Nghệ An sắp xếp lại 130 xã, phường:
Tên gọi mới mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử địa phương
VHO - Việc đặt lại tên cho các xã, phường mới ở Nghệ An không chỉ là một thao tác hành chính, mà còn là một quyết định mang chiều sâu văn hóa và chiến lược phát triển lâu dài. Từng tên gọi mới được lựa chọn kỹ lưỡng, gắn với cội nguồn, truyền thống và khát vọng vươn lên của từng vùng đất, từng cộng đồng cư dân xứ Nghệ.
HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021–2026) đã tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 29, với nội dung trọng tâm là thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung phương án đặt tên cho các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập.
Đây được xem là bước hoàn thiện cuối cùng trong lộ trình tinh gọn bộ máy hành chính, đồng thời khẳng định quyết tâm gìn giữ bản sắc văn hóa, lịch sử của tỉnh qua từng tên gọi địa danh.
Theo đó, tỉnh Nghệ An đã hoàn tất quá trình sắp xếp, giảm từ 412 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 130 xã, phường mới.
Việc sáp nhập được thực hiện trong khuôn khổ Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, cũng như các nghị quyết có liên quan của Quốc hội và Chính phủ nhằm xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm trong quá trình sắp xếp là việc đặt tên mới cho các đơn vị hành chính.
Ban đầu, nhiều huyện như Yên Thành, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Đô Lương… đề xuất phương án lấy tên huyện kèm theo số thứ tự để đặt tên các xã mới (ví dụ: Anh Sơn 1, Diễn Châu 2, Thanh Chương 3…).

Tuy nhiên, cách làm này nhanh chóng vấp phải phản ứng từ người dân và các chuyên gia vì tính chất cơ học, thiếu chiều sâu văn hóa, dễ gây nhầm lẫn và làm mai một giá trị truyền thống của địa phương.
Trước thực tế đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cùng Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã kịp thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh lại phương án đặt tên.
Kết quả, 14/20 huyện, thành phố liên quan đã thay đổi, lựa chọn tên gọi mới dựa trên các yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống gắn bó lâu đời với cư dân bản địa.
Nhiều tên xã, phường sau điều chỉnh đã khơi dậy được niềm tự hào nơi người dân. Cụ thể, xã Đô Lương 1 được đặt lại là xã Đô Lương, giữ lại tên gọi gắn với vùng đất anh hùng.
Xã Diễn Châu 1 đổi thành xã Diễn Châu, địa danh gắn với văn hóa vùng đồng bằng ven biển. Xã Thanh Chương 1 nay là xã Thanh Mỹ, gợi nhắc một địa danh cổ vùng hữu ngạn sông Lam, nơi từng có truyền thống học hành, văn hiến.
Bên cạnh đó, các tên gọi có giá trị biểu tượng cao như Kim Liên, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay Cửa Lò, đô thị du lịch biển nổi tiếng, vẫn được giữ nguyên để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa – du lịch và ý nghĩa lịch sử của địa phương.
Một điểm sáng trong quá trình đặt tên là việc tỉnh Nghệ An thực hiện nghiêm túc quy trình lấy ý kiến nhân dân.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ Nghệ An, quá trình xin ý kiến cử tri tại các đơn vị dự kiến sáp nhập diễn ra công khai, dân chủ, minh bạch. Đến nay toàn bộ đơn vị hành chính cấp xã ở Nghệ An điều chỉnh tên gọi, đảm bảo yêu cầu của đề án, không trùng tên với nhau và được thống nhất cao.
Kết quả, có tới 96,92% cử tri đồng thuận với chủ trương không sử dụng cách đặt tên kèm số thứ tự, thay vào đó là lựa chọn các địa danh truyền thống mang yếu tố văn hóa, lịch sử đặc trưng.
Bà Nguyễn Thị Tâm (xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn) cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương của tỉnh. Tên gọi không chỉ là địa chỉ hành chính mà còn mang theo ký ức, truyền thống và lòng tự hào của người dân. Việc chọn lại những cái tên gắn bó với vùng đất từ xưa đến nay như một cách gìn giữ hồn cốt quê hương.”
Sau khi hoàn tất quá trình sắp xếp và thống nhất tên gọi, tỉnh Nghệ An sẽ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đề án trình Bộ Nội vụ thẩm định, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn theo đúng lộ trình đã đề ra.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, gồm cấp tỉnh và cấp huyện theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Sau kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, các cơ quan liên quan cần khẩn trương hoàn tất hồ sơ, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng cho mô hình quản lý mới nhằm bảo đảm tính hiệu quả, ổn định và phát triển bền vững.”