng” nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Trong 81 ngày đêm năm 1972, mảnh đất kiên cường này từng gánh chịu 328.000 tấn bom đạn.

Tổng số bom đạn mà quân địch ném xuống thị xã Quảng Trị và Thành cổ bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử. Cuộc chiến ở đây diễn ra như một huyền thoại từ ngày 28.6 đến ngày 16.9.1972. Mất mát, đau thương, chết chóc là điều không thể tránh được trong cuộc chiến tại Thành cổ Quảng Trị.

 Nhiệm vụ của đơn vị ông Phan Lạc Ý là bảo vệ Thành cổ trước những đợt tiến công dữ dội từ quân đội Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đây là một nhiệm vụ nặng nề và đầy nguy hiểm, nhưng với tinh thần quyết tâm, ông và đồng đội đã không ngần ngại nhận lấy thử thách.

Hồi ức không thể nào quên của người lính già về Thành cổ Quảng Trị - ảnh 3
Du khách thích thú chụp hình lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị

Tại chiến trường Quảng Trị, Trung úy Phan Lạc Ý trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 9 thuộc Trung đoàn 64 tham gia rất nhiều trận đánh lớn tại “mùa hè đỏ lửa” năm 1972.

Trong 81 ngày đêm liên tục chiến đấu, ông đã trải qua những kỷ niệm không thể nào quên. Là đơn vị chốt chặn từ vòng ngoài, ông nhớ rất rõ những lần cùng đơn vị dầm mình trong nước, vượt sông Thạch Hãn để đối đầu với quân địch.

Trong những ngày giao tranh ác liệt, ông và đồng đội đã chiến đấu tại nhiều điểm nóng như: Thôn Vân Hòa, làng Bồ Bản, bãi tha ma Trí Bưu, cánh đồng Triệu Đại, giao tranh ở Đồng Bào, Đạo Đầu, Bích La Đông…

Mỗi trận đánh là một cuộc chiến sinh tử, sự thử thách của ý chí và tinh thần đoàn kết. Ông cùng đồng đội đã chịu đựng khổ cực, hy sinh không chỉ về thể xác mà còn về tinh thần, nhưng không bao giờ từ bỏ.

Một kỷ niệm đặc biệt mà ông Phan Lạc Ý luôn nhớ là trận đánh tại bãi tha ma Trí Bưu. Trong đêm tối, dưới ánh lửa chiến tranh, tiếng súng vang lên không ngừng. Đồng đội của ông đã có người ngã xuống, mãi mãi nằm lại nơi chiến trường này.

Sự hy sinh, mất mát ấy không chỉ mang lại nỗi đau, mà còn thổi bùng lên tinh thần yêu nước trong ông và các chiến sĩ khác. Những hình ảnh, khoảnh khắc chứng kiến sự hy sinh của đồng đội trở thành động lực, thúc giục ông và đồng đội tiếp tục chiến đấu, bất chấp mọi khó khăn.

Ngày 16.9.1972, sau khi cơ bản đã đạt được một số mục tiêu quan trọng, đơn vị của ông Ý được lệnh rút khỏi Thành cổ Quảng Trị.

Sau khi chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kết thúc, đơn vị của ông Phan Lạc Ý rút về Thanh Hóa để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1975, ông cùng đơn vị hành quân vào miền Nam, tiếp tục cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại miền Nam, ông tham gia chốt chặn các mục tiêu trọng yếu, trong đó có điểm cầu Bình Triệu. Trong mỗi trận đánh, ông Ý không chỉ phải đối mặt với kẻ thù mà còn phải chịu đựng những áp lực tinh thần rất lớn.

Hồi ức không thể nào quên của người lính già về Thành cổ Quảng Trị - ảnh 4
Thành cổ Quảng Trị thành địa chị đỏ thu hút người dân, du khách đến tìm hiểu về lịch sử

Ông tự nhủ rằng, mình không chỉ chiến đấu cho bản thân mà còn cho gia đình, quê hương và cho thế hệ mai sau. Chính tư tưởng này đã tiếp thêm sức mạnh cho ông và đồng đội vượt qua mọi khó khăn.

Không quên quá khứ

Ông kể, sau khi đất nước thống nhất, ông trở về đơn vị cũ ở Thanh Hóa.

Tại đây, ông đã tiếp tục phục vụ đất nước trong vai trò của một người lính, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hòa bình. Năm 1979, ông được cử vào học tại Học viện quân sự Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân) nơi đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời ông.

Tại Học viện Lục quân Đà Lạt, ông không chỉ được học tập mà còn có cơ hội truyền đạt kinh nghiệm chiến trường cho thế hệ trẻ. Với vai trò Trưởng ban Quân lực, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ông đã truyền tải những bài học quý báu về tinh thần đoàn kết, lòng dũng cảm và trách nhiệm với Tổ quốc.

Trong suốt cuộc đời chiến đấu của mình, người cựu chiến binh Phan Lạc Ý đã chứng kiến nhiều mất mát và hy sinh. Tuy nhiên, những điều đó không làm ông gục  ngã mà còn tiếp thêm động lực để ông sống mạnh mẽ hơn.

Với những gì đã cống hiến cho Tổ quốc, ông Phan Lạc Ý trân trọng lắm giá trị của hòa bình: "Hòa bình không tự nhiên đến, mà phải được bảo vệ và gìn giữ. Chúng ta phải biết trân trọng những gì mình có và không bao giờ quên quá khứ."

Năm 1989, sau 27 năm rèn luyện, chiến đấu, phục vụ trong môi trường quân ngũ, ông Phan Lạc Ý nghỉ hưu và sinh sống tại Đà Lạt cùng gia đình. Cuộc sống bình dị nơi phố núi, nhưng trong trái tim ông, những ký ức về những tháng năm chiến đấu vẫn luôn sống mãi.

Hồi ức không thể nào quên của người lính già về Thành cổ Quảng Trị - ảnh 5
Những kỷ vật ghi dấu một thời oanh liệt tại Thành cổ Quảng Trị

Với những cống hiến của mình, cựu chiến binh Phan Lạc ý đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Chia tay cựu chiến binh Phan Lạc ý khi ngày chưa cạn. Miền ký ức của người cựu chiến binh năm xưa từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị như đang sống lại.

Câu nói của ông: “Hòa bình không tự nhiên đến, mà phải được bảo vệ và gìn giữ. Chúng ta cần trân trọng những gì mình có và không bao giờ quên quá khứ” không chỉ là tâm tư của một người lính, mà còn là thông điệp tròn đầy ý nghĩa gửi gắm tới tất cả thế hệ hôm nay và mai sau.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc