Xã hội hóa biên soạn, xuất bản SGK:
Hoàn thành một nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp
VHO - Hơn một thập kỷ qua, nền giáo dục Việt Nam đã có nhiều chuyển biến sâu sắc nhờ định hướng từ Nghị quyết số 29- NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, một điểm nhấn quan trọng là chủ trương xã hội hóa giáo dục, đặc biệt trong công tác biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai mô hình “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với hệ thống giáo dục phổ thông.
Trong nhiều năm, giáo dục phổ thông vận hành theo mô hình một bộ sách giáo khoa (SGK) duy nhất do nhà nước biên soạn và phát hành. Mô hình này có những lợi thế đáng ghi nhận, như đảm bảo sự thống nhất trong nội dung dạy học trên toàn quốc, dễ dàng trong kiểm tra, đánh giá, và giảm bớt chi phí cho phụ huynh và ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu phát triển nguồn nhân lực đòi hỏi sự đa dạng về kỹ năng, tư duy phản biện và khả năng sáng tạo, việc duy trì một bộ SGK lại dẫn đến nhiều hệ lụy.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Nghị quyết 88/2014/QH13 và Luật Giáo dục 2019 đã mở đường cho chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Chủ trương này tiếp tục được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục 2019 với quy định: “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; việc biên soạn sách giáo khoa được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.” Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 không chỉ đặt ra các yêu cầu pháp lý cụ thể mà còn khuyến khích nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, phá bỏ sự độc quyền trước đây. Đây là một bước tiến lớn, phù hợp với xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo đó, GD&ĐT xây dựng chương trình khung với các yêu cầu cần đạt. Các nhà xuất bản, tổ chức hoặc cá nhân có thể tham gia biên soạn SGK dựa trên chương trình này, và các bộ sách sẽ được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định quốc gia.
Từ năm 2018, Chương trình GDPT mới chính thức được triển khai. Lần đầu tiên, nội dung SGK được coi là học liệu tham khảo, thay vì bắt buộc phải sử dụng như trước đây. Giáo viên được trao quyền lựa chọn bài học, phương pháp giảng dạy và học liệu phù hợp với từng nhóm học sinh. Hiện nay, Việt Nam đã có ba bộ SGK chính thức được xã hội hóa, gồm bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh diều. Những bộ sách này không chỉ mang lại sự đa dạng trong cách tiếp cận tri thức mà còn tạo động lực để giáo viên và học sinh phát huy sự sáng tạo trong quá trình dạy và học.
Trong Hội thảo đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn SGK giai đoạn 2018-2024 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, lần đầu tiên SGK được biên soạn theo hình thức xã hội hóa; việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bài bản. Tính đến nay, có 7 nhà xuất bản và 12 công ty cổ phần tham gia biên soạn và liên kết biên soạn sách giáo khoa. Công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thu hút được số lượng tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đông đảo, tổng số 2.656 tác giả. Cơ cấu đội ngũ tác giả đa dạng gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa góp phần phát huy được trí tuệ của thầy cô giáo.
Tác giả biên soạn SGK công tác ở các vùng miền khác nhau, các bộ sách được biên soạn với cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm giáo dục của từng vùng miền, sát với thực tế giảng dạy của các địa phương trong điều kiện cùng một chương trình giáo dục phổ thông. Công tác xã hội hóa trong khâu tổ chức dạy thực nghiệm của các tổ chức biên soạn sách giáo khoa được đánh giá thành công, việc phối hợp giữa các Sở GD&ĐT và các tổ chức biên soạn sách giáo khoa tốt, diện thực nghiệm bảo đảm độ phủ kín các vùng miền khác nhau trên cả nước. Số tiết thực nghiệm, quy trình tổ chức thực nghiệm bảo đảm theo quy định. Những thông tin phản hồi từ quá trình dạy thực nghiệm và góp ý của giáo viên đã góp phần quan trọng giúp cho các bộ sách chuẩn xác hơn về ngữ liệu, phù hợp hơn đối với điều kiện dạy học thực tế của các địa phương…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ tác giả, cũng như công tác thẩm định chặt chẽ trong biên soạn sách giáo khoa, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đã huy động gần 1.000 tác giả tham gia biên soạn SGK với những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm, các giảng viên đại học, nhà khoa học, giáo viên. Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT và các đơn vị chức năng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành 2 bộ sách, với 485 đầu sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Đánh giá về công tác xã hội hóa biên soạn SGK, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, trong thời gian qua, với sự quyết tâm rất lớn, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, các chủ thể tham gia như cán bộ quản lý, thầy cô giáo, nhà xuất bản… đã hoàn thành tốt công tác xã hội hóa biên soạn SGK, một nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Để tiếp tục làm tốt hơn công việc “mới, khó” là xã hội hóa biên soạn SGK, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà xuất bản, chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, việc tập trung đầu tư cho đội ngũ giáo viên, nâng cao năng lực giảng dạy và hoàn thiện cơ sở vật chất tại các địa phương còn khó khăn sẽ là chìa khóa thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.