Hành trình chắp cánh ước mơ bay

MAI VĂN ĐÔNG

VHO - Ngày 20.8.1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trường Huấn luyện Hàng không (tiền thân của Trường Sĩ quan Không quân - SQKQ, Quân chủng PKKQ ngày nay) đóng quân tại Sân bay Cát Bi, TP Hải Phòng. Hơn 65 năm qua, từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sân bay ban đầu còn rất đơn sơ, chỉ có 7 giáo viên và 3 máy bay Aero - 45, đến nay Trường SQKQ không ngừng đổi mới, hiện đại, đáp ứng mọi yêu cầu huấn luyện, chắp cánh ước mơ bay cho tuổi trẻ của đất nước…

Truyền thống đầy tự hào

Sau khi thành lập, Trường Huấn luyện Hàng không được bổ sung một số máy bay Yak-18, Trener, IL-14, Li-2 và An-2, có nhiệm vụ huấn luyện phi công sơ cấp trong nước để rút ngắn thời gian đào tạo ở nước ngoài; đồng thời tạo cơ sở để huấn luyện các phi công trong nước.

Trong đó, nhiệm vụ gấp rút là đào tạo và huấn luyện phi công sơ cấp cùng một số thành viên trong các tổ bay vận tải. Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được chuyển lên học lái các loại máy bay vận tải trong nước, hoặc tuyển chọn đi học bay ở nước ngoài.

Ở giai đoạn 1965 - 1975, Nhà trường làm nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo phi công trong điều kiện sơ tán, chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.

Hành trình chắp cánh ước mơ bay - ảnh 1
Giảng viên Khoa Thiết bị hàng không, Trường SQKQ hướng dẫn thực hành thông điện cho học viên năm thứ 3, Cao đẳng kỹ thuật hàng không trên máy bay Su-22M

Sau ngày đất nước thống nhất, Trường SQKQ được giao nhiệm vụ tiếp quản sân bay Nha Trang, Phan Rang vừa được giải phóng để tổ chức huấn luyện, đào tạo giáo viên, học viên phi công trên các loại máy bay thu được của địch.

Lúc này, đơn vị vừa phải quản lý cơ sở vật chất thu được của địch và bảo đảm an toàn khu vực đóng quân, nhất là khu vực để máy bay, kho xăng dầu, kho khí tài, nhà máy điện... vừa tổ chức huấn luyện chuyển loại trên các máy bay cho cán bộ, giáo viên và tham gia cùng với chính quyền quân quản giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng mới giải phóng.

Đại tá Nguyễn Thăng Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường SQKQ nhớ lại:

“Sau khi tiếp quản sân bay Nha Trang và sân bay Phan Rang, đơn vị đã nhanh chóng cho bộ đội thu gom đạn pháo còn rơi vãi và dọn dẹp phế liệu, vệ sinh toàn bộ khu vực nhà ga để máy bay, duy trì hoạt động của Sở Chỉ huy và tổ chức cho cán bộ, giáo viên ôn tập lý thuyết để chuyển loại sang các loại máy bay mới thu được của địch như T-41, U-17...

Đồng thời, tận dụng các loại vật tư, khí tài thu được để dồn lắp, sửa chữa, khôi phục và đưa vào làm nhiệm vụ huấn luyện".

Hành trình chắp cánh ước mơ bay - ảnh 2
Giảng viên Khoa Thiết bị hàng không, Trường SQKQ hướng dẫn thực hành thông điện cho học viên năm thứ 3, Cao đẳng kỹ thuật hàng không trên máy bay Su-22M

Từ năm 2006 đến nay, Trường SQKQ tổ chức huấn luyện đào tạo phi công quân sự, sĩ quan dù - tìm kiếm cứu nạn đường không trình độ đại học theo Quyết định số 03/QĐ-TTg, ngày 5.1.2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời tiếp tục đào tạo nhân viên các chuyên ngành kỹ thuật hàng không cho Tổ quốc và các nước bạn Lào, Campuchia.

Cũng trong năm học 2006 - 2007, Nhà trường triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 về tiếp tục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ công tác giáo dục, đào tạo theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo trong phạm vi các nhà trường Quân đội.

Hơn 65 năm, với “Bài Việt Nam”, “Thầy Việt Nam”, “Trường Việt Nam”, Trường SQKQ đã đào tạo được hàng nghìn phi công quân sự, hàng vạn sĩ quan, nhân viên kỹ thuật các chuyên ngành hàng không cho Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội các nước bạn Lào, Campuchia.

Đội ngũ giáo viên và học viên của Nhà trường cũng có mặt ở tất cả các đơn vị chiến đấu, có mặt trong các trận đánh lịch sử, tiêu biểu của Không quân Nhân dân Việt Nam, tham gia chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, có 32 đồng chí lập công xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay địch.

Nhiều đồng chí sau này trở thành tướng lĩnh, cán bộ cấp cao của Quân chủng PKKQ và Bộ Quốc phòng.

Đào tạo phi công chất lượng cao

Hiện nay, Trường SQKQ đang là một trong 8 Học viện, Nhà trường được Bộ Quốc phòng xác định xây dựng trường trọng điểm với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội, nhất là đội ngũ phi công quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hành trình chắp cánh ước mơ bay - ảnh 3
Giảng viên và học viên phi công Trung đoàn 910, Trường SQKQ giảng bình sau chuyến bay

Đứng trước yêu cầu này, Nhà trường đang tổ chức xây dựng quy trình, chương trình giáo dục, đào tạo phi công quân sự theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó coi trọng huấn luyện bay; bảo đảm an toàn bay vững chắc trên 4 loại máy bay Mi-8, L-39, Yak-52, Yak-130 và chuẩn bị tiếp nhận một số loại máy bay hiện đại.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, Nhà trường đã hoàn thành Đề án báo cáo Bộ Quốc phòng đào tạo cán bộ, nhân viên UAV và đào tạo nhân viên kỹ thuật hàng không cho lực lượng Không quân Công an Nhân dân cũng như một số đơn vị khác khi có nhu cầu.

Theo Thượng tá Nguyễn Thành Dân, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường SQKQ:

“Để đào tạo được một phi công quân sự tốt nghiệp ra trường là cả một quá trình phấn đấu liên tục giữa nhà trường và học viên với yêu cầu cao về chất lượng, có sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ ở tất cả các khâu, các bước của quy trình, mục tiêu đào tạo.

Sau khi trúng tuyển đầu vào, học viên phi công sẽ được huấn luyện quân sự cơ bản và học tập các môn cơ bản, lý luận chính trị, kỹ thuật cơ sở cũng như lý thuyết chuyên ngành tại khu trung tâm của trường trong 2,5 năm.

Đến năm thứ 3, các học viên sẽ được tuyển chọn, phân hướng đào tạo trên 2 loại máy bay là trực thăng và phản lực. Học viên nào bay trực thăng thì sẽ học lý thuyết ở trường 3 năm, sau đó đi bay thực tế ở đơn vị 2 năm và tốt nghiệp.

Học viên nào bay phản lực thì sẽ xuống Trung đoàn 920 bay thực hành trên máy bay Yak-52 một năm, sau đó chuyển sang bay L-39 (L-39NG) hoặc máy bay Yak-130 một năm nữa rồi tốt nghiệp”.

Được biết, trước khi thực hành trên các loại máy bay thật, học viên phi công quân sự của Trường SQKQ phải qua huấn luyện trên các thiết bị mô phỏng trên giảng đường và có kiểm tra, đánh giá cụ thể.

Hành trình chắp cánh ước mơ bay - ảnh 4
Các phi công trẻ của Trung đoàn 940, Trường SQKQ trao đổi, luyện tập bài bay trong ngày huấn luyện bay

Hiện nay, Nhà trường đang trang bị một Trung tâm mô phỏng với 7 ca-bin tập lái cho học viên phi công ở khu trung tâm học tập, có thể tái cấu hình cho các loại máy bay khác nhau bằng cách thay thành phần điều khiển và cài đặt phần mềm.

Chỉ sau 10-15 phút là có thể tái cấu hình thành các ca-bin tập lái mô phỏng trên các loại máy bay: Yak-52, L-39, SU-30MK2...

Với hệ thống mô phỏng này, các học viên phi công quân sự sẽ được luyện tập sử dụng thiết bị buồng lái và rèn luyện kỹ thuật điều khiển máy bay, dẫn đường cũng như xử trí các tình huống bất trắc trên không giống như thực tế.

Thông qua đó, sẽ củng cố thêm kiến thức và phát triển kỹ năng cũng như rèn luyện bản lĩnh tâm lý cho học viên phi công trước khi bay thực tế tại đơn vị.

Tại các Trung đoàn của Trường cũng được trang bị buồng tập lái và ca bin mô phỏng cho học viên luyện tập trước khi lên thực hành trên máy bay.

Với hình thức này, việc tập bay của học viên ở đơn vị sẽ không còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, dễ thực hiện, chi phí thấp lại bảo đảm an toàn và rất hiệu quả.

Đại tá Lại Công Hoan, Phó Hiệu trưởng Trường SQKQ cho biết: “Thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Những năm qua, Trường SQKQ đã xây dựng được đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ học vấn và năng lực sư phạm cũng như kinh nghiệm thực tiễn.

Hiện nay, Nhà trường đang tiếp tục thực hiện đề án xây dựng trường “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”; trong đó chú trọng về nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Bảo đảm học viên phi công sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có giờ bay tích lũy trung bình từ 220-230 giờ; có kỹ năng bay cơ bản với nhiều khoa mục ứng dụng chiến đấu và thực hiện được các bài bay trong điều kiện thời tiết phức tạp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cũng như khai thác, làm chủ vũ khí, khí tài trang bị ngày càng hiện đại của Quân đội”.