Hiệu quả sàng lọc và phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng
VHO- Là địa phương có tỉ lệ bệnh nhân mắc lao không rõ nguồn lây khá cao, Gia Lai đang tăng cường triển khai khám sàng lọc, xét nghiệm theo chiến lược 2X tại cộng đồng nhằm chủ động phát hiện các bệnh nhân lao và trường hợp lao tiềm ẩn để kịp thời cách ly, điều trị.
Theo báo cáo, bình quân mỗi năm, tỉnh Gia Lai phát hiện khoảng 650 bệnh nhân lao các thể, trong đó có trên 400 bệnh nhân lao phổi; tỉ lệ phát hiện bệnh lao các thể khoảng 44-50/100.000 dân. Xu hướng phát hiện bệnh nhân lao có chiều hướng giảm nhưng tình trạng nguồn lây trong cộng đồng còn nhiều, bệnh nhân lao kháng thuốc vẫn còn là vấn đề khó khăn trong công tác phòng-chống lao tại tỉnh Gia Lai.
Người dân xã Phú Cần huyện Krông Pa, khi khám miễn phí sàng lọc lao tại cộng đồng
Trước thực trạng này, Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã tăng cường công tác phòng-chống lao, trong đó tập trung khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng bằng chiến lược xét nghiệm 2X. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về bệnh lao và các biện pháp phòng-chống lao. Đồng thời, xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao; vận động chính sách, nguồn lực Trung ương, địa phương và huy động cộng đồng tham gia phát hiện chủ động, tích cực và điều trị khỏi bệnh lao.
Thời gian qua, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Gia Lai phối hợp với các Trung tâm Y tế và các đơn vị đã tiến hành nhiều đợt khám sàng lọc lao chủ động tại các huyện trên địa bàn tỉnh bằng chiến lược 2X. Trong đó, nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường hệ thống cộng đồng vì chấm dứt bệnh lao” do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) hỗ trợ, Bệnh viện đã phối triển khai khám sàng lọc tại 3 huyện Krông Pa, Đức Cơ và Ia Pa với tổng số 38 buổi. Kết quả cho thấy, gần 11.700 người thuộc 3 huyện đã được xét nghiệm X-quang và phát hiện được 126 bệnh nhân lao hoạt động (bệnh nhân nhiễm vi khuẩn lao và sinh sôi, phát triển gây ra bệnh lao) và 104 ca lao tiềm ẩn (bệnh nhân nhiễm vi khuẩn lao nhưng chỉ trú ngụ, chưa sinh sôi, phát triển thành bệnh lao).
Huyện Krông Pa là một trong những huyện có số ca mắc cao. Cụ thể, năm 2022 phát hiện được 67 ca lao hoạt động và 70 ca lao tiềm ẩn; nhưng 9 tháng đầu năm đã phát hiện được 68 ca lao hoạt động, 76 ca lao tiềm ẩn.
Xe chụp X - quang lưu động tại các điểm khám miễn phí
Là y sĩ chuyên trách lao của Trung tâm Y tế huyện Krong Pa nên anh Ksor Dhun thường xuyên xuống các buôn, xã để khám lao cho bà con. Khi có sự hỗ trợ của dự án “Tăng cường hệ thống cộng đồng vì chấm dứt bệnh lao”, nhiều buổi khám sàng lọc miễn phí tại cộng đồng được tổ chức thì bệnh nhân lao được phát hiện nhiều hơn. Tại các buổi khám, mỗi người dân có 1 mã khám lâm sàng, các y bác sĩ là người địa phương, nói tiếng địa phương để có thể khai thác tối đa các triệu chứng của người dân như có sốt, ho, có tiếp xúc với bệnh nhân lao không... Sau đó được chuyển đến khu vực chụp chiếu bằng xe chụp X - quang lưu động của Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai. Khi có kết quả, các bác sĩ sẽ sàng lọc và tư vấn cho người dân về chăm sóc sức khoẻ; nếu có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được lấy dịch để gửi đến phòng lab của Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai để xét nghiệm Xpert khẳng định bệnh nhân có mắc bệnh lao hay không.
Sau khi phát hiện bệnh nhân lao mới, bộ phận y tế thôn bản sẽ mời toàn bộ người nhà của bệnh nhân đi khám sàng lọc, làm xét nghiệm, tiêm thuốc để tìm ra các đối tượng mắc lao tiềm ẩn, kịp thời điều trị không để phát triển thànhh bệnh lao. Đồng thời hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ điều trị, sinh hoạt cách ly, phòng tránh nhiễm bệnh cho người khác.
“Trước đây, người dân khi đau ốm mới đi khám bệnh. Hoặc khi ho, sốt chỉ đi khám tại trạm y tế, và được y bác sĩ phát thuốc thông thường mà không phát hiện ra bệnh lao. Do đó, việc tổ chức khám và thực hiện chiến lược 2X gồm chụp X-quang tại chỗ bằng xe X-quang kỹ thuật số lưu động và xét Xpert là phương án hiệu quả, tăng khả năng phát hiện chủ động nhằm phát hiện sớm bệnh lao, lao tiềm ẩn trong cộng đồng. Từ đó thu dung bệnh nhân điều trị và cắt nhanh nguồn lây và cắt nguy cơ nhiễm lao thành bệnh lao”, y sĩ Ksor Dhun nói.
Chị Kso H’Chuyên (sinh năm 1973, buôn Tang, xã Phú Cần) tỏ ra rất vui vẻ khi chụp X – quang tại buổi khám sàng lọc miễn phí vào cuối tháng 9 vừa qua, kết quả cho thấy chị đã không còn dấu hiệu của vi khuẩn lao trong người. Chị cho biết, năm ngoái, chị đã thấy ho, mệt, khó thở nhưng không đi khám. Khi có buổi khám lao miễn phí tại xã nên chị đã đến khám, vài ngày sau, y tế thôn bản thông báo chị mắc bệnh lao. “Tôi không biết lây từ đâu, cả nhà tôi không ai mắc lao. Sau đó, tôi được đưa đi khám ở huyện và hằng tháng đi lấy thuốc miễn phí ở trạm y tế xã 6 tháng liền. Tôi không còn bị ho hắng nữa, hôm nay bác sĩ thông báo tôi khỏi bệnh rồi, tôi vui lắm”, chị Kso H’Chuyên hào hứng kể.
Bài, ảnh: QUỲNH HOA