Hội An: Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Hội Tết Trung thu

VHO - Nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn sẽ được tổ chức tại Hội Tết Trung thu Quý Mão, Hội An 2023 nhân sự kiện lễ hội Tết Trung thu Hội An vinh dự được đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hội An: Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Hội Tết Trung thu - Anh 1

Biểu diễn múa Lân, múa Thiên cẩu trên đường phố Hội An

Từ ngày 26-30.9 (nhằm ngày 12-16 tháng 8 Âm lịch), TP Hội An, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức Hội Tết Trung thu Quý Mão. Cùng với đó là chương trình đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An. 
Mở đầu cho sự kiện này là hội thi  múa Lân - múa Thiên Cẩu dành cho các em thiếu nhi đến từ các trường THCS trên địa bàn thành phố, diễn ra vào ngày 27.9 kết hợp với chương trình văn nghệ “Đêm hội Trăng rằm”. 
Đặc biệt trong dịp này, TP Hội An sẽ tổ chức đoàn diễu hành rước danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Trung thu lúc 17 giờ 30 và Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu vào lúc 19 giờ 00 ngày  28.9 (nhằm ngày 14 âm lịch) tại Công viên Hội An. 
Tết Trung thu ở Hội An trong hơn 25 năm qua đã gắn liền với hoạt động của đêm rằm phố cổ và trở nên lung linh, huyền ảo thu hút đông đảo du khách. Tại hội Tết Trung thu Quý Mão, năm 2023, TP Hội An sẽ tái hiện không gian “Đêm phố cổ” Hội An đầu thế kỷ XX vào đêm 14.8 âm lịch với các hoạt động văn hóa nghệ thuật thơ ca, trò chơi bài chòi, hò khoan đối đáp, sinh hoạt văn hóa truyền thống… 
Ngoài ra, các lớp dạy hát dân ca, đồng dao; trò chơi dân gian trẻ em; hướng dẫn làm và trang trí đồ chơi Trung thu … cũng được tổ chức, nhằm tạo thêm các hoạt động tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống thú vị cho các em thiếu nhi trong dịp này.

Hội An: Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Hội Tết Trung thu - Anh 2

Trải nghiệm làm lồng đèn Trung thu truyền thống 

Cũng như các lễ hội dân gian khác, Tết Trung thu tại Hội An có sự giao thoa, tiếp biến giữa văn hóa bản địa truyền thống với văn hóa bên ngoài do lịch sử từng là thương cảng quốc tế, nên có nhiều giá trị đặc biệt riêng có.  Trong quá trình ấy, người Hội An đã chọn lọc các giá trị tinh hoa, sáng tạo phù hợp và tích hợp thành nét riêng biệt vốn chỉ có tại Hội An. 
Tết Trung thu ở Hội An còn là nơi thể hiện các giá trị tâm linh, tín ngưỡng, sự quan tâm gìn giữ của cả cộng đồng. Điều này đã thể hiện qua hoạt động múa Thiên cẩu hiện vẫn còn duy trì tại hội Tết Trung thu ở Hội An. Đây là nét văn hóa đặc biệt cần được bảo tồn và phát huy trong quá trình Hội An xây dựng hồ sơ trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian để tham gia ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. 
Cũng trong dịp này sẽ có các hoạt động khác được tổ chức tại các điểm Công viên Hội An, Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An như: Triển lãm ảnh nghệ thuật múa Thiên cẩu; Hướng dẫn làm và trang trí đồ chơi Trung thu,…Tổ chức cho nhân dân, du khách, đặc biệt là trẻ em trải nghiệm làm lồng đèn Trung thu truyền thống, làm đồ chơi bằng giấy, vẽ mặt nạ ông địa bằng giấy bồi, trang trí quạt ông địa, mặt nạ ông địa bằng giấy bồi, cốt đầu thiên cẩu lưu niệm...

Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An đã được Bộ VHTTDL ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 228/QĐ-BVHTTDL ngày 14.2.2023. Lễ hội Tết Trung thu cũng như các giá trị nổi bật của lễ hội được hình thành trên cơ sở truyền thống bản địa, giao thoa văn hóa với các nước Nhật Bản, Trung Hoa và luôn được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ, tổ chức hằng năm. Đây là lễ hội truyền thống hấp dẫn, sôi động bởi giàu giá trị văn hóa, tín ngưỡng, gắn với loại hình diễn xướng dân gian độc đáo múa Thiên cẩu chỉ có tại Hội An. Danh hiệu này càng khẳng định những giá trị mà Tết Trung thu mang lại trong đời sống của nhân dân địa phương, là cơ hội để các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc