Hành trình nhân văn khắc phục hậu quả chiến tranh

SƠN THÙY - ANH KIỆT

VHO - Công tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) đã được Việt Nam và Mỹ phối hợp thực hiện hàng chục năm qua, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây không chỉ là hành trình tìm hài cốt mà còn là hành trình của sự hòa giải, của tình người, lòng bao dung, gác lại quá khứ, hướng đến tương lai.

 Hành trình nhân văn khắc phục hậu quả chiến tranh - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và Đại sứ Mỹ Marc E.Knapper chứng kiến hủy nổ bom chùm tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

 Những ngày đầu tháng 4, đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã có chuyến khảo sát, chứng kiến các hoạt động trong công tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại tỉnh Quảng Trị.

Thôn Cợp, xã Hướng Phùng của huyện miền núi Hướng Hóa là nơi từng chứng kiến nhiều đau thương trong chiến tranh giờ đã có nhiều thay đổi. Những ngày qua, đoàn chuyên gia của Việt Nam và Mỹ triển khai hoạt động MIA ở đây.

Hơn 50 năm trôi qua, kể từ khi chiến tranh kết thúc, những vết thương vẫn còn đó, những nỗi đau vẫn âm ỉ, đặc biệt còn biết bao gia đình vẫn đau đáu trông chờ tin tức, thi hài của người thân mất tích.

Hành trình tìm kiếm và hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam là câu chuyện ý nghĩa, nhân văn đã được các bên phối hợp tổ chức suốt mấy chục năm qua.

Ngay sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) để chủ trì giải quyết vấn đề MIA. Cho đến năm 1988, hoạt động tìm kiếm người mất tích bắt đầu được tiến hành với sự tham gia của các đội tìm kiếm hỗn hợp Việt Nam - Mỹ.

Ông Đỗ Hùng Việt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, sau khi ký Hiệp định Paris, Việt Nam đã triển khai ngay hoạt động tìm kiếm người Mỹ mất tích, thể hiện cam kết của Việt Nam, tuân thủ những thỏa thuận với phía Mỹ và thể hiện lòng bao dung của người Việt Nam.

Việt Nam luôn thực hiện cam kết của mình, không chỉ trên phương diện ngoại giao mà còn trên tinh thần nhân văn. Nếu không có lòng bao dung, chúng ta sẽ khó có thể vượt qua nỗi đau chiến tranh để cùng nhau tìm kiếm những người từng là “kẻ thù”. Đây là một minh chứng cho tinh thần hòa giải và khát vọng hòa bình.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tìm kiếm và trao trả cho Mỹ hơn 1.200 bộ hài cốt, giúp Mỹ nhận dạng hơn 730 quân nhân. Những con số này là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, từ việc rà soát thông tin, khai quật hiện trường, đến bàn giao di vật.

Ông Travis Walter Ray, Chỉ huy trưởng văn phòng tìm kiếm quân nhân mất tích của Mỹ tại Việt Nam, bày tỏ sự xúc động: “Khi bắt đầu nhiệm vụ tìm kiếm người quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh, chúng tôi đã có được sự cộng tác rất suôn sẻ với bên phía đối tác Việt Nam. Sự cộng tác, hỗ trợ của người dân và chính quyền địa phương ở Quảng Trị đã giúp cho công tác tìm kiếm diễn ra thuận lợi. Tôi rất bất ngờ và cảm thấy mọi người đều nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi”.

Hoạt động hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh được Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân Mỹ đánh giá cao về thiện chí nhân đạo, xem là mô hình hợp tác mẫu mực vì nhân đạo.

Hiện, Việt Nam và Mỹ đang phối hợp tiến hành hoạt động hỗn hợp tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh đợt 158 theo kế hoạch.

Tại hiện trường tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt và Đại sứ Mỹ Marc E.Knapper đã chứng kiến và cùng tham gia hoạt động tìm kiếm.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia của Mỹ cũng như cán bộ ngoại giao và người dân địa phương cũng đã tham gia các công việc góp phần để thực hiện công tác tìm kiếm này.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc E.Knapper khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng một tương lai hòa bình và thịnh vượng”.

Hoạt động tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh là một phần trong tổng thể nỗ lực của hai nước trong khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Chính phủ Mỹ cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam từ tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn đến giúp đỡ các gia đình chịu ảnh hưởng chiến tranh...

Tại Quảng Trị - vùng “đất lửa” chịu ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến, địa phương bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất toàn quốc với tỉ lệ diện tích ô nhiễm hơn 81,3%. Những năm qua, nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ địa phương trong công tác rà phá bom mìn.

Trong đó, Mỹ hỗ trợ nhiều nhất thông qua các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, từ năm 1996 đến nay với ngân sách hơn 104 triệu USD để thực hiện các dự án khắc phục hậu quả bom mìn tại Quảng Trị.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E.Knapper cho biết, ông và các cộng sự sẽ tiếp tục đồng hành cùng Quảng Trị để đề xuất với Chính phủ Mỹ tiếp tục thực hiện các chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh trong thời gian tới.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc