PSG.TS Đinh Thị Kim Thoa:
“Hoạt động trải nghiệm sẽ định hình thế hệ học sinh tự lập”
VHO - SGK Hoạt động trải nghiệm - cầu nối đưa kỹ năng sống vào lớp học, đã đặt nền móng cho sự thay đổi trong giáo dục Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, bộ sách không chỉ giúp học sinh rèn luyện nhân cách mà còn mở ra những phương pháp giáo dục mới mẻ, hướng đến tương lai toàn diện cho thế hệ trẻ.
Trong quá trình biên soạn, đâu là những khó khăn và thách thức lớn nhất mà cô và đội ngũ biên soạn đã gặp phải? Cô có thể chia sẻ một ví dụ thực tế?
Tôi và các cộng sự luôn tự hào rằng mình là một trong những nhóm đầu tiên xây dựng chương trình và bộ sách giáo khoa hướng đến việc hình thành nhân cách cho học sinh Tiểu học, Trung học Cơ sở và định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trung học Phổ thông. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bộ Giáo dục không chỉ về kiến thức văn hóa mà còn về việc giúp học sinh phát triển toàn diện cả về mặt đạo đức.
Không giống như SGK Giáo dục công dân, SGK Hoạt động trải nghiệm mang đến cho phụ huynh, học sinh và nhà trường những kiến thức rất mới mẻ trong hoạt động giáo dục. Điều này cũng đồng nghĩa rằng việc xây dựng và biên soạn sách là một thử thách chưa từng có với nhóm tác giả. Chúng tôi không thể dựa vào cảm tính hay học hỏi từ những sản phẩm đã có trước đây. Đội ngũ tác giả đã phải tổng hợp nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý học và phương pháp giáo dục từ các quốc gia tiên tiến như Nga, Mỹ, và Úc.
Những ý kiến trái chiều, sự khác biệt về văn hóa và phương pháp giáo dục khiến việc xây dựng bộ sách trở nên vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm mang đến cho học sinh những kiến thức hữu ích nhất, chúng tôi đã vượt qua thử thách và hoàn thành SGK Hoạt động trải nghiệm cho chương trình từ lớp 1 đến lớp 12.
Cô đã bắt đầu quá trình biên soạn này như thế nào? Có những giai đoạn nào đáng chú ý trong quá trình phát triển nội dung SGK Hoạt động trải nghiệm?
Chương trình được ban hành vào cuối năm 2018, và đội ngũ tác giả đã gặp nhiều khó khăn khi đưa ý tưởng thành một chuỗi tài liệu chuẩn mực đầu tiên. Việc cụ thể hóa chương trình giảng dạy của môn Hoạt động trải nghiệm đòi hỏi chúng tôi nghiên cứu cả về hình thức lẫn nội dung.
Với tôi, thách thức lớn nhất là hiểu được tinh thần của môn học này và vạch ra con đường đơn giản nhất để học sinh dễ dàng tiếp cận. Nội dung sách được chia thành bốn mạch chính: Định hướng phát triển bản thân; Phát triển các mối quan hệ xã hội; Quan hệ giữa con người và tự nhiên; Hướng nghiệp.
Những kỹ năng này được phát triển theo hình xoắn ốc, nối tiếp từ lớp 1 đến lớp 12. Vì vậy, nhóm tác giả phải đảm bảo nội dung mang tính kế thừa, không lan man mà vẫn giữ được mục tiêu cốt lõi của môn học.
SGK Hoạt động trải nghiệm hướng tới giúp học sinh phát triển kỹ năng sống và kỹ năng xã hội. Vậy làm cách nào để cô và NXBGDVN đảm bảo nội dung sách hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi và mang tính giáo dục cao?
Quy trình 8 bước biên soạn sách được xây dựng chặt chẽ, quy củ (1. Xác định chương trình giáo dục; 2. Thành lập nhóm biên soạn; 3. Biên soạn nội dung; 4. Thẩm định nội dung; 5. Sửa chữa và hoàn thiện; 6. In ấn thử nghiệm và lấy ý kiến; 7. Xuất bản và phát hành; 8. Đánh giá và cập nhật) nhằm đảm bảo chất lượng của bộ sách giáo khoa. Trong đó bước khó khăn nhất là Biên soạn nội dung. Nội dung sách phải trải qua kiểm định chặt chẽ từ nhiều bên, đặc biệt là Hội đồng thẩm định quốc gia. Với đội ngũ tác giả gồm 2/3 là các nhà tâm lý học và phần còn lại là các nhà giáo dục, chúng tôi luôn chú trọng viết sách sao cho dễ hiểu, truyền tải nội dung một cách hiệu quả nhất.
Điểm khác biệt của SGK Hoạt động trải nghiệm là giúp học sinh thể hiện bản thân qua các tình huống ứng xử, đồng thời hướng dẫn các em kỹ năng tự học, tự lập và mở rộng kiến thức an toàn, lành mạnh mà không rập khuôn. Chúng tôi khai thác tâm lý học, giúp sách không chỉ là tài liệu học tập mà còn hỗ trợ về mặt tâm lý cho học sinh và giáo viên.
Với vai trò Tổng Chủ biên, cô kỳ vọng SGK Hoạt động trải nghiệm sẽ mang lại giá trị cụ thể gì cho giáo viên và học sinh?
Tôi tin rằng nếu thực hiện tốt, môn học này sẽ giúp học sinh trở nên tự giác, sống có ý nghĩa hơn và trải nghiệm nhiều hơn trong cuộc sống. SGK Hoạt động trải nghiệm không chỉ đưa ra hướng dẫn, mà khuyến khích học sinh tổ chức các hoạt động tập thể, chia sẻ và đoàn kết. Điều này giúp các em sống lành mạnh, tự học hỏi và khám phá bản thân.
Theo cô, SGK Hoạt động trải nghiệm sẽ góp phần thay đổi phương pháp giảng dạy tại Việt Nam như thế nào?
Tôi tin rằng, nếu giáo viên được tập huấn bài bản, bộ sách sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong phương pháp giáo dục tại Việt Nam. Giáo viên sẽ gần gũi hơn với học sinh, khuyến khích các em tự học và tự phát triển, đóng vai trò là người hướng dẫn thay vì áp đặt.
Cô có lời khuyên nào dành cho giáo viên, phụ huynh và học sinh để khai thác hiệu quả SGK Hoạt động trải nghiệm?
Tôi hy vọng nhà trường sẽ tăng cường tập huấn và tuyên truyền về tầm quan trọng của môn Hoạt động trải nghiệm. Phụ huynh cũng cần đóng vai trò đồng hành để hỗ trợ học sinh hiệu quả. Bộ sách không chỉ dành cho học sinh mà còn mang lại giá trị cho giáo viên và phụ huynh, với các bài học về quản lý cảm xúc và giao tiếp.
Nếu chúng ta cùng chung tay, tôi tin rằng nền giáo dục Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, lành mạnh và toàn diện.
Xin cảm ơn cô!